Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lớp học chữ Nôm Dao của Nghệ nhân ưu tú Tẩn Vần Siệu

Trọng Bảo - 11:43, 16/03/2022

Dù chỉ còn một bàn tay lành lặn và một mắt sáng, nhưng bao năm qua, ông Tẩn Vần Siệu (thôn Sín Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đồng thời dành tâm huyết cho công tác bảo tồn, phát triển chữ Nôm Dao. Đặc biệt, ông Siệu còn nhường cả ngôi nhà của mình để làm nơi dạy học, ăn ngủ cho học viên ở xa trong những ngày trời mưa rét.

Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút những ông Siệu vẫn miệt mài dạy chữ Nôm Dao cho thế hệ trẻ
Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút những ông Siệu vẫn miệt mài dạy chữ Nôm Dao cho thế hệ trẻ

Không quản những ngày mưa nắng hay rét mướt, cứ đến lịch là ông Tẩn Vần Siệu vẫn lên lớp để dạy chữ Nôm Dao cho các học trò là con em người Dao trong thôn, xã và các tỉnh lân cận tới học. Lớp học và chỗ ăn nghỉ của các học trò ở xa được bố trí ngay trong ngôi nhà trước đây gia đình ông ở.

Nói về "duyên nợ" với chữ Nôm Dao, ông Siệu cho biết, sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học, từ nhỏ, ông đã theo cha học chữ của dân tộc mình. Đến năm 17 tuổi, ông đã thấm nhuần tư tưởng đạo đức, giáo lý trong các cuốn sách cổ và thuộc lòng các bài cúng, bài hát dân ca truyền thống dân tộc Dao. 

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ chữ viết cổ trước nguy cơ mai một, từ năm 1992, ông Siệu bắt đầu truyền dạy chữ Nôm Dao cho con cháu trong gia đình, họ hàng và các học trò trong thôn. Hơn 30 năm dạy chữ, đã có gần một nghìn học trò được ông truyền dạy cho chữ Nôm Dao. 

Theo phong tục truyền thống của người Dao, lớp học của ông Siệu, thường mở từ ngày 30 Tết đến hết ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Tuy nhiên, cũng có năm ông mở lớp từ giữa tháng 11 âm lịch, đến hết rằm tháng Giêng cho nhiều học trò ở các tỉnh xa đến học.

Hàng ngày, ông Siệu vẫn giành thời gian sưu tầm, lưu giữ, sao chép lại những cuốn sách Dao cổ
Hàng ngày, ông Siệu vẫn giành thời gian sưu tầm, lưu giữ, sao chép lại những cuốn sách Dao cổ

“Mùa Xuân tiết trời ấm áp hơn, mọi người tạm nghỉ công việc đồng áng để đón Tết cổ truyền, đây là thời điểm thích hợp để khai bút học chữ, học đạo lý làm người tốt. Tôi truyền dạy chữ cho học trò với tinh thần giúp đỡ thiện tâm, không lấy tiền của các cháu. Học trò khi đến học thì ăn ở cùng gia đình. Do thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, nhất là vào mùa Đông nên tôi nhường cả ngôi nhà này vừa làm lớp học, vừa bố trí chỗ ăn ngủ cho các cháu, còn gia đình thì chuyển vào ngôi nhà bên trong để ở…”, ông Siệu chia sẻ.

Trong quá trình theo dạy chữ, ông Siền còn dạy cho học trò ý nghĩa của các từ cổ, đạo lý làm người, các bài cúng, bài hát dân tộc và cách thức tổ chức các nghi lễ dân tộc như, lễ cấp sắc, lễ cúng ngày tết, ngày rằm…

Em Chảo Láo Tả, ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn chia sẻ: “Học thầu Siệu rất thích, thầy chỉ bảo tận tình cho các học trò. Em và các bạn trong lớp luôn cố gắng đi học đầy đủ, để có thể tiếp thu những kiến thức thầy truyền dạy, sau này sẽ làm được nhiều việc tốt cho mọi người”. 

Cũng từ nghiên cứu, am tường chữ cổ Nôm Dao, ông Siệu còn nắm được những tri thức dân gian về cây thuốc, các vị thuốc Nam của người Dao để vận dụng vào cuộc sống hàng ngày. Từ hiểu biết của mình, ông cũng truyền dạy cho học trò, với mong muốn các em am hiểu về cây thuốc quý để có thể chữa bệnh cứu người.

“Đi học thầy Siệu, ngoài học chữ viết còn được thầy dẫn đi rừng, chỉ từng cây thuốc để mang về làm thuốc tắm và chữa bệnh cho mọi người”, anh Lý Láo Lở ở thôn Sả Séng cho biết.

Lớp học mùa Xuân của ông Tẩn Vần Siệu đã và đang góp phần bảo tồn nét văn hóa độc đáo của người Dao
Lớp học mùa Xuân của ông Tẩn Vần Siệu đã và đang góp phần bảo tồn nét văn hóa độc đáo của người Dao

Song song với việc truyền dạy chữ viết cổ Nôm Dao, ông Siệu còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ nhiều cuốn sách cổ của người Dao. Hiện, ông có hàng chục cuốn sách cổ, có những cuốn sách đã được lưu truyền hàng trăm năm, như cuốn “thông sâu” (thông thư) để xem ngày tốt, ngày xấu, ngày làm nhà, kết hôn; cuốn “Khoi tàn sâu” (Khai đàn cấp sắc) dày 300 trang viết về các nghi lễ cấp sắc cổ truyền; cuốn “Suất cành dung” (hát đối đáp giao duyên), tập hợp 13 dạng hát đối đáp giao duyên của đồng bào Dao đỏ…

“Hàng ngày, tôi vẫn dành thời gian để sao chép, bổ sung, biên soạn ra sách mới, dịch ra tiếng phổ thông. Mỗi khi kết thúc khóa học, thì tặng cho mỗi học trò một cuốn sách chép lại để khi về nhà, các cháu sẽ mang ra đọc, vừa có thêm kiến thức, vừa là để ôn luyện lại nét chữ Nôm Dao”, ông Siệu tâm sự.

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, ông Siệu vẫn tâm huyết bảo tồn, gìn giữ, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Mỗi mùa Xuân về, ông lại truyền dạy những kiến thức mình đã học cho các thế hệ con cháu. Với ông, đó cũng là niềm vui được cống hiến sức mình để gìn giữ, lưu truyền nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Dao. 

Năm 2020, ông Tẩn Vần Siệu vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây cũng là sự ghi nhận những công lao, nỗ lực không mệt mỏi của cá nhân ông trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền bá bản sắc văn hóa dân tộc