Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh

PV - 12:05, 29/03/2022

Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 29/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Quang cảnh hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Cho ý kiến về Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, nhiều ý kiến nhấn mạnh, các chính sách cần thể hiện rõ đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về văn hóa phát triển ngành điện ảnh, trên cơ sở đó xác định điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, dự thảo Luật trình lần này vẫn còn chung chung, chưa thể hiện rõ sự gắn kết mối tương quan giữa điện ảnh và phát triển kinh tế, do đó khó đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cho biết, dự thảo Luật hiện nay chủ yếu tập trung vào các quy định quản lý hành chính; chủ yếu đưa các quy định về quyền, nghĩa vụ và các điều kiện phải thực hiện.

Do đó, các ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo cần quan tâm để các chính sách được áp dụng trong thực tiễn, nhất là cần làm rõ ngành công nghiệp điện ảnh liên kết với ngành công nghiệp khác trong phát triển kinh tế xã hội; nghiên cứu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các quy định theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động điện ảnh.

Giải trình về nội dung cấp Giấy phép phân loại phim, thẩm định và phân loại phim, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc tập trung công tác thẩm định, phân loại phim tại cơ quan quản lý nhà nước giúp bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, chính trị, quốc phòng, an ninh. Để cấp Giấy phép phân loại, Quyết định phát sóng, các cơ quan chức năng sẽ phải thành lập nhiều Hội đồng khác nhau, mời thành phần tham gia phù hợp nội dung và thể loại phim. Các cơ sở điện ảnh có thể lựa chọn đơn vị tư vấn của cơ quan Nhà nước hoặc đề nghị các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà chuyên môn… tư vấn, trước khi gửi cơ quan Nhà nước cấp Giấy phép phân loại phim.

Bên cạnh đó, phim là sản phẩm đặc thù, số lượng không nhiều, chưa cần thiết phải thành lập các trung tâm thẩm định, phân loại phim. Do vậy, Thường trực Ủy ban xin được giữ quy định như dự thảo Luật.

Theo đại biểu Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) và một số ý kiến cho rằng, điện ảnh là một ngành văn hóa nghệ thuật mang tính đại chúng lớn, là môn nghệ thuật tổng hợp, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật. Các tác phẩm điện ảnh có khả năng phổ cập, có tác động sâu rộng tới tinh thần và đời sống văn hóa của công chúng nhanh, mạnh hơn so với các loại hình nghệ thuật khác. Do vậy, việc tập trung công tác thẩm định, phân loại phim bảo đảm yêu cầu chuyên môn, chính trị, quốc phòng, an ninh là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, nếu giao về các địa phương cấp giấy phép, phân loại phim thực tế sẽ gặp khó khăn do thiếu nguồn lực. Bởi một số phòng chức năng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải đảm nhận thẩm định rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Do vậy, việc giao cho địa phương thành lập hội đồng chuyên môn thẩm định để cấp giấy phép phim sẽ làm tăng thêm áp lực cho địa phương, chưa kể đến địa phương vùng sâu vùng xa, nguồn nhân lực về lĩnh vực điện ảnh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, theo phân cấp quản lý, thì việc ra quyết định cấp phép của một tỉnh chỉ có giá trị trong tỉnh đó và không áp dụng cho các tỉnh khác. Như vậy, doanh nghiệp muốn phổ cập phim đến tỉnh nào thì phải cân nhắc ở tỉnh đó thay vì chỉ xin cấp phép một nơi thì có thể trình chiếu ở tất cả các tỉnh thành. Điều này chính là thêm vô vàn “giấy phép con”, gây khó cho doanh nghiệp.

Do đó các ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo nên lưu ý kỹ phương án giao cho cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép phân loại phim đối với phim Việt Nam. Khi nền điện ảnh Việt Nam phát triển, số lượng phim nhiều hơn thì cho phép các tổ chức nghề nghiệp về điện ảnh và các doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký thành lập trung tâm thẩm định các tác phẩm điện ảnh. Do đó, cần thiết kế thêm nội dung này vào dự thảo Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của trung tâm, thành phần của hội đồng thẩm định để thẩm định các loại phim. Như vậy, vừa khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư điện ảnh, vừa tránh tình trạng quá tải cho người thẩm định để cấp phép cho phim trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, thuyết phục và hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV./.