Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giải phóng nguồn lực đất đai cho đồng bào DTTS: Nghịch lý thiếu – thừa đất sản xuất (Bài 3)

Tùng Nguyên - 21:29, 04/10/2022

Hàng trăm nghìn hộ đồng bào DTTS sinh sống trên lâm phần của các nông, lâm trường quốc doanh (NLTQD) đang thiếu đất sản xuất; trong khi hàng triệu ha đất sử dụng không đúng mục đích, hoặc kém hiệu quả, hoặc bỏ không…

Đất ở, đất sản xuất là nhu cầu cấp bách của đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)
Đất ở, đất sản xuất là nhu cầu cấp bách của đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)

Kéo dài chính sách

Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS chính thức được khởi động từ năm 2002, bắt đầu từ Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg, kế đến là Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 1592/QĐ-TTg, Quyết định số 755/QĐ-TTg…

Dù chính sách hỗ trợ đã được triển khai qua hai mươi năm nhưng hàng trăm hộ đồng bào DTTS vẫn có nhu cầu cấp bách về đất ở, đất sản xuất. Tại thời điểm năm 2016, tổng số hộ có nhu cầu là 326.909 hộ; trong đó, số hộ cần hỗ trợ đất sản xuất là 293.934 hộ, số hộ thiếu đất ở là 32.975 hộ.

Giai đoạn 2016 – 2020, việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất tiếp tục được thực hiện theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016. Tuy nhiên, do vốn không được bố trí, các địa phương thiếu quỹ đất nên kết quả thực hiện chẳng được bao nhiêu. Tính đến cuối giai đoạn, cả nước vẫn còn hơn 300 nghìn hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất; trong đó có trên 80.000 hộ thiếu đất ở, 221.000 hộ thiếu đất sản xuất.

Dù chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã triển khai hàng chục năm nhưng hiện vẫn còn hàng trăm nghìn hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất. (trong ảnh: Phóng viên tìm hiểu thực tế nhu cầu đất sản xuất ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk)
Dù chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã triển khai hàng chục năm nhưng hiện vẫn còn hàng trăm nghìn hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất. (trong ảnh: Phóng viên tìm hiểu thực tế nhu cầu đất sản xuất ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk)

Kết quả thực hiện chính sách chưa tương xứng với nguồn lực đã được bố trí. Chỉ tính riêng giai đoạn 2002 – 2011, theo Báo cáo của Đoàn giám sát thực hiện chính sách pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại phiên họp chiều 13/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, ngân sách Trung ương hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS theo các chính sách, chương trình, dự án là 23.009,4 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ trong một giai đoạn khó khăn của đất nước khi đó.

Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 (Dự án 1). Mục tiêu của chương trình là đến năm 2025, cơ bản giải quyết xong vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào DTTS.

Theo TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người vùng DTTS và miền núi - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp bách về đất ở, đất sản xuất là một chủ trương rất đúng đắn và kịp thời. Tuy nhiên, qua quá trình tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thưc hiện chính sách dân tộc năm 2019 - 2020, ông Lương cho rằng, nhiều địa phương không còn quỹ đất, nên rất khó thực hiện mục tiêu giải quyết dứt điểm nhu cầu đất sản xuất của đồng bào.

Số hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Giang có xu hướng gia tăng, trong khi trên địa bàn vẫn còn hàng nghìn ha đất do các công ty NLN quản lý chưa sử dụng
Số hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Giang có xu hướng gia tăng, trong khi trên địa bàn vẫn còn hàng nghìn ha đất do các công ty NLN quản lý chưa sử dụng

Một trong những kiến nghị của TS. Hoàng Xuân Lương là cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, thu hồi diện tích đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD trả lại cho địa phương, tạo quỹ đất để giao cho hộ đồng bào DTTS có nhu cầu cấp bách. Chủ trương của Chính phủ là rà soát, thu hồi đất ở các NLT sử dụng không hiệu quả để giao lại cho dân, nhưng kết quả thực hiện rất hạn chế.

Đây là kiến nghị rất hợp lý, bởi hiện vẫn còn hàng trăm nghìn ha đất có nguồn gốc từ các NLTQD đang bị lấn chiếm trái phép và nhiều diện tích đất không sử dụng. Số liệu tại Hội nghị triển khai Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 25/12/2021 cho thấy, cả nước có gần 9,2 triệu ha đất có nguồn gốc từ các NLTQD; trong đó có 158.009 ha bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp và 6.778 ha không sử dụng.

“Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”

Thu hồi diện tích đất có nguồn gốc từ các NLTQD sử dụng kém hiệu quả để tạo quỹ đất, thực hiện thắng lợi mục tiêu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS là mệnh lệnh đã được đặt ra từ lâu. Gần 20 năm trước, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển NLTQD của Bộ Chính trị khóa IX đã yêu cầu thực hiện mục tiêu này.

