Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn nghệ thuật hát ADay của người Khmer

NA (T/h) - 17:43, 15/03/2022

Hát ADay của người Khmer (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) là nghệ thuật trình diễn dân gian tổng hợp, theo lối hát “nói”. Di sản văn hóa này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021.

Aday là loại hình nghệ thuật hát đối đáp của dân tộc Khmer (Ảnh: Đình Thương)
Aday là loại hình nghệ thuật hát đối đáp của dân tộc Khmer (Ảnh: Đình Thương)

Hát ADay được truyền vào tỉnh Hậu Giang cùng với công cuộc khai hoang mở đất, lập phum, sóc của bà con Khmer. Địa bàn huyện Long Mỹ xưa có hát ADay từ rất sớm, điển hình là ở chùa Pô Thi Vong Sa, tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, hầu như trai gái đều biết hát ADay. Tại vùng đất thuộc thành phố Vị Thanh thời xưa, cộng đồng bà con dân tộc Khmer cũng có Đội văn nghệ thường xuyên trình diễn hát ADay.

Hát ADay được trình diễn trong các dịp lễ hội, dần dần hát góp vui trong các nghi lễ gia đình hay các cuộc vui trong phum, sóc. Người hát ADay là một bên nam và bên nữ vừa hát, vừa đối đáp đan xen nhau trên nền nhạc. Có khi là một lời ví von quen thuộc, khi là một lời ướm hỏi, trao nhau tình cảm thân thương, nồng nàn. Đôi khi lối hát đối đáp Aday còn kèm các điệu múa, vừa múa vừa hát đối nhau hoặc có thể hóa trang bằng mặt nạ… Họ đối nhau, bẻ nhau bằng nhiều câu hát đố, ai không đáp được coi như thua cuộc và người bạn phải cất tiếng hát đáp thay.

Múa trong hát ADay là điệu múa tổng hợp, gồm cả điệu rom vong, lăm lêu… Động tác tay múa, tay “chip” còn gọi là bắt, thể hiện sự khéo léo, đẹp đẽ, dịu dàng, kín đáo… Tay “khuôn”, còn gọi là cuộn tròn, hay cuộn vào thể hiện tính mạnh mẽ, dứt khoát. Tay “rồn”, còn gọi là che, như một tư thế che nắng, làm duyên. Tay “chòn-ol”, còn gọi là động tác chỉ, mách bảo cho biết trạng thái tâm tư (buồn, thương, giận, ghét). Cùng với động tác tay, là động tác nhích vai, lắc mông và những bước đi vờn nhau, tình tứ, yêu đời, trêu ghẹo, châm chọc.

Tùy vào từng bối cảnh, lễ hội, nghi lễ gia đình hay sinh hoạt cộng đồng, mà hát ADay có thể sử dụng bài hát truyền thống hoặc viết lời mới, hay ứng tác tại chỗ. Các bài bản hiện có như cổ vũ đua ghe ngo, ca ngợi, chúc phúc trong nghi lễ gia đình; trong sinh hoạt cộng đồng có các bài ca nói về đạo đức, lối sống; nay có cả bài về xây dựng đời sống văn hóa, cổ vũ thanh niên tòng quân, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Các bài nhạc đệm cho hát ADay được chọn từ bản nhạc đệm của lối hát đối đáp hay tuồng tích hát dù kê, hay nhạc múa truyền thống. Điệu nhạc phổ biến nhất sử dụng cho tới bây giờ là bản đờn Phum Phuông, Prop kai. Thỉnh thoảng dùng nhạc múa lăm lêu… Tất cả đều thể hiện giai điệu vui tươi, sôi nổi theo nhịp 2/4. Dàn nhạc đệm cho hát ADay, nếu đầy đủ có thể 5 - 6 nhạc cụ truyền thống, gồm: T’ro sô (đàn cò), T’rou (đàn gáo), Khum (tam thập lục), Khlai (sáo trúc), Ch’hưm (chập chả), Tà khê (đàn cá sấu), Sko Đay (trống vỗ)… Tuy nhiên, ngày nay, tại các cuộc chơi đột xuất hay sinh hoạt cộng đồng, chỉ cần vài nhạc cụ như T’sô và Sko Đay vẫn đệm được cho tiết mục hát ADay.

Các học viên dân tộc Khmer trình diễn nghệ thuật hát múa ADay (Ảnh TL)
Các học viên dân tộc Khmer trình diễn nghệ thuật hát múa ADay (Ảnh TL)

Trong các nghi lễ gia đình, đặc biệt là đám cưới, khi đưa lễ vật và chú rể qua nhà gái, dàn nhạc và nhóm hát ADay đến trình diễn, tạo không khí vui tươi sôi nổi, hát ADay với các bài chúc phúc, mong muốn cặp vợ chồng sống hòa thuận, làm ăn khá giả, gia đình hạnh phúc. Sau nghi thức cắt tóc (Pi thi cắc sóc) công nhận sự trưởng thành của chú rể, nghi thức rắc bông cau, buộc chỉ tay cho cô dâu chú rể tại nhà gái, dàn nhạc tấu nhạc lễ, hát ADay chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Hát ADay của người Khmer Hậu Giang trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, đặc trưng trong các phum, sóc, gắn liền với ngôi chùa và gia đình. Thực hành hát ADay còn là môi trường bảo lưu các giá trị về âm nhạc, múa dân gian của cộng đồng; góp phần cố kết cộng đồng, là cầu nối bền chặt giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng..

Để bảo tồn, phát huy di sản hát Aday, tỉnh Hậu Giang đã đã xây dựng Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020” với kinh phí thực hiện hơn 1 tỷ đồng. Sau 5 năm thực hiện, tính đến tháng 10/2021, tỉnh đã mở được 3 lớp tập huấn ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, chùa Khmer - những nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; thu hút hơn 100 học viên người dân tộc Khmer tham gia.