Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gặp cô giáo dạy hát dân ca ở Thượng Minh

Phóng sự: Giang Lam - Như Anh - 20:22, 05/12/2023

Ngay từ thời còn con gái, chị Húng Thị Luyến đã theo các bà, các mẹ học những câu dân ca Pà Thẻn. Tất cả phải tự nghe rồi thuộc bằng trí nhớ, tối về nằm lẩm nhẩm đọc, ghi vào một cuốn vở dày cộp. Gần đây, chị lọ mọ đi xe máy lên huyện ngồi nhờ máy tính của người thân để gõ văn bản lưu thành một file riêng. Chị bảo: “Có thế này thì không sợ con gián, con mối gặm mất trang vở, hao hụt cái chữ nữa. Mà tiện lắm! học trò có lúc đêm hôm cao hứng gọi hỏi đoạn này hát tiếp thế nào cô giáo ơi! Thế là mình dậy cầm cái điện thoại ấn 1 cái…. 2 giây sau là trò nhận được đầy đủ, nhớ bài ngay”. Hành trình làm cô giáo dạy hát dân ca của chị Húng Thị Luyến giản dị và đáng yêu như thế!

Lớp học dân ca của cô giáo Húng Thị Luyến
Lớp học dân ca của cô giáo Húng Thị Luyến

Không dạy chữ thì dạy hát…

Ngay từ nhỏ cô gái Húng Thị Luyến, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang huyện Lâm Bình, Tuyên Quang luôn là niềm tự hào của gia đình bởi sự ham học hỏi và sự thông minh, hoạt bát. Năm 23 tuổi, cô gái trẻ tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Tuyên Quang. Ra trường cô giáo trẻ đi dạy học, làm cán bộ xã, thế nhưng vì lý do gia đình, Luyến phải từ bỏ ước mơ, trở về sống ngày ngày nơi bản làng. Chị bảo: “làm ở đâu cũng được miễn mình được cống hiến hết sức cho quê hương, bản làng là mình thấy hạnh phúc rồi". ”

Chị Luyến là con gái út của thầy Húng Văn Hin, người nắm giữ bí kíp nhảy lửa, có công lớn trong việc khôi phục lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn Thượng Minh. Chị Luyến còn nhớ, trước khi mất, bố nắm tay chị dặn dò, con nhớ phải mang cái chữ mình học được bằng mọi cách để giữ gìn văn hóa dân tộc mình.

Từ xa xưa, trong đời sống của người Pà Thẻn, dân ca có vai trò quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân. Đó không chỉ là hình thức giải trí mà còn là bản sắc, gắn với tín ngưỡng và truyền thống, thể hiện rõ ước vọng, tâm tư, tình cảm của người Pà Thẻn. Thế nhưng theo dòng chảy thời gian văn hóa dân tộc bị mai một. Và “như việc phải làm” chị Húng Thị Luyến gắn cho mình trách nhiệm khôi phục làn điệu dân ca.

Ngày ngày chị gặp gỡ các bà, các mẹ, các chị hỏi han chuyện trò rồi cần mẫn chép lại từng bài dân ca cổ của người Pà Thẻn. Hiện nay, chị sở hữu hàng trăm bài dân ca. Tất cả đều được chị ghi chép rồi cẩn thận dịch ra tiếng Việt và mang lên huyện nhờ máy tính của người thân gõ thành fille riêng để lưu. 

Chị bảo, kho tàng dân ca của người Pà Thẻn là “kho báu”, mà kho báu càng nhiều người biết đến, yêu thích, thì càng quý, càng có giá trị. Vậy nên khi tìm được bài dân ca, thơ, truyện cổ, chị ghi lại rồi dịch ra tiếng Việt để cho người Kinh, người Tày… cùng hiểu và trân trọng văn hóa dân tộc mình. Và niềm vui đã đến khi chính quyền huyện và xã có chủ trương khôi phục văn hóa Pà Thẻn, trong đó, có chủ trương cho mở lớp học dân ca. “Như cá gặp nước”, ước mơ ấp ủ bao lâu nay đã được “chắp cánh” chị Húng Thị Luyến xung phong nhận dạy lớp học dân ca cho bản làng mình. Vậy là sau bao năm cô giáo Luyến trở lại “gieo chữ” với những học trò thật đặc biệt!

