Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cùng đồng bào vượt "bão dịch"

Nguyễn Thanh - 08:52, 05/02/2022

Xuân đang về trên khắp nẻo biên cương. Sắc xuân không chỉ mướt xanh trên những nương ngô, rẫy gừng, trên những rừng cây đang nhú chồi biêng biếc… mà còn đong đầy trong bao ánh mắt tươi vui, hạnh phúc của bà con các bản làng miền biên ải. Dẫu khoảng trống do dịch bệnh gây ra chưa thể lấp đầy; nhiều khó khăn, thiếu thốn vì dịch giã còn hiện hữu… nhưng đời sống kinh tế - xã hội trên mỗi bản làng đã dần ổn định hơn bằng những chủ trương, chính sách sát sườn, bằng nghĩa tình chung tay của cả cộng đồng.


Tặng quà cho hộ ông Điều Khên ở ấp Hưng Phát xã Tân Hưng