Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Yên Bái: Bảo tồn, truyền dạy chữ Nôm Dao hiệu quả hơn nhờ có bộ tài liệu chuẩn

Nguyệt Anh - 18:38, 11/10/2024

Xuất phát từ nhu cầu học chữ Nôm Dao trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Hội Khuyến học tỉnh đã nghiên cứu biên soạn thành công bộ tài liệu dạy và học chữ Nôm Dao. Bộ tài liệu được ứng dụng rộng rãi trong công tác dạy và học chữ Nôm Dao tại các địa phương, được cộng đồng người Dao hưởng ứng và đánh giá cao. Từ năm 2023 - 2024, Hội Khuyến học tỉnh đã mở 5 lớp dạy chữ Nôm Dao, áp dụng bộ tài liệu này.

Một lớp học chữ Nôm Dao tại xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, Yên Bái
Một lớp học chữ Nôm Dao tại xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, Yên Bái

Nhiều năm nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hình thành các lớp dạy và học chữ Nôm Dao với quy mô nhỏ, tự phát. Nội dung sách dạy do các thầy cúng, thầy tào lấy từ trong các cuốn sách cổ của người Dao; chưa có tài liệu biên soạn, chương trình giảng dạy một cách khoa học cũng như chưa có phương pháp truyền thụ kiến thức nên việc học không được duy trì thường xuyên, hiệu quả học tập chưa cao. Từ thực trạng này, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái đã triển khai Đề tài khoa học "Nghiên cứu biên soạn tài liệu, xây dựng chương trình, dạy và học chữ Nôm Dao phù hợp với bản sắc người Dao tỉnh Yên Bái”.

Sau 2 năm nghiên cứu, sưu tầm, cuối năm 2022, Hội Khuyến học đã biên soạn được 1 bộ gồm 3 quyển, dài 341 trang tài liệu dạy và học chữ Nôm Dao phù hợp với bản sắc người Dao tỉnh Yên Bái, đều có phần phiên âm Nôm Dao, dịch ra tiếng Dao và tiếng Việt khá đầy đủ với tổng số lượng 3.500 từ vựng; 1 quyển chương trình dạy và học chữ Nôm Dao phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; 1 quyển tài liệu hướng dẫn giảng dạy chữ Nôm Dao cho giảng viên.

Một buổi dạy học chữ Nôm Dao do Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái tổ chức.
Một buổi dạy học chữ Nôm Dao do Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái tổ chức

Sau khi nghiệm thu, bộ tài liệu này đã được ứng dụng rộng rãi trong công tác dạy và học chữ Nôm Dao tại các địa phương, được cộng đồng người Dao hưởng ứng và đánh giá cao. Năm 2023 - 2024, Hội Khuyến học tỉnh đã mở 5 lớp dạy chữ Nôm Dao, áp dụng bộ tài liệu này.

Theo nhận xét của các nghệ nhân dạy chữ Nôm Dao, các tài liệu này đều đã được định lượng thời gian học tập cũng như định tính khối lượng kiến thức trong chương trình, phân chia số tiết học trên lớp, số tiết tự học cho từng bài học, đảm bảo phù hợp với điều kiện người học và khả năng giảng dạy của giảng viên. Có giáo trình, có chương trình dạy, có hướng dẫn giảng viên nên các lớp học trở nên chuyên nghiệp và chất lượng nâng cao rõ rệt. Học viên đăng ký tham gia học nhiều hơn, ý thức tham gia đầy đủ, các bài kiểm tra đúng quy trình và chất lượng, đạt nhiều điểm tốt.

Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái tổng kết lớp học chữ Nôm Dao tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên. Ảnh: Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái
Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái tổng kết lớp học chữ Nôm Dao tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên. Ảnh: Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái

Nghệ nhân chữ Nôm Dao Bàn Hữu Quyên, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên cho rằng cách tuyển chọn các bài học trong bộ tài liệu ngắn gọn, có hệ thống, dễ nhớ, đặc biệt là đều được đặt tên bài học đúng với nội dung bài học. Đây là cách xây dựng chương trình học rất khoa học. Việc phiên âm Nôm Dao và dịch thuật cũng khá chi tiết cẩn thận. Các bài học có tính thiết thực, gần gũi, đáp ứng được nhu cầu văn hóa sinh hoạt gia đình và của cộng đồng người Dao.

Việc nghiên cứu biên soạn thành công bộ tài liệu dạy và học chữ Nôm Dao của của Hội Khuyến học tỉnh không chỉ chuyên nghiệp hóa chương trình dạy và học mà còn đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng người Dao Yên Bái, góp phần xây dựng xã hội học tập cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cốt lõi của người Dao.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.