Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khôi phục lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS: Cần tôn trọng những giá trị vốn có

PV - 13:31, 19/01/2018

Bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội, lễ nghi truyền thống các DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Nhiều chính sách đã được triển khai, một số lễ hội, lễ nghi có nguy cơ bị mai một đã được phục dựng. Tuy nhiên, một khi công tác khôi phục còn mang tính hình thức, dựa trên những “kịch bản” được viết sẵn thì nguy cơ làm biến dạng các lễ hội, lễ nghi truyền thống là không tránh khỏi.

Nhiều biến thể tiêu cực

Với đồng bào dân tộc Lào ở xã Núa Ngam (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), Lễ hội “Bun huột nặm” (Tết té nước), được tổ chức vào các ngày 14-15-16/4 (Dương lịch), là Tết chính trong năm; đã được công nhận là Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 9/2017. Cốt lõi của “Bun huột nặm” là cầu cho mưa thuận gió hòa, với hoạt động chính là “té nước”.

Trong Lễ hội, người dân té nước cho nhau và cả cho khách qua đường với mong muốn năm tới sẽ có nhiều điều tốt lành. Theo truyền thống, nghi thức té nước cầu may được thực hiện bên bờ suối, bằng cách người ta “vẩy nước” vào người khác. Tuy nhiên, khi tham dự “Bun huột nặm” năm 2017 ở xã Núa Ngam, chúng tôi thấy nghi thức này bị biến thể; một số người dân thay vì “vẩy nước” thì đã dùng xô, chậu, thậm chí dùng cả máy bơm để phun nước vào bất kỳ ai qua đường.

Với “Bun huột nặm”, vốn dĩ được đồng bào dân tộc Lào gìn giữ bao đời nay, đã có sự biến thể như vậy thì với những lễ hội, lễ nghi truyền thống của các dân tộc khác đã và đang được phục dựng sẽ như thế nào? Câu trả lời không khó khi trực tiếp tham dự những buổi trình diễn các lễ hội, lễ nghi đang có nguy cơ mai một, cần phải bảo tồn của đồng bào DTTS. Mỗi một lễ hội, lễ nghi được phục dựng đều có những nét độc đáo riêng, nhưng điểm chung là còn khá nặng về hình thức, trong khi các giá trị văn hóa truyền thống lại chưa thực sự được chú trọng.

Ðơn cử như Tết Nào Pê Chầu, một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Khi tham dự Tết Nào Pê Chầu ở xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng, Điện Biên) năm 2017 được Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mường Ảng tổ chức, chúng tôi thấy, hầu như các hoạt động chính đều tổ chức trên sân khấu với phông bạt xanh đỏ và hàng loạt các băng rôn, khẩu hiệu, là những thứ không thuộc không gian văn hóa truyền thống của đồng bào Mông. Một số bài hát, điệu nhảy vốn không phải của dân tộc Mông cũng được thể hiện, thậm chí còn do những đội văn nghệ chuyên nghiệp biểu diễn.

Tết Nào Pê Chầu năm 2017 của đồng bào dân tộc Mông xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng, Điện Biên nhuốm màu “sân khấu”. Tết Nào Pê Chầu năm 2017 của đồng bào dân tộc Mông xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng, Điện Biên nhuốm màu “sân khấu”.

 

Khôi phục phải gắn với gìn giữ

Lễ nghi, lễ hội là một phần của văn hóa truyền thống các DTTS, là những giá trị vật chất, tinh thần được tích tụ, gìn giữ bao đời. Nhưng theo thời gian, do nhiều nguyên nhân, có không ít lễ hội, lễ nghi đang bị mai một, biến mất. Bởi vậy, việc giữ gìn, phát huy các lễ hội, lễ nghi của đồng bào DTTS là nhiệm vụ cấp thiết, nhất là với những cộng đồng dân tộc ít người như: Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Mảng, Lự, Si La, Ơ-đu,…

Những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ khôi phục, bảo tồn, phát huy các lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào DTTS đã được triển khai. Nhờ đó, nhiều lễ hội, lễ nghi đã được phục dựng, như: Lễ hội Lồng tông, nghi lễ Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn,… Đặc biệt, các lễ hội, lễ nghi của 16 DTTS có số dân dưới 10 nghìn người cũng được ưu tiên bảo tồn, gìn giữ theo Quyết định 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025, bên cạnh chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, Ủy ban Dân tộc cũng đã đề xuất chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS. Theo đó, các lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc sẽ được hỗ trợ 150 triệu đồng/lễ hội để phục dựng, bảo tồn; mỗi dân tộc sẽ được hỗ trợ tối đa 2 lễ hội.

Dẫn ra như vậy để thấy, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội, lễ nghi truyền thống của đồng bào DTTS được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Những kết quả đạt được trong công tác gìn giữ, bảo tồn là không thể phủ nhận, nhưng vẫn còn đó những trăn trở khi không ít lễ hội, lễ nghi truyền thống của các DTTS đang bị biến thể theo chiều hướng tiêu cực như đã nêu ở trên.

Nguyên nhân của tình trạng này cũng đã được mổ xẻ tại nhiều hội thảo. Nhưng có một nguyên nhân chưa thực sự được chú trọng, đó là việc can thiệp quá cứng nhắc trong quá trình khôi phục các lễ nghi, lễ hội.

Vốn dĩ, lễ hội, lễ nghi truyền thống được tích tụ, gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển của cộng đồng các dân tộc. Mỗi một lễ hội, lễ nghi đều gắn với một không gian văn hóa nhất định. Chính bởi vậy, để nguồn lực cũng như nỗ lực của Nhà nước không lãng phí, bản sắc văn hóa các DTTS trong các lễ hội, lễ nghi truyền thống không bị biến dạng khi được khôi phục thì cần có một chương trình bảo tồn, phát huy xứng tầm chứ không phải là những “kịch bản” được viết sẵn, ai diễn cũng được.

SỸ HÀO