Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lấp lánh những nét chữ ở lưng chừng Phu xai lai leng

Việt Thắng - 12:03, 17/12/2020

Nhìn những nét chữ lấp lánh ấy, không ai nghĩ là của học sinh tiểu học, lại là học sinh người Mông. Thế mà là chữ các cháu đấy - học sinh điểm Buộc Mú, Trường Tiểu học Na Ngoi I (Kỳ Sơn – Nghệ An).

Một tiết học của cô và trò lớp 3C
Một tiết học của cô và trò lớp 3C

Khó có một điểm trường nào ở miền núi mà sạch sẽ, tinh tươm đến vậy. Những khóm hoa trước các cửa lớp được các thầy, cô giáo chăm sóc tỉ mẩn, nở thắm quanh năm. Phía đông là cả một dãy hoa hướng dương đang độ chúm chím, như tuổi hồng của những đứa học trò ở lưng chừng núi Phu xai lai leng vậy.

Tôi đến điểm trường này vào một ngày đầu Đông, cái rét ở độ cao hơn 1500m, đúng là tê tái. Thế mà 6 lớp học, với sĩ số 136 học sinh không một cháu nào nghỉ học. Thầy Nguyễn Hữu Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Ngoi 1, cho biết: Ngày trước, để vận động các em đến trường là công việc vô cùng gian nan đối với các thầy cô giáo. Trong nỗ lực giữ chân học trò, có việc xây dựng cảnh quan nhà trường xanh, sạch đẹp. Vì thế mà các thầy cô giáo đã cố gắng hết sức mình để có cảnh quan điểm trường đẹp đẽ, nhằm thu hút học trò, để các em thực sự “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Chỉ vào hành lang lớp học, thầy Hoàng cho hay, các cháu đến trường phải để dép ở đây để thay bằng dép đi trong nhà. Đường miền núi, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì bùn lầy, quy định như thế để giữ gìn vệ sinh, đồng thời rèn luyện cho các cháu tác phong ngăn nắp. Ngăn nắp trong sinh hoạt, ngăn nắp trong học tập…dần dần các cháu tự đưa mình vào khuôn khổ, sống có kỷ luật.

Chúng tôi không dám làm phiền đến cô và trò khi đang giờ lên lớp, chỉ dám đứng cuối lớp học để “dự giờ” mươi phút. Rất lễ phép, sau tiếng hô dõng dạc của lớp trưởng, cả lớp đứng dậy khoanh tay chào khách. Đang là giờ chính tả. Những cuốn vở ô li tinh tươm được cẩn thận giăng sẵn trước mặt. Cháu nào cũng tập trung cao độ để viết. Những nét chữ hiện dần từ những đôi tay non nớt trong cái rét căm căm, cứ lấp lánh, lấp lánh.

“Mùa thu của em/ Lá vàng hoa cúc/ Như nghìn con mắt/ Mở nhìn trời êm…” Bài chính tả “Mùa thu” các cháu viết hôm nay, với tôi là một tác phẩm nghệ thuật thì đúng hơn. “Như nghìn con mắt”, đọc câu này tôi liên tưởng đến chữ của người xưa: “nhãn tự” – chữ có con mắt. Chao ôi, những nét chữ đều phăm phắp, nét thanh, nét đậm…như kẻ, như in.

Xồng Bá Mạnh – học sinh lớp 3C với nét chữ tươi rói
Xồng Bá Mạnh – học sinh lớp 3C với nét chữ tươi rói

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay, ông cha thường nói, nét chữ - nết người. Đối với các em học sinh người dân tộc thiểu số, thì ngôn ngữ là cản trở lớn nhất trong học tập cũng như giao tiếp và thậm chí sinh hoạt, công tác sau này. Trong yêu cầu dạy tiếng Việt cho các cháu, chúng tôi coi trọng luyện chữ viết. Một là, trong quá trình luyện chữ, các cháu sẽ biết nhiều hơn, hiểu sâu hơn về tiếng Việt. Hai là, chúng tôi cố gắng rèn cho các cháu đức tính kiên trì, nhẫn nại, chịu khó. Ba là, luyện chữ đẹp, chúng tôi mong muốn các cháu biết yêu cái đẹp để sống đẹp…Đồng thời, trong quá trình luyên chữ cho các cháu, thông qua nét chữ, thầy cô giáo hiểu hơn về tính cách của mỗi học sinh để có phương pháp giáo dục riêng. 

“Nhọc công lắm, anh ạ. Đối với học sinh miền núi, không thể vội được đâu, phải dạy cho các em thành thạo con chữ, con số thì lúc đó mới tăng tốc được. Cứ sau mỗi buổi học, chúng tôi phải dành thêm 30 phút nữa để rèn chữ cho các em” – cô Huyền cho biết thêm.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Hoàng tỏ ra rất hãnh diện về điểm trường này: Tuy là điểm lẻ, nhưng điểm trường Buộc Mú luôn dẫn đầu về chất lượng. Trong đội ngũ học sinh giỏi của trường đi thi học sinh giỏi huyện, thì học sinh điểm Buộc Mú luôn đóng vai trò nòng cốt. Thầy cũng giới thiệu một điều thú vị, 6 giáo viên chủ chốt ở điểm trường Buộc Mú là 3 cặp vợ chồng. Họ từ miền xuôi lên với Na Ngoi, về Buộc Mú, yêu nhau rồi thành vợ thành chồng. Như thầy Giản Viết Thìn và cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, phải gửi hai con nhỏ cho hai bên nội ngoại dưới xuôi, nhưng vẫn không rời lớp buổi nào.

Rời Buộc Mú, rời Na Ngoi, tiếng ê a của các cháu học sinh ở lưng chừng Phu xai lai leng cứ âm vang mãi trong tôi. Nhìn những gương mặt rạng ngời với những nét chữ lấp lánh của các cháu, tôi tin rằng, một ngày không xa, Na Ngoi – nơi có đỉnh Phu xai lai leng mờ sương sẽ bừng sáng!