Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả công tác bảo tồn trang phục các DTTS ở Quảng Ninh: Trang phục dân tộc thành đồng phục (Bài 1)

Thiên An - Mỹ Dung - 18:49, 28/07/2022

Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và khơi dậy lòng tự hào trong mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số về trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trang phục truyền thống đã được sử dụng như đồng phục tới trường, cơ quan công sở, trong các hoạt động sự kiện ở địa phương.

Học sinh các trường ở huyện Bình Liêu mặc trang phục truyền thống trong ngày khai giảng, thư hai đầu tuần…
Học sinh các trường ở huyện Bình Liêu mặc trang phục truyền thống trong ngày khai giảng, thứ hai đầu tuần…

Từ trường học

Quảng Ninh có 21 DTTS sinh sống, nhiều nhất là dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Hoa… tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên... Những năm gần đây, Quảng Ninh từng bước triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL ngày 18/01/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Một trong những kết quả nổi bật ở các huyện miền núi là đã đưa việc mặc trang phục truyền thống thành đồng phục cho học sinh, nhất là học sinh trường dân tộc nội trú.

Xã Bằng Cả (TP. Hạ Long) có trên 97% người dân tộc Dao (nhánh Dao Thanh Y) sinh sống. Khoảng 3 năm trở lại đây, UBND xã đã chỉ đạo Trường TH&THCS Bằng Cả tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh, may trang phục dân tộc cho con em mình đến trường. Học sinh thường mặc trang phục truyền thống vào khai giảng, thứ hai đầu tuần, ngày lễ, ngày hội văn hóa…

Em Vi Thị Lài, dân tộc Dao, lớp 6A, Trường THCS Bằng Cả khoe, em và nhiều bạn khác trong trường thường xuyên mặc trang phục dân tộc đi học. Đặc biệt là vào ngày thứ 2 đầu tuần, tất cả các bạn đều mặc trang phục truyền thống dự chào cờ rất đẹp. Có bạn không phải là dân tộc Dao, nhưng vì thích trang phục của chúng em, các bạn còn xin bố mẹ cho may để mặc. Bây giờ chúng em không còn ngại mặc như ngày trước mà thấy tự hào về trang phục của dân tộc mình.

Tại Ba Chẽ, bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Ba Chẽ, cho biết: phòng Giáo dục cũng đã chỉ đạo các trường dân tộc nội trú, tổ chức mặc trang phục truyền thống thay đồng phục học sinh. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để lan tỏa nét đẹp này sang nhiều trường học trên địa bàn huyện.

Bình Liêu cũng là một trong những địa phương đi đầu toàn tỉnh trong việc mặc trang phục truyền thống thành đồng phục. Việc mặc trang phục dân tộc đến trường được ngành Giáo dục huyện Bình Liêu triển khai trong nhiều năm qua. 

Cán bộ, công chức huyện Ba Chẽ tưng bừng mặc trang phục truyền thống trong ngày lễ văn hóa
Cán bộ, công chức huyện Ba Chẽ mặc trang phục truyền thống trong ngày lễ văn hóa

Đến công sở

Bên cạnh các trường học, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp ở nhiều địa phương như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên...hưởng ứng thực hiện mặc trang phục dân tộc vào thứ 2 đầu tuần và đồng phục công sở vào thứ 6 cuối tuần. 

Minh chứng như ở Bình Liêu, đầu năm 2019, UBND huyện đã ban hành công văn số 367/UBND-VHTT về việc triển khai mặc đồng phục và trang phục truyền thống dân tộc trong cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Theo đó, huyện Bình Liêu đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình để cán bộ, công chức mặc trang phục truyền thống tham gia: “Tuần trang phục”, ngày hội văn hóa…

Đối với cơ quan tiếp dân giải quyết thủ tục hành chính (cán bộ Trung tâm Hành chính công và bộ phận một cửa cấp xã), tham gia hưởng ứng “tuần trang phục dân tộc” theo quy chế văn hóa công sở, bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định.

Cán bộ xã Đại Dực mặc trang phục truyền thống chào cờ sáng thứ hai đầu tuần
Cán bộ xã Đại Dực, huyện Tiên Yên mặc trang phục truyền thống chào cờ sáng thứ hai đầu tuần

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Vi Ngọc Nhất, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Liêu cho biết: Một thời gian dài, đồng bào DTTS ít quan tâm đến trang phục dân tộc của mình; thậm chí nhiều người không có trang phục truyền thống. 

Việc triển khai mặc trang phục dân tộc nơi trường học, công sở là một cách làm hay, thiết thực của Quảng Ninh, đây cũng là một cách để đồng bào DTTS nêu cao tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Đây là bước đi đầu tiên làm lan tỏa ý thức, hành động gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa sâu rộng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, việc mặc trang phục dân tộc thiểu số như đồng phục, gần như mới chỉ diễn ra ở những địa bàn có điều kiện kinh tế, dân trí khá, còn ở những địa bàn còn khó khăn, những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoặc gia đình có đông con, việc may trang phục cho các thành viên trong gia đình là rất khó.

Chia sẻ về điều này, chị Dín Thị Sơn, huyện Tiên Yên cho biết, con gái năm nay dù đã lên lớp 7 nhưng vẫn chưa may trang phục truyền thống. Chị giãi bày: Cũng muốn may cho con một bộ để bằng bè bạn, nhưng nếu may trang phục truyền thống, mất khoảng 500, 600 nghìn, mà gia đình thì không có dư dả tiền bạc gì, nên cứ lần lữa mãi cũng chưa may được cho cháu.

Không chỉ là khó khăn riêng của học sinh, ngay cả việc mặc trang phục truyền thống thay đồng phục của công chức, viên chức xã, huyện cũng chưa thực sự phổ biến.

Chị Vi Thị Tuyến, chuyên viên phòng Văn hóa, Thông tin huyện Ba Chẽ, cho biết: “Việc mặc trang phục truyền thống thay đồng phục vẫn chưa có Đề án cụ thể của xã, huyện nên chưa trở thành quy định chung đối với cán bộ. Đặc biệt là vấn đề kinh phí hỗ trợ để đồng loạt cán bộ may trang phục truyền thống như đồng phục đến cơ quan, đơn vị làm việc cũng mong được quan tâm đến”.

Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống; góp phần phát triển bền vững văn hóa; làm cho trang phục truyền thống phổ biến; nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

 Để thực hiện mục tiêu, đồng thời lan tỏa rộng khắp và duy trì nét đẹp văn hóa này, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách quan tâm hỗ trợ kinh phí để mang trang phục cho các đối tượng là học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách...