Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Học vấn - Con đường phát triển bền vững của người Dao: Nền văn hóa tôn vinh người trí thức (Bài 3)

Vàng Ni - Vân Long - 18:05, 13/05/2025

Khi con chữ Nôm đã ghi lại trọn vẹn tri thức, việc học không còn là chuyện riêng của mỗi cá nhân. Với người Dao, học không chỉ để biết chữ mà có tri thức để gánh vác. Hiện nay, những người học cao hiểu rộng như thầy thuốc, thầy cúng được công nhận… dần trở thành điểm tựa vững chãi cho cộng đồng. Họ được nhắc tên với sự kính trọng, được gửi trọn niềm tin như những thư viện, bệnh xá sống bảo vệ người dân. Cứ thế, chẳng biết từ bao giờ, người Dao đã âm thầm bồi đắp nên một nền văn hóa tôn vinh người trí thức với muôn hình vạn trạng, bằng những món quà và cả sự thầm lặng tinh tế, bền bỉ như ước ao ngọn đèn chủ mãi rực sáng Lễ Cấp sắc.

Cuộc kiểm tra gắt gao của cộng đồng

Với người Dao, không phải cứ biết chữ là đã thành hiền tài. Người học chữ trước hết phải vượt qua những đánh giá âm thầm về lối sống, từ lời ăn tiếng nói, dáng đi, cách hành xử đến từng cử chỉ trong lễ hội, cúng bái, bốc thuốc… Mỗi hành động đều là một “bài kiểm tra” không lời về việc họ đã thấm nhuần lễ nghĩa trong kinh thư hay chưa.

Thầy cúng Bàn Văn Tình (ngoài cùng bên phải) hân hoan sau khi thực hiện thành công lễ cúng đầu tiên trong đời
Thầy cúng Bàn Văn Tình (ngoài cùng bên phải) hân hoan sau khi thực hiện thành công lễ cúng đầu tiên trong đời

Nhưng thử thách thực sự chỉ đến khi họ đem tri thức ra thực hành. Mọi việc phải thật đúng, thật linh nghiệm, mới có thể trấn an ánh mắt nghiêm khắc của bản làng. Nhớ lại những lần đầu bước lên làm lễ cúng trong đời, anh Bàn Văn Tình (nhóm Dao tuyển, thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) vẫn không giấu được xúc động: “Khi mà mình trực tiếp vào buổi lễ, mình cảm thấy áp lực vì mình chưa làm nhiều. Đôi lúc khi mình đi làm, một số người nhìn thấy lại hỏi A! Bạn này mới học làm thôi! Sao lại cho làm to thế? Sao không mời thầy cao công hơn?"

Theo Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tác giả cuốn Lễ Cấp Sắc của người Dao ở Việt Nam, trong mỗi lễ cúng hay nghi thức chữa bệnh, cộng đồng Dao luôn kiểm tra đầy đủ hai phần, kiến thức và thực hành. (Ảnh: HaiLeCao)
Theo Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tác giả cuốn Lễ Cấp Sắc của người Dao ở Việt Nam, trong mỗi lễ cúng hay nghi thức chữa bệnh, cộng đồng Dao luôn kiểm tra đầy đủ hai phần, kiến thức và thực hành. (Ảnh: HaiLeCao)

Đơn cử với thầy cúng, kiến thức thể hiện qua khả năng điều hành lễ cúng, thuộc và tụng trôi chảy những bài kinh dài hàng trăm trang, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Khi làm lễ Cấp Sắc hay các lễ khác, đôi khi thầy chủ lễ quên lời cúng, các thầy phụ bên ngoài và pháp sư, thầy của thầy chủ lễ, phải nhắc vào. Nhưng nhắc cũng có chừng mực. Nhắc nhiều quá thì coi như lễ mất thiêng liêng. Thầy chủ lễ cũng bị đánh giá thiếu tích cực”

Không chỉ là buổi lễ quan trọng nhất của một đời người, lễ Cấp Sắc cũng là dịp để cộng đồng Dao kiểm tra năng lực của các thầy cúng chủ trì buổi lễ (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Hai Le Cao)
Không chỉ là buổi lễ quan trọng nhất của một đời người, lễ Cấp Sắc cũng là dịp để cộng đồng Dao kiểm tra năng lực của các thầy cúng chủ trì buổi lễ (Ảnh: Nhiếp ảnh gia HaiLeCao)

Về thực hành, thước đo được quy bằng thuật ngữ “năng lực shaman giáo” – khả năng nhập đồng, triệu hồi “Kadong” bên phương ngữ Mùn, nhảy lửa, trèo lên những bậc thang dao sắc lẹm trong lễ phong sắc của nhánh Dao Quần chẹt ở Phú Thọ… để đẩy lễ lên đến tột bậc của sự linh thiêng. Mà đạt đến trình độ đó, người hành đạo lại phải đảm bảo việc giữ giới cực kỳ nghiêm ngặt và sống theo lối đạo đức hết sức khắt khe.

Cứ thế, vòng tròn giữa học – tu – hành của người trí thức dân tộc Dao được thiết lập, trở thành nguyên tắc sống theo họ suốt đời.

Học để trả ơn cuộc đời

Đứng trước những phép thử, một câu hỏi đặt ra: Nếu khó khăn đến vậy, tại sao người Dao vẫn luôn nỗ lực học tập để trở thành trí thức của cộng đồng? Họ học để làm gì? Câu trả lời rất đơn giản từ ngay ở 10 lời răn trong lễ Cấp Sắc của mỗi người: “học để giúp đời!”

