Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Học vấn - Con đường phát triển bền vững của người Dao: Khi trí thức Dao nhập thế, giúp đời (Bài 4)

Vàng Ni - Vân Long - 18:30, 14/05/2025

Xa xưa, nếu việc học chữ Nôm Dao gần như là trách nhiệm của nam giới, thì tri thức y dược dân tộc lại là không gian học tập chung của người Dao. Ở đó, mọi giới, mọi lứa tuổi đều chung tay góp sức. Để từ đó, một kho tàng tri thức y thuật được liệt vào hàng đồ sộ bậc nhất ra đời, không chỉ là niềm tự hào của đồng bào mà còn là một kho tàng vô giá để ngành Y học Quốc gia tìm tòi và khám phá.

Với người Dao, học thuốc đồng nghĩa với học làm người, thực hành y đức và giữ gìn văn hóa. Trong hệ thống kinh sách Nôm Dao và truyền miệng lâu đời, thầy thuốc luôn được kỳ vọng, phải có tâm sáng trước khi có tay giỏi
Với người Dao, học thuốc đồng nghĩa với học làm người, thực hành y đức và giữ gìn văn hóa. Trong hệ thống kinh sách Nôm Dao và truyền miệng lâu đời, thầy thuốc luôn được kỳ vọng, phải có tâm sáng trước khi có tay giỏi

Một lĩnh vực thu  hút cả cộng đồng cùng chung tay

Không hề cao siêu và thần bí với những nghi thức kỳ lạ, thầy thuốc Triệu Thị Hà (người Dao Quần chẹt, thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội, hiện công tác tại Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam) chia sẻ về việc học thuốc của bản thân: “Thuốc Nam gia truyền của đồng bào chỉ dạy theo cách cha truyền con nối.

Sau khi học có hiểu biết ban đầu là sẽ được cha mẹ đưa lên rẫy, chỉ bảo từng lá thuốc, dạy cách hiểu loại bệnh nào thì sẽ chọn và kết hợp các loại cây nào. Từ đó, tạo nên phương pháp truyền dạy bí quyết thông qua việc học, thu hái, kết hợp vị thuốc và thực hành khám bệnh”.

Thầy thuốc Triệu Thị Lan (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) đang thực hành nghề (Ảnh: Làng Dao - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam)
Thầy thuốc Triệu Thị Lan (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) đang thực hành nghề (Ảnh: Làng Dao - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam)

Nhờ tinh thần cùng nhau gìn giữ tri thức mà người Dao đang sở hữu kho tàng bài thuốc, phương pháp chữa bệnh và hiểu biết thảo dược được nhìn nhận đồ sộ bậc nhất trong số các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam. Không ít người, khi tiếp xúc lần đầu, không khỏi ngạc nhiên trước khả năng nhận biết và ứng dụng y học của đồng bào: từ những loài cây dại, hoa quả quanh nhà, đến các vị thuốc ở trong rừng già, trên đỉnh núi cao mà chỉ người Dao mới biết mặt gọi tên như “sùi lậy lọ”, “kùn kẹt”, “kòn chìn bụt”…

 Đi cùng với đó là những kiểm chứng qua thực hành với hiệu quả chữa trị đáng kinh ngạc: từ gãy xương, bệnh tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, đến cả những rối loạn thần kinh… những chứng bệnh mà y học hiện đại đôi khi vẫn lúng túng trong điều trị.

Một phần rất nhỏ trong kho tàng y dược đồ sộ của người Dao hiện đang được quảng bá tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Một phần rất nhỏ trong kho tàng y dược đồ sộ của người Dao hiện đang được quảng bá tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Khi y đức hòa quyện với văn hóa

“Quy tắc ngày xưa cha ông truyền lại là mình lấy cái tâm để bốc thuốc cho người bệnh. Ngày xưa, người Dao mình còn bốc thuốc không lấy tiền. Sau bệnh nhân khỏi bệnh, tùy gia cảnh mà họ sẽ làm lễ tạ ơn tương xứng, mình không đòi hỏi” – Thầy thuốc Triệu Thị Hà chia sẻ.

Bàn thờ thần cây thuốc của người Dao tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Bàn thờ thần cây thuốc của người Dao tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Như thầy cúng, thầy thuốc Dao hiếm khi từ chối lời cầu khẩn, dù đêm khuya hay ngày bão lũ. Trước bệnh nhân, họ không nghĩ “nên giúp hay không?” mà chỉ băn khoăn “liệu mình có đủ năng lực?”. Sau khi bắt mạch, bốc thuốc, họ còn làm lễ cúng bàn thờ thần cây thuốc để xin cho thuốc phát huy hiệu nghiệm. Nếu không chữa được, họ sẵn sàng giới thiệu bệnh nhân tới thầy giỏi hơn, đồng thời ghi nhớ và học lại ca bệnh để tiếp tục nâng cao tay nghề.

Tiếng lành đồn xa, tài chữa bệnh, cộng với y đức gắn chặt trong văn hóa, giúp người Dao trở thành những thầy thuốc được tin cậy không chỉ trong cộng đồng mình mà với cả các dân tộc anh em. Nghề thuốc cũng giúp người Dao hình thành ý thức, còn rừng, còn núi, còn thuốc chữa bệnh. Từ đó, học cách sống hài hòa với thiên nhiên. Thuốc vừa là chỗ dựa sức khỏe, vừa là “ngọn hải đăng” tiên phong đưa hình ảnh cộng đồng Dao giỏi thuốc, nhân hậu, yêu rừng lan tỏa và gắn kết với xung quanh.

