Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chính sách hỗ trợ lao động người DTTS đi lao động nước ngoài: Khó đạt được mục tiêu

PV - 16:13, 04/09/2019

Xuất khẩu lao động được đánh giá là đòn bẩy để giảm nghèo cho các địa phương có đông đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo cao, sinh kế thiếu bền vững. Nhưng trên thực tế, dù đã có chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng số lượng lao động là người DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn rất khiêm tốn.

“Khoảng trống” trong xuất khẩu lao động

Huyện Krông Năng (Đăk Lăk) có dân số khoảng 131.624 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 31,87%. Giai đoạn 2016-2020, Krông Năng có 4/12 xã khu vực III, 13/91 thôn, buôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS hiện vẫn chiếm 59,94% trong tổng số hộ nghèo toàn huyện (1.769 hộ).

Ông Châu Văn Lượm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS trên địa bàn còn cao là do thiếu đất sản xuất, dẫn đến không có sinh kế ổn định. Mặc dù chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng cũng chỉ giải quyết được cho vài trăm hộ có nhu cầu cấp thiết.

Khơi thông vốn vay ưu đãi là giải pháp quan trọng để hỗ trợ lao động DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Khơi thông vốn vay ưu đãi là giải pháp quan trọng để hỗ trợ lao động DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo ông Lượm, không thực hiện được hỗ trợ đất sản xuất, địa phương chuyển qua phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề hoặc xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ chuyển đổi nghề và xuất khẩu lao động cũng rất hạn chế.

“Giai đoạn 2014-2016, trên địa bàn chỉ có 102 hộ được vay vốn tín dụng để chuyển đổi nghề nuôi bò sinh sản, với kinh phí 1,53 tỷ đồng; riêng xuất khẩu lao động cũng chỉ hỗ trợ được 5 người. Còn từ năm 2016 đến nay, thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg, vì chưa có vốn nên chưa triển khai được”, ông Lượm cho hay.

Khả quan hơn huyện Krông Năng, giai đoạn 2014-2018, huyện Cư M’ga (Đăk Lăk) có 204 lao động DTTS được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhưng đây cũng là con số rất ít ỏi bởi theo thống kê, toàn huyện Cư M’ga có 125.100 người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) thì mới có 104.751 lao động có việc làm, vị chi vẫn còn 20.349 lao động đang thất nghiệp.

Cũng như huyện Krông Năng, huyện Cư M’ga của tỉnh Đăk Lăk, ở nhiều địa phương khác trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, số lượng lao động DTTS được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng rất hạn chế. Số liệu được đưa ra tại các Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III-năm 2019 của nhiều huyện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyễn tổ chức trong tháng 6 vừa qua đã cho thấy những “khoảng trống” đáng lo ngại trong việc hỗ trợ lao động DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chưa đạt được mục tiêu

Chính sách hỗ trợ lao động DTTS đi xuất khẩu lao động được triển khai từ nhiều năm nay, trên phạm vi cả nước. Sau khi Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”.

Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu rất lớn về số lượng lao động ở các huyện nghèo được hỗ trợ để xuất khẩu lao động. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 sẽ phấn đấu đưa được 50 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (khoảng 90% lao động thuộc hộ nghèo, hộ DTTS); giai đoạn 2016-2020 tăng thêm 15% tổng số người đi làm việc ở nước ngoài so với giai đoạn 2011-2015, trong đó khoảng 95% lao động thuộc hộ nghèo, hộ DTTS.

Nhưng mục tiêu này đến nay hoàn toàn không đạt. Trong báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) trình bày tại phiên giải trình do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 30/8/2019 cho thấy, đến hết năm 2015, mới có khoảng 9.500 lao động ở các huyện nghèo được hỗ trợ xuất khẩu lao động, chưa được 1/5 so với mục tiêu đề ra.

Thực trạng về lao động là người DTTS đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng đã đặt ra một câu hỏi cho các bộ ngành, địa phương liên quan: Liệu mục tiêu của chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo có thể đạt hay không? Và để đạt thì sẽ phải có những giải pháp nào? Đây rõ ràng là vấn đề cần được quan tâm giải quyết bởi xuất khẩu lao động vẫn được các định là giải pháp quan trọng để giảm nghèo nhanh, bền vững đối với các huyện nghèo.

SỸ HÀO