Với người Dao, học làm thầy cúng, thầy thuốc không chỉ là để trở thành người trí thức, mà còn là trách nhiệm để phụng sự gia đình, họ mạc, cộng đồng đã bao bọc, chở che họ nên người
Với người Dao, học làm thầy cúng, thầy thuốc không chỉ là để trở thành người trí thức, mà còn là trách nhiệm để phụng sự gia đình, họ mạc, cộng đồng đã bao bọc, chở che họ nên người

Còn theo Tiến sĩ Triệu Thị Nhất, tác giả luận án “Thầy cúng trong cộng đồng người Dao đỏ ở Tuyên Quang”, gốc rễ của tinh thần ấy có thể truy ngược từ hành trình di cư đến Việt Nam. Trước môi trường sống, cộng đồng các dân tộc xung quanh và quốc gia hoàn toàn mới, người Dao buộc phải đùm bọc lẫn nhau, trước là để bảo vệ những người thân yêu đã cùng mình vượt biển, ngược dòng sông Hồng tìm vùng đất mới, sau là để bảo tồn và phát huy kho tàng tri thức, văn hóa mà bao đời cha ông đã gây dựng. Mà muốn làm được điều đó, cốt lõi tối quan trọng là học để trở thành người trí thức, người gìn giữ và nâng đỡ bản tộc.

Đó cũng chính là lý do lý giải cho một ứng xử rất đặc trưng, không chỉ của trí thức Dao, mà còn của tầng lớp tinh hoa trong các dân tộc thiểu số: Khi có người đến cầu cứu, thầy cúng hay thầy thuốc hiếm khi từ chối, dù là giữa đêm khuya hay lúc mưa gió bão bùng. Bởi với họ, người xin giúp đỡ không chỉ là người thân hay người cùng bản, mà còn là đồng bào, là máu thịt của quê hương, đất nước.

Xa xưa, chữa bệnh tuy không được coi là một nghề làm giàu, nhưng với hệ thống y đức khắt khe, đây là công việc vô cùng cao quý được người Dao hết sức nâng niu (Ảnh: Lý Mùi Phỉn)
Xa xưa, chữa bệnh tuy không được coi là một nghề làm giàu, nhưng với hệ thống y đức khắt khe, đây là công việc vô cùng cao quý được người Dao hết sức nâng niu (Ảnh: Lý Mùi Phỉn)

Sự trân trọng khó diễn tả bằng lời

Để rồi, sau khi vượt qua những phép thử khắt khe, những trí thức bản Dao không chỉ được cộng đồng nâng niu với danh xưng “thầy”, mà còn nhận về những ưu ái hữu hình thông qua những món quà, nghi thức, lời nói… hay những ân tình vô hình tới mức chỉ những người thực sự gắn bó với đồng bào mới cảm nhận hết. 

Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, tuổi trẻ bên vùng lòng hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang), chất liệu nuôi dưỡng chính luận án của mình, Tiến sĩ Triệu Thị Nhất bồi hồi kể lại: “Dù lớn lên trong những ngày thiếu thốn nhất của đất nước giai đoạn những năm 80 – 90, nhà tôi chưa bao giờ thiếu thịt do các học trò và con nuôi của ông tôi (vốn là một thầy cúng) vẫn mang đến biếu mỗi dịp lễ tết, cúng bái.”

Tiến sĩ Triệu Thị Nhất (ôm bó hoa ở giữa) trong ngày bảo vệ thành công luận án “Thầy cúng trong cộng đồng người Dao Đỏ ở Tuyên Quang” tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Tiến sĩ Triệu Thị Nhất (mặc trang phục truyền thống người Dao) trong ngày bảo vệ thành công luận án “Thầy cúng trong cộng đồng người Dao Đỏ ở Tuyên Quang” tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

“Ngoài ra, sự tôn trọng của cộng đồng dành cho các thầy còn thể hiện theo những cách đầy tinh tế thông qua việc phân chia các mâm riêng trong các bữa cỗ, số người đến nhận làm học trò, làm cha nuôi... Hay chỉ đơn giản là việc người đến chơi nhà đàm đạo có thường xuyên hay không”, Tiến sĩ Nhất cho biết thêm.

Còn với người làm thầy thuốc, sự ghi nhận của cộng đồng không dừng lại ở sự mang ơn của bệnh nhân. Nếu được đánh giá cao cả về y thuật lẫn y đức, tiếng tăm của họ sẽ vượt ra ngoài bản làng, lan rộng qua rừng núi, dốc đèo, thung khe, tới tai những tộc người, vùng miền khác. Khi ấy, thầy thuốc Dao sẽ không chỉ có thêm những bệnh nhân mới, mà còn trở thành sứ giả truyền bá vốn tri thức y dược nói riêng lẫn nền văn hóa học tập truyền thống đồ sộ của dân tộc ra muôn nơi.

Bài 4: Y học - khi trí thức Dao nhập thế, giúp đời

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam tạo "bứt phá" về giảm nghèo: Tăng cường đầu tư công trình dân sinh, sinh kế ở vùng cao (Bài 1)

Quảng Nam tạo "bứt phá" về giảm nghèo: Tăng cường đầu tư công trình dân sinh, sinh kế ở vùng cao (Bài 1)

Trong những năm qua, Quảng Nam đã tăng cường phát huy các nguồn lực, nhất là các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ sinh kế cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần giúp cho đời sống người dân vùng cao ngày càng khởi sắc. Đến nay, bộ mặt kinh tế - xã hội ở nhiều huyện, xã vùng cao đã có nhiều chuyển biến tích cực.