Nghề thuốc cũng trở thành một thành tố quan trọng cho nếp sống yêu rừng, bảo vệ rừng của người Dao (Ảnh: Hà Minh Hưng)
Nghề thuốc cũng trở thành một thành tố quan trọng cho nếp sống yêu rừng, bảo vệ rừng của người Dao (Ảnh: Hà Minh Hưng)

Học để tồn tại - học để chuyển mình

Dù đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa nổi bật nhất của người Dao, nghề thuốc cũng đang phải học cách sinh tồn trước những sức ép của thời đại.
Dù đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa nổi bật nhất của người Dao, nghề thuốc cũng đang phải học cách sinh tồn trước những sức ép của thời đại. (Ảnh: Thầy thuốc Lý Mùi Phỉn)

Trở ngại lớn nhất hiện nay là sự đòi hỏi về chứng minh của y học hiện đại. Thầy thuốc Triệu Thị Hà chia sẻ: “Bà con người Dao ngày xưa nhiều người chữ nghĩa khoa học không biết. Từng có thời gian một số người có kiến thức khoa học biện chứng về Đông y và Tây y hỏi vặn. Do không thể trả lời được nên bà con thường phải chịu thiệt, bị ép phải bán thuốc theo giá nguyên liệu, rất lãng phí.”

Cùng lúc, nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân khắp nơi, tăng phi mã qua từng năm lại tạo thêm gánh nặng cho các thầy thuốc và cả những vùng đất đang cưu mang nguồn dược liệu quý hiếm. Từ Ba Vì (Hà Nội) đến Đồng Văn (Hà GIang); từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Sìn Hồ (Lai Châu), không ít cánh rừng, đỉnh núi mà đồng bào bao đời nâng niu đang đứng trước nguy cơ bị tận thu đến nghèo kiệt.

Trước sức ép từ thời đại, người Dao không bó gối chịu trận. Từ bản làng đến viện nghiên cứu, một nhu cầu học hỏi mới đang trỗi dậy. Từng ngày, mọi người đang dốc sức giải đáp những thắc mắc trong bài thuốc truyền thống bằng ngôn ngữ khoa học. Nhiều thầy thuốc đã học thêm Tây y, kỹ thuật điều chế, thương mại… và nhất là nuôi trồng dược liệu tại nhà để giảm gánh nặng cho rừng. 

Bản sao bằng công nhận làng nghề truyền thống của UBND TP.Hà Nội dành cho làng nghề truyền thống thuốc nam dân tộc Dao Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) hiện đang được trưng bày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: Vân Long)
Bản sao bằng công nhận làng nghề truyền thống của UBND TP.Hà Nội dành cho làng nghề truyền thống thuốc nam dân tộc Dao Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) hiện đang được trưng bày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: Vân Long)

Những nỗ lực này đã gặt hái quả ngọt. Các thầy thuốc như Lăng Thị Châm (Hà Nội), Lý Mùi Phỉn (Cao Bằng), Lý Mí Chải (Lai Châu)… đã dần khẳng định tên tuổi. Các làng nghề kết hợp thuốc Nam, du lịch tại Yên Sơn (Hà Nội), Nặm Đăm (Hà Giang) đã được các cấp chính quyền và giới y khoa công nhận. Từ nấu cao, làm miếng dán đến tán bột, kỹ thuật hiện đại đang giúp nghề thuốc Dao bắt kịp thời đại mà vẫn giữ hồn cốt dân tộc.

Tưởng như sẽ bị lấn át, tri thức y dược của người Dao lại tìm được lối đi mới từ chính tinh thần ham học đã ăn sâu trong từng nếp văn hóa. Không chỉ bảo vệ tri thức cổ, bà con còn đưa y dược dân tộc trở thành một phần năng động trong hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, bước đầu định vị được mình giữa cả Đông - Tây y, trở thành gương mặt tiêu biểu cho sự chuyển hóa và ứng biến không ngừng.

Từ những thầy lang, thầy cúng đọc kinh thư, bốc thuốc cứu người giữa rừng sâu, đến các bác sĩ, nhà khoa học, cán bộ người Dao góp mặt trong bộ máy nhà nước – có thể thấy rằng, tri thức Dao chưa bao giờ chỉ nằm trên sách vở. Nó luôn vận động theo hai chiều: chủ động học hỏi từ bên ngoài để làm giàu cho những giá trị tiếp thu từ bên trong. Trong chu trình bền bỉ ấy, một thế hệ trí thức Dao mới đang lớn dần lên, họ có chung một khát vọng cống hiến. Họ cùng nhau gánh vác di sản cộng đồng, cùng sáng tạo, làm mới, nuôi dưỡng giấc mơ kiến tạo tương lai. Để từ đó, người Dao không chỉ hòa vào nhịp sống đất nước, mà còn sánh bước cùng khu vực và thế giới.


Bài 5: Dòng chảy trí thức Dao mới

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam tạo "bứt phá" về giảm nghèo: Tăng cường đầu tư công trình dân sinh, sinh kế ở vùng cao (Bài 1)

Quảng Nam tạo "bứt phá" về giảm nghèo: Tăng cường đầu tư công trình dân sinh, sinh kế ở vùng cao (Bài 1)

Trong những năm qua, Quảng Nam đã tăng cường phát huy các nguồn lực, nhất là các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ sinh kế cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần giúp cho đời sống người dân vùng cao ngày càng khởi sắc. Đến nay, bộ mặt kinh tế - xã hội ở nhiều huyện, xã vùng cao đã có nhiều chuyển biến tích cực.