Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lễ Pây tái của các dân tộc Tày, Nùng

PV - 15:46, 11/07/2018

Với cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc, rằm tháng Bảy-Lễ Pây tái là một trong hai cái Tết quan trọng nhất của năm, sau Tết Nguyên đán. Lễ Pây tái hoặc Pây chường tái, diễn ra vào ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng Bảy hàng năm.

Người Tày, Nùng quan niệm rằng, người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn và phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên bên nhà chồng, vì vậy, ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng Bảy là dịp người phụ nữ cùng chồng và con trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay chăm sóc, báo hiếu cho cha mẹ. Đây còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ của mình đã vất vả khó nhọc sinh thành, dưỡng dục người con mình đã lấy về làm vợ.

lễ Pây tái Một gia đình mang lễ về nhà bố mẹ vợ để làm lễ Pây tái.

Khi về nhà ngoại, cô con gái thường mang theo gà, vịt, một chục bánh gai, rượu để biếu bố mẹ, anh em họ hàng và mang theo chút bánh kẹo làm quà cho trẻ con. Dịp này, con cái có dịp báo hiếu cha mẹ bằng những việc làm cụ thể như, giặt giũ, may vá quần áo cho bố mẹ, giúp cha mẹ hoàn thành những tâm nguyện trong cuộc sống. Sau đó, người phụ nữ Tày, Nùng cùng chồng sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên. Đối với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, món ăn không thể thiếu trong dịp rằm tháng Bảy là thịt vịt quay lá mác mật ăn với bún trắng, canh thịt vịt nấu măng.

Trong dịp này, các cô gái đi lấy chồng xa có dịp gặp lại bạn bè thời ấu thơ. Họ ngồi quây quần bên nhau hàn huyên, chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, về chồng con,… kéo dài suốt đêm không hết.

Lễ Pây tái hiện vẫn được người Tày, Nùng bảo tồn, gìn giữ. Dù cách làm, phong tục mỗi nơi, mỗi dân tộc khác nhau nhưng tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên trong ngày rằm tháng Bảy đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

SÔNG LAM