Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Học vấn - Con đường phát triển bền vững của người Dao: Chữ Nôm Dao - làm mới để đồng hành cùng dân tộc (Bài 2)

Vàng Ni - Vân Long - 5 giờ trước

Vượt qua vai trò lưu giữ những điều hay, lẽ đẹp phục vụ cuộc sống, bộ chữ Nôm như một cách ghi lại những tinh túy văn hóa của đồng bào Dao. Bộ chữ ấy không nằm yên trong sách vở, mà trở thành nền móng cho một hệ thống đào tạo truyền thống quy củ, chặt chẽ và giàu bản sắc. Nó vượt khỏi vai trò tư liệu, trở thành hơi thở của tinh thần hiếu học ăn sâu trong tâm khảm mỗi người, dẫn họ bước vào hành trình tri thức của chính mình, dù cho có từng tiếp xúc với con chữ Nôm hay không.

Chữ Nôm Dao được sử dụng tại Lễ Cấp sắc (Ảnh: HaiLeCao)
Chữ Nôm Dao được sử dụng tại Lễ Cấp sắc (Ảnh: HaiLeCao)

Kho báu không thể tính bằng tiền

Với người ngoài, chữ Nôm Dao có thể còn lạ lẫm, nhưng với người Dao, những bộ kinh điển chữ Nôm thiết thân tới mức bà con Dao Quần chẹt Vĩnh Phúc còn ví von bằng câu đố: “Cáy nhay pẹ - ên cháy pi - an chạ” (Con gà mẹ trắng dẫn một đàn con đen). 

Một số trang sách chữ Nôm nhóm Dao Tuyển (thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) (Ảnh: Bàn Văn Tình)
Một số trang sách chữ Nôm nhóm Dao Tuyển (thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Bàn Văn Tình

Cũng như chữ Nôm của người Kinh hay người Tày, chữ Nôm Dao bắt nguồn từ chữ Hán cổ, nhưng đã được “Dao hóa”, điều chỉnh theo ngữ âm và tư duy riêng, tạo nên hệ phát âm gọi là “tiếng Dao văn chương”, chỉ những ai từng học chữ, hành nghề mới hiểu rõ. 

Thầy cúng trẻ Bàn Văn Tình (nhóm Dao tuyển tại thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) chia sẻ: “Kể từ năm 2017, sau khi lập gia đình thì mình vẫn vừa học, vừa làm. Cho đến bây giờ thì mình cũng còn nhiều chữ mà mình chưa tìm hiểu được hết. Bởi trong chữ Nôm Dao có rất nhiều nghĩa. Thậm chí mỗi quyển sẽ có những chữ khác nhau”.

Với đồng bào, nhờ chữ Nôm mà mọi tri thức đều được ghi chép và truyền nối qua nhiều thế hệ. Chữ viết giúp cộng đồng gìn giữ trật tự đạo đức, tránh đi lệch lời răn tổ tiên. Chính hệ thống tư liệu kín kẽ này đã giúp người Dao có thể lý giải mọi vấn đề văn hóa một cách rõ ràng, không rơi vào võ đoán. 

Bộ sách cúng chữ Nôm của ông Phàn Chỉn Phủng (nhóm Dao chàm, thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) (Ảnh: Vân Long)
Bộ sách cúng chữ Nôm của ông Phàn Chỉn Phủng (nhóm Dao chàm, thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Vân Long

Một đời học không hết chữ

Khi xưa, thường chỉ đàn ông được học chữ. Quá trình học thường bắt đầu từ khi các bé trai lên bốn, lên sáu, độ tuổi bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh. Người thầy đầu tiên là cha, ông và nam giới trong dòng họ. Bài học vỡ lòng gồm nét chữ, bộ thủ đơn giản, học nói, hát, và tìm hiểu họ mạc trong gia phả. Khi đã nắm được yếu lĩnh, nếu gia đình, họ hàng không đủ vốn học, các em sẽ được bái sư học tiếp với các thầy uyên bác.

Nghệ nhân ưu tú Tẩn Vần Siệu truyền dạy cho lớp trẻ tại lớp học tại gia
Nghệ nhân ưu tú Tẩn Vần Siệu truyền dạy cho lớp trẻ tại lớp học tại gia

Từ đây, quá trình học trở nên khắt khe hơn hẳn. Mỗi môn sinh sẽ phải học từ 15 - 30 bộ kinh sách, gồm cả các tác phẩm quen thuộc với Nho học như Tam Thiên Tự, Tam Tự Kinh… lẫn sách dạy nói, hát, viết của riêng người Dao.... Quá trình này, không chỉ giúp tăng vốn chữ mà còn đào sâu tri thức về thiên – địa – nhân trong quan niệm truyền thống. Luyện nét chữ, rèn nết người. Học chữ Nôm còn là rèn đạo đức. Người thầy không chỉ giảng nghĩa kinh sách mà còn uốn nắn nếp ăn, lối sống mỗi học trò.

Nhớ lại chặng đường khổ luyện thuở trứng nước, Nghệ nhân ưu tú Tẩn Vần Siệu (Nhóm Dao đỏ, thôn Sín Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) không khỏi bồi hồi khi kể lại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển: “Trước đây khi học chữ từ cha mẹ, tôi phải trải qua một hệ thống quy tắc cực kỳ nghiêm khắc. Đơn cử, sáng gà gáy đã dậy để học và tiếp thu nhanh hơn, dù muốn hay không, vẫn phải học hai tiếng. Tối đi làm về vẫn phải học đến chín giờ.”

