Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gia Lai: Môi trường sống bị đe dọa từ những lò than trái phép hoạt động ồ ạt

Hòa Bình - 15:19, 11/03/2022

Tại tỉnh Gia Lai, tình trạng xây dựng lò, đốt than củi không đúng quy định liên tục diễn ra. Dù được chính quyền kiểm tra, nhưng tại nhiều địa phương, các lò than mới vẫn ngang nhiên mọc lên. Môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân sống gần khu vực có lò than.

6 lò đốt than chuyên sản xuất loại than trắng đang hoạt động tại xã Al Bá, huyện Chư Sê được xây dựng kiên cố với mái che tôn và sắt
6 lò đốt than chuyên sản xuất loại than trắng đang hoạt động tại xã Al Bá, huyện Chư Sê được xây dựng kiên cố với mái che tôn và sắt

Hàng trăm lò than hoạt động không đảm bảo các quy định

Giữa trưa nắng, những làn khói đặc quánh, nghi ngút tỏa lên từ thôn Chư Ruồi, xã Kông Htok, huyện Chư Sê. Cách khu vực dân cư khoảng 800m, 12 lò than thủ công được xây dựng bằng gạch, có chiều cao gần 4m đang hoạt động. Theo phản ánh của người dân, các lò than tại đây đa phần sử dụng thân cây cà phê già cỗi để xẻ, đốt. Mỗi lò than sau 1 tháng đốt sẽ cho ra 10 tấn than củi.

Tình trạng khói thải từ lò than bay đến khu dân cư, liên tục được người dân phản ánh, nhưng không được xử lý dứt điểm đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều hộ dân.

Tại thời điểm phóng viên (PV) tiếp cận, huyện Chư Sê có đến 34 lò than (tại các xã Kông Htok, Al Bá, Bờ Ngoong và Ia Pal), tuy nhiên, các chủ lò thường không có mặt. Dù được xây dựng quy mô với mái che tôn, sắt, nhưng khi hỏi về các điều kiện cần thiết để hoạt động đốt than này, thì không ai cung cấp thông tin nào. 

Ngoài ra, tại đây còn có máy cưa công nghiệp được lắp đặt để cưa xẻ cây làm than củi. Phần lớn chủ cơ sở không cung cấp giấy tờ nào liên quan đến hoạt động xây dựng, sản xuất, xả thải môi trường trong quá trình đốt củi lấy than, gây ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân trong vùng.

Cụm lò than có quy mô lớn trên địa bàn xã Ia Băng, huyện Chư Prông
Cụm lò than có quy mô lớn trên địa bàn xã Ia Băng, huyện Chư Prông

Tương tự huyện Chư Prông, với gần 100 lò đang hoạt động, huyện Ia Grai với 5 lò và huyện Chư Păh có 12 lò đốt than đang ngày đêm nhả khói. Đặc biệt, ngay tại TP. Pleiku, có 1 cụm gồm 4 lò đốt than củi hoạt động gần khu dân cư đông đúc (vị trí lò cách khu dân cư gần nhất khoảng 300m), cách trụ sở UBND phường Chi Lăng khoảng 1,5km. Tất cả số lò nêu trên, đều hoạt động quy mô lớn và kéo dài suốt nhiều năm qua. Có nơi khói từ lò than âm ỉ cháy cùng với mùi hôi bốc ra từ nhựa cây.

Anh Ksor H., người dân xã Kông Htok, huyện Chư Sê, cho biết: Mình ở đây chứng kiến những khói đốt than thi nhau bay vào không khí. Từ xa đã ngửi thấy mùi ngai ngái của khói. Nhất vào những buổi trưa, không khí đặc quánh khói, dân làng mình thấy rất ngột ngạt. Mình đi làm vào trong rẫy chút cũng thấy nhiều lò than đang hoạt động. Trước đây, cây cối còn mọc lên được, từ khi lò than hoạt động thì xung quanh đó không có cây nào sống nổi.

Khu vực lò than tại xã Ia Me hoạt động cạnh khu dân cư, gần UBND xã nhưng không được kiểm tra, xử lý về tình trạng ô nhiễm môi trường và xây dựng trái phép
Khu vực lò than tại xã Ia Me hoạt động cạnh khu dân cư, gần UBND xã nhưng không được kiểm tra, xử lý về tình trạng ô nhiễm môi trường và xây dựng trái phép

Cần sớm được kiểm tra, xử lý

Việc sử dụng gỗ rừng làm than củi và tình trạng xây dựng, hoạt động sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường diễn ra rầm rộ trong suốt thời gian qua, đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, giữa thanh thiên bạch nhật, hàng trăm lò than vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị các cấp, các ngành chức năng xử lý. Trước thực trạng trên, PV đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương và đơn vị quản lý trong lĩnh vực môi trường nơi có các lò than trái phép đang hoạt động.

Một lò than vừa hoàn tất quá trình đốt củi tại xã Hòa Phú, huyện Chư Păh
Một lò than vừa hoàn tất quá trình đốt củi tại xã Hòa Phú, huyện Chư Păh

Ông Lê Xuân Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Chư Sê cho biết: “Phòng đã có văn bản gửi đến các địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm theo thẩm quyền. Đồng thời, chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có các vi phạm xảy ra mà không kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định”.

Còn ông Thái Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai, khẳng định: “Phòng đã lập kế hoạch, đưa công văn về các xã tổng hợp danh sách các lò than có dấu hiệu vi phạm gửi lên huyện. Từ đó, Phòng sẽ cùng đoàn liên ngành đi kiểm tra, xử lý nghiêm các lò than xây dựng, hoạt động trái phép”.

Tại huyện Chư Prông, ông Trần Hiếu, Chủ tịch thị trấn Chư Prông nhìn nhận: “Lò than hoạt động trên địa bàn và không bảo đảm các quy định là có, việc quản lý của chính quyền chưa chặt chẽ. Chúng tôi sẽ kiểm tra, tham mưu cấp trên để có hướng xử lý tốt nhất trong thời gian gần. Việc báo chí phản ánh về hoạt động đốt than không đúng quy định tại một số xã trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn thanh tra và có biện pháp xử lý đối với các điểm đốt than trái phép, kiên quyết xử lý các lò than sử dụng cây rừng làm nguyên liệu”.

Việc nhìn nhận và những biện pháp của lãnh đạo, cán bộ chức năng ở các địa phương để xử lý tình trạng lò than hoạt động trái phép diễn ra ồ ạt nêu ra đã rất rõ ràng. Hiện nay, người dân đang kỳ vọng vào vai trò trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong việc sớm kiểm tra xử lý nghiêm minh; Đồng thời, hướng dẫn để các hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng này theo quy định pháp luật.