Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông thôn mới

Bình Gia (Lạng Sơn): Huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Minh Anh-Nguyễn Thắng - 18:33, 12/05/2025

Trong những năm qua, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình giao thông, trường học, nước sinh hoạt từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn xã hội hóa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Bình Gia được đầu tư xây dựng giúp người dân đi lại thuận tiện
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Bình Gia được đầu tư xây dựng giúp người dân đi lại thuận tiện

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Lỗ, thành lập tháng 8 năm 2013, với 8 lớp học và 179 học sinh. Bao năm qua, nhà trường phải học nhờ trên đất của Trường Tiểu học Yên Lỗ. Với hai khu nhà cấp 4, được xây dựng từ năm 2013, đã xuống cấp nghiêm trọng. Thiếu phòng học, phòng làm việc, phòng bộ môn, cùng với không gian thể thao và vui chơi cho học sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng hoạt động dạy và học của nhà trường.

Trước hiện trạng đó, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động Nhân dân hiến đất để làm mặt bằng trường học, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn lực xã hội hóa, Trường đã được hỗ trợ xây dựng 8 phòng học. Công trình này có tổng diện tích trên 520m² và tổng giá trị đầu tư lên tới 3,4 tỷ đồng. Hiện tại, các hạng mục của công trình đang được hoàn thiện, dự kiến sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng trong tháng 5 năm 2025.

Ông Hoàng Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Lỗ cho biết: Sau khi công trình được hoàn thiện đưa vào sử dụng các em học sinh sẽ được học tại các lớp học mới khang trang, sạch đẹp, đầy đủ ánh sáng và an toàn. 

Công trình cầu tràn bắc qua suối Tà Chu ở xã Hòa Bình (Bình Gia) được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.
Công trình cầu tràn bắc qua suối Tà Chu ở xã Hòa Bình (Bình Gia) được xây dựng từ nguồn huy động xã hội hóa

Trong giai đoạn 2021-2025, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước, Bình Gia cũng đã huy động xã hội hóa được trên 23 tỷ đồng, cùng hàng chục nghìn mét vuông đất được Nhân dân hiến tặng và hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.

Điển hình là tuyến đường từ bản Tà Chu đến bản Bản Duộc tại xã Hòa Bình, với tổng vốn đầu tư trên 17 tỷ đồng, đã hoàn thành giai đoạn 1 và dự kiến giai đoạn 2, sẽ hoàn thiện vào tháng 6 năm 2025. Hay công trình cầu tràn bắc qua suối Tà Chu, nối thôn Tà Chu và thôn Bản Duộc, có tổng mức đầu tư trên 1,9 tỷ đồng. 

Công trình này được xây dựng chủ yếu từ nguồn xã hội hóa đã khánh thành vào tháng 12 năm 2024, phục vụ nhu cầu đi lại của 151 hộ dân, với 642 nhân khẩu, đặc biệt đảm bảo an toàn cho hơn 90 em học sinh trong mùa mưa lũ.

Bà Hoàng Thị Xuân, thôn Tà Chu, xã Hòa Bình, huyện Bình Gia cho biết: Trước đây, chưa có cầu, đường mới bà con chúng tôi đi lại rất khó khăn phải lội suối, đi bè. Được Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm quan tâm xây cho cây cầu, mở rộng con đường, từ đó cuộc sống bà con Nhân dân chúng tôi có nhiều thay đổi: Có xe cộ vào đến thôn bản, trao đổi hàng hóa, người dân, trẻ em đi lại thuận tiện ai cũng phấn khởi.

Diện mạo nông thôn Bình Gia ngày càng khởi sắc
Diện mạo nông thôn Bình Gia ngày càng khởi sắc

Nhờ thực hiện có hiệu quả từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Bình Gia đã đạt tỷ lệ 100% cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã, cứng hóa 60% trục đường xã. Hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng giáo dục từng bước được đầu tư đồng bộ. Hiện tại, toàn huyện có 26/58 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 10 trường so với năm 2020. Hệ thống cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện cũng được cải tạo, nâng cấp để đảm bảo đạt chuẩn. 

Đặc biệt, trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã có nhiều giải pháp linh hoạt và sáng tạo, tận dụng mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước và sự chung tay đóng góp của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng. Đến hết năm 2024, huyện đã có 10 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Từ sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư của tỉnh và các nguồn lực xã hội hóa, huyện đã ưu tiên từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.