Cô giáo Húng Thị Luyến đang hướng dẫn các học trò làm bài tập trên lớp
Cô giáo Húng Thị Luyến đang hướng dẫn các học trò làm bài tập trên lớp

Những lớp học ngập tràn niềm vui

Cô giáo Húng Thị Luyến tự hào bảo, dân ca Pà Thẻn giản dị lắm! Nghĩ thế nào thì nói nôm na như thế, nhưng đầy ý nhị. “Nàng theo đoàn đưa dâu lên đỉnh núi/Nhìn thấy làng của chàng có hằng trăm hộ dân. Trong lòng nàng chẳng nghĩ đến ai chỉ nghĩ đến chàng và nàng sánh duyên sống hạnh phúc bên nhau” (Bài dân ca Đưa dâu).

Lớp học hát dân ca được tổ chức từ 2-3 tháng với khoảng 25 học trò từ 10 tuổi đến 60 tuổi. Mọi người đều chuẩn chỉnh mặc trang phục dân tộc, ghi chép sách vở rồi cùng hòa vào nhau cất vang làn điệu dân ca cùng cô giáo Luyến.

Bà Húng Thị Tâm một học viên chia sẻ: “Khi còn trẻ mình cũng biết nhiều bài dân ca lắm thế nhưng mải cuộc sống làm lụng nên “rơi” hết rồi. Bây giờ được tham gia lớp học của cô giáo Luyến, mình còn biết thổi sáo để mọi người hát dân ca. Hát nhiều bài lắm như “Đi chợ”, “Lên nương”, “Đón mẹ”, “Chờ người yêu”…

Còn em Húng Kiều Anh là học trò nhí của lớp cũng chia sẻ: “Học hát dân ca giúp em ôn lại được cả tiếng nói Pà Thẻn nữa. Bằng âm nhạc nên dễ thuộc, dễ nhớ hơn”.

Không chỉ giảng dạy nhiều lớp tại Thượng Minh mà cô giáo Luyến còn đến huyện Chiêm Hóa dạy dân ca cho bà con Pà Thẻn ở thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa). Cô giáo chia sẻ: “Vui và hạnh phúc lắm! nhiều lúc cô trò mải say mê học quên cả giờ giấc đấy”.

Cô giáo 8x Húng Thị Luyến linh động lập nhóm Zalo, đăng bài trên facebook gửi hình ảnh lớp học, gửi thông báo hướng dẫn. Cô giáo Húng Thị Luyến được nhiều người biết đến là một người tâm huyết với văn hóa Pà Thẻn. Cô giáo đã thường xuyên vận động bà con giữ gìn nghề dệt thổ cẩm. Hiện Cô còn là Đội trưởng Đội Văn nghệ homestay thôn Thượng Minh xã Hồng Quang.

Những năm gần đây nhiều du khách đến thôn Thượng Minh để khám phá. Năm 2021, gia đình chị Luyến mở homestay với tên gọi “Homestay Pà Thẻn”. Chị Luyến vui vẻ nói, du khách đến đây được xem lễ hội nhảy lửa, khám phá phong cảnh hoang sơ của bản làng. Gia đình chị sẽ tiếp đón bằng những món ăn truyền thống của người Pà Thẻn như: Gủ há, gủ chúng, thịt lợn muối chua… Đặc biệt sẽ được nghe Đội Văn nghệ biểu diễn những bài dân ca đặc sắc.

Chị Húng Thị Luyến giải thích khi thường tự ví von mình là con chim lửa. Chị bảo, người Pà Thẻn tự hào về dân tộc, về cội nguồn lắm! Tất cả được hiện hữu ngay trên trang phục mà mỗi người phụ nữ hãnh diện khoác lên mỗi ngày. Màu đỏ là màu của con chim lửa, màu của ánh sáng, màu của lửa đỏ rực rỡ suốt ngàn năm nay. Và chị mãi là một cánh chim lửa kiêu hãnh đầy khát vọng mang văn hóa dân tộc mình tỏa sáng và vươn xa…

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.