Kon Tum là tỉnh có nhiều công ty NLN có diện tích bình quân một người rất cao, như: Công ty Đăk Tô là 1.123 ha/người, Công ty Đăk Hà là 5.687 ha/người, Công ty Kon Plông là 1.358 ha/người,… (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum kiểm tra diện tích rừng trồng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy tại xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy tháng 4/2022)
Kon Tum là tỉnh có nhiều công ty NLN có diện tích bình quân một người rất cao, như: Công ty Đăk Tô là 1.123 ha/người, Công ty Đăk Hà là 5.687 ha/người, Công ty Kon Plông là 1.358 ha/người,… (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum kiểm tra diện tích rừng trồng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy tại xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy tháng 4/2022)

Tại thời điểm đó, theo rà soát của Chính phủ, các NLTQD “quản” gần 8 triệu ha đất thì có 236.618 ha chưa sử dụng. Đến năm 2012, số diện tích đất chưa sử dụng đã giảm xuống còn 96.367 ha; hết năm 2021, cả nước vẫn còn 6.778 ha đất có nguồn gốc từ các NLTQD không sử dụng.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường phục vụ Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty NLN (tổ chức tháng 11/2019), năng lực của nhiều NLT không tương xứng với diện tích đất được giao để sử dụng; nhiều công ty diện tích bình quân một người cao hơn rất nhiều lần so với diện tích bình quân tại địa phương. Điển hình như: Công ty Nam Hòa là 840 ha/người; Công ty Đăk Tô là 1.123 ha/người; Công ty Đăk Hà là 5.687 ha/người; Công ty Kon Plông là 1.358 ha/người; Công ty Kông Chro là 992 ha/người; Công ty Chư Phả là 689 ha/người; Công ty Tam Hiệp là 713 ha/người; Công ty Đạ Tẻh là 653 ha/người...

Đáng chú ý là một diện tích đất lớn có nguồn gốc từ các NLTQD sử dụng không đúng mục đích; thậm chí cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái pháp luật. Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại hội nghị được tổ chức ngày 25/12/2021 cho thấy, trong tổng số gần 9,2 triệu ha đất có nguồn gốc từ các NLTQD thì có 94.975 ha sử dụng không đúng mục đích. Trước đó, năm 2015, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định được 14.318 ha bị cho thuê, cho mượn và 73.900 ha chuyển nhượng trái pháp luật, bị lấn chiếm, có tranh chấp chưa giải quyết xong.

Đơn cử như Hà Giang, theo Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 ngày 16/10/2015 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các NLTQD giai đoạn 2004 – 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII, tại thời điểm năm 2014, toàn tỉnh có 114.785 ha đất lâm nghiệp thuộc quản lý của 13 NLTQD. Trong đó, 111.051 ha do 13 đơn vị này tự tổ chức sản xuất (năm 2014, cả 13 NLTQD trên địa bàn tỉnh chỉ nộp ngân sách được 534 triệu đồng), 1.291 ha đất tranh chấp, lấn chiếm và 2.121 ha đất chưa/không sử dụng.

Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt phương án trả 2,377 ha có nguồn gốc từ các NLTQD về địa phương quản lý, thực hiện trong năm 2015. Nhưng đến năm 2018, theo văn bản số 942/TB-TTCP ngày 18/6/2018 của Thanh tra Chính phủ, diện tích đất này vẫn chưa được bàn giao về địa phương để tạo quỹ đất thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Trong khi đó, số hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Giang có xu hướng gia tăng đáng báo động. Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 ngày 16/10/2015 của UBTVQH khóa XIII nêu rõ, năm 2004, toàn tỉnh Hà Giang có 8.756 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất; đến năm 2014, con số này đã tăng lên thành 14.200 hộ...

Hàng trăm nghìn ha đất nông, lâm nghiệp bị bỏ không, hoặc sử dụng sai mục đích, trong khi giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS vẫn là bài toán khó
Hàng trăm nghìn ha đất nông, lâm nghiệp bị bỏ không, hoặc sử dụng sai mục đích, trong khi giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS vẫn là bài toán khó

Tại thời điểm năm 2014, theo kết quả giám sát của UBTVQH thì Nghệ An là địa phương có số hộ DTTS thiếu đất sản xuất nhiều nhất 49 tỉnh, thành phố có báo cáo rà soát (30.925 hộ). Trong khi đó, tổng diện tích đất tự nhiên do 15 lâm trường trên địa bàn tỉnh này quản lý là 657.627 ha, trong đó có 557 ha chưa/không sử dụng. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 19.784 ha đất nông nghiệp do 18 nông trường quản lý, trong đó có 1.426 ha đất chưa/không sử dụng.

Trong các địa phương để lãng phí quỹ đất có nguồn gốc từ các NLTQD thì Bình Định đứng thứ nhất, với tổng diện tích đất chưa/không sử dụng tại thời điểm năm 2014 lên tới 29.899 ha được giao cho 13 lâm trường quản lý. Trong khi toàn tỉnh vẫn còn 5.256 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất.

Hàng trăm nghìn ha đất nông, lâm nghiệp bị bỏ không, hoặc sử dụng sai mục đích, trong khi giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS vẫn là bài toán khó là một nghịch lý tồn tại kéo dài, đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một phần nguyên nhân là do các công ty nông lâm nghiệp sau khi chuyển đổi thực hiện chủ trương giao khoán không đúng quy định của pháp luật, khiến việc thống kê, rà soát diện tích đất có nguồn gốc từ các NLTQD đến thời điểm này vẫn như “mớ bòng bong”.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.