Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lao động người dân tộc thiểu số: “3 không” và hệ lụy

Thiên Đức - 21:19, 09/11/2020

Không hợp đồng lao động (HĐLĐ), không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và không trang bị bảo hộ lao động (BHLĐ) là thực trạng khá phổ biến đối với lao động người DTTS. Tình trạng này đang gây ra nhiều khó khăn, hệ lụy trong cuộc sống của người lao động.

Người lao động ở Lục Yên làm theo mùa vụ nên không có HĐLĐ, BHXH.
Người lao động ở Lục Yên làm theo mùa vụ nên không có HĐLĐ, BHXH.

Rủi ro rình rập

Buôn Đăk Tei, xã Yang Tao, huyện Lăk (Đăk Lăk) vốn được biết đến là nơi tập trung đông lao động từ các địa phương tới khai thác đá. Điều đáng nói, những lao động này chủ yếu làm việc theo diện tự phát, rất thiếu các phương tiện BHLĐ và không có HĐLĐ. Ông Nông Đình Danh, một lao động đang khai thác đá thuê ở khu vực này kể, ông vốn quê ở tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng do làm ăn khó khăn nên vào Đăk Lăk từ những năm 90. Tưởng rằng cuộc sống mới sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng ở đây người dân chẳng còn nghề gì khác là khai thác đá.

Do làm việc tự do nên tất cả các thợ đá đều không được trang bị BHLĐ. Khi được hỏi về HĐLĐ cũng như việc đóng BHXH, ông Danh cười trừ nói, ở đây tìm được công việc đã khó nên người dân chưa nghĩ đến vấn đề này. Trên thực tế, ông Danh là một trong những người may mắn vì suốt 30 năm hành nghề chưa bị tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng bao giờ.

Không riêng gì khu vực lao động tự do, thậm chí nhiều lao động người DTTS khi vào làm ở các xưởng sản xuất tại địa phương cũng không được bảo đảm an toàn. Chị Nông Thị Hoàn ở Lục Yên (Yên Bái) cho biết, chị đang làm công nhân cho một xưởng sản xuất đá cảnh trên địa bàn. Mặc dù xưởng thường xuyên có 15 - 20 công nhân nhưng chỉ làm theo mùa vụ. Do đó, bản thân người lao động cũng không quan tâm nhiều đến HĐLĐ, BHXH. Còn BHLĐ thì mọi người tự chuẩn bị là chính.

Bảo đảm ATLĐ khu vực phi chính thức

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ LĐTB&XH) cho biết, hiện nay báo cáo về ATLĐ của khu vực có HĐLĐ khá đầy đủ. Tuy nhiên, ở khu vực phi chính thức, việc khai báo còn quá ít, chủ yếu chỉ diễn ra khi có TNLĐ nghiêm trọng làm chết người. Do đó, việc thống kê TNLĐ với người lao động tự do rất khó.

Còn về chính sách BHXH hiện nay, cũng mới bao phủ được hơn 20% lực lượng lao động, còn gần 80% lực lượng lao động đang nằm ngoài hệ thống này. Trong đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mới đạt khoảng 5% lực lượng lao động. Mặc dù, một bộ phận lao động tự do, không có hợp đồng đã chủ động tham gia BHXH, nhưng họ chỉ được chi trả 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, đa số những người mua BHXH tự nguyện đang trong độ tuổi lao động, nguy cơ bị TNLĐ là thường xuyên.

Chia sẻ về giải pháp bảo đảm an toàn lao động cho lao động phi chính thức (trong đó có nhiều lao động người DTTS), ông Hà Tất Thắng cho biết, hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã có đề nghị Quốc hội phê duyệt tăng nhân lực làm công tác bảo đảm ATVSLĐ ở nông thôn, miền núi. Theo đó, tăng thêm cho mỗi huyện một cán bộ làm công tác thống kê an toàn lao động, điều tra với các vụ TNLĐ có chết người...

Thời gian tới, Bộ LĐTB&XH cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, có chế tài để xử lý, bảo đảm trách nhiệm người sử dụng lao động đối với người lao động. Đặc biệt khu vực không có quan hệ lao động còn đang ít được quan tâm. 

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, hiện Việt Nam có gần 54 triệu lao động, trong đó có 8,03 triệu lao động người DTTS. Hiện nay vẫn còn 40,5 triệu người hoạt động trong khu vực phi chính thức, không có HĐLĐ. Tính từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã xảy ra 3.349 vụ TNLĐ làm 3.450 người bị nạn. Trong đó, thống kê không đầy đủ ở khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng xảy ra 104 vụ TNLĐ làm 104 người chết; số người bị thương nặng là 806 người.