Khi có thể viết sớ cúng, ghi tên gia phả, môn sinh được xem là hoàn thành cấp học trên. Từ đây, tùy năng khiếu và chí hướng, mỗi người chọn con đường riêng. Có người học làm thầy cúng, nếu có thêm khả năng hội họa thì học thêm vẽ tranh thờ, ai ham cứu người thì học thuốc. Từ đây, tự học trở thành yếu tố bắt buộc, vừa để bồi đắp năng lực, vừa là cách tôi luyện bản lĩnh khi thực hành giúp đời.

Thầy cúng Bàn Văn Tình vẫn cần mẫn vừa tự học, vừa truyền dạy chữ Nôm Dao cho các em nhỏ tại địa phương (Ảnh nhân vật tự cung cấp)
Thầy cúng Bàn Văn Tình vẫn cần mẫn vừa tự học, vừa truyền dạy chữ Nôm Dao cho các em nhỏ tại địa phương. (Ảnh nhân vật tự cung cấp)

Đặc biệt, dù mỗi nhóm Dao có thể có đôi chút khác biệt về câu từ, tài liệu, nhưng trục chương trình dạy lại gần như thống nhất như trên. Theo các chuyên gia Hán Nôm, sự đồng nhất ấy cho thấy các thầy hiểu rất rõ cốt lõi bản sắc dân tộc và tâm lý cộng đồng, dù nhiều người chưa từng gặp nhau. Đây là nét độc đáo trong mô hình đào tạo Nôm Dao, điều mà ngay cả hệ thống Hán Nôm chính quy hiện nay cũng đang gặp nhiều lúng túng.

Mở hướng từ ứng dụng tri thức 

Dẫu là một di sản văn hóa vô giá, chữ và kinh sách Nôm Dao vẫn đang đối mặt với không ít thách thức trong hành trình bảo tồn.

Do các thử thách trong lịch sử mà nhiều cộng đồng từng bị gián đoạn truyền dạy. Các gia đình, vì mưu sinh, đành gửi gắm con hoàn toàn cho các thầy, khiến các thầy vừa dạy chữ, vừa thay cha mẹ rèn nếp ban đầu, tăng áp lực lên gấp bội. 

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, thầy Tẩn Vần Siệu cho hay: “Bộ chữ với quy tắc đặc thù như cầm bút lông, đọc sách dọc, ghi nhớ khẩu quyết… quá khác biệt so với chương trình phổ thông, khiến nhiều môn sinh bị rối, dễ nản chí”.

Lịch học chồng lấn với bên phổ thông. Điều kiện giảng dạy thiếu thốn. Bản thân các thầy cũng chật vật giữa đam mê và đời sống. Đã từng có thời gian dài, các lớp chỉ tồn tại nhờ vào sự đùm bọc của bà con và sự linh hoạt tự thân của địa phương.

Bước ngoặt chỉ mở ra khi chữ Nôm Dao được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/12/2012). Từ đó, nhiều lớp được đầu tư trang thiết bị, chương trình dạy trở nên bài bản hơn. Các địa phương bắt đầu xem chữ Nôm là một phần trong hệ thống chính sách văn hóa. Những người thầy không chỉ được cộng đồng vinh danh, mà còn được nhà trường mời chung tay xây dựng chương trình dạy. Không đơn thuần là truyền lửa, các thầy trở thành cầu nối giữa cội nguồn và tương lai.
Bước ngoặt chỉ mở ra khi chữ Nôm Dao được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/12/2012). Từ đó, nhiều lớp được đầu tư trang thiết bị, chương trình dạy trở nên bài bản hơn. Các địa phương bắt đầu xem chữ Nôm là một phần trong hệ thống chính sách văn hóa. Những người thầy không chỉ được cộng đồng vinh danh, mà còn được nhà trường mời chung tay xây dựng chương trình dạy. Không đơn thuần là truyền lửa, các thầy trở thành cầu nối giữa cội nguồn và tương lai

Ngày nay, chữ Nôm không còn là chuyện của quá khứ. Nhiều bạn trẻ đã tự biết cách lấy nền tảng chữ Nôm để học các ngoại ngữ với dạng chữ tương đồng. Một số khác ứng dụng tri thức từ chữ Nôm vào phát triển du lịch cộng đồng, sáng tác văn nghệ… 

Con chữ từng bị xem là cổ, đang được “làm mới” để đồng hành cùng tương lai. Với người Dao hôm nay, học chữ Nôm không chỉ là giữ gìn bản sắc, mà còn là một cách để mở đường sống bền vững bằng chính truyền thống hiếu học của tổ tiên.

Từ những con chữ cổ, người Dao đã dựng nên một hệ thống học tập nghiêm cẩn, nối dài tinh thần hiếu học của dân tộc. Nhưng học để làm gì? Học xong rồi được ghi nhận ra sao? Những người học cao, biết rộng, thầy cúng, thầy thuốc…, được cộng đồng tôn vinh như thế nào?

Bài 3: Nền văn hóa tôn vinh người trí thức

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam tạo "bứt phá" về giảm nghèo: Tăng cường đầu tư công trình dân sinh, sinh kế ở vùng cao (Bài 1)

Quảng Nam tạo "bứt phá" về giảm nghèo: Tăng cường đầu tư công trình dân sinh, sinh kế ở vùng cao (Bài 1)

Trong những năm qua, Quảng Nam đã tăng cường phát huy các nguồn lực, nhất là các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ sinh kế cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần giúp cho đời sống người dân vùng cao ngày càng khởi sắc. Đến nay, bộ mặt kinh tế - xã hội ở nhiều huyện, xã vùng cao đã có nhiều chuyển biến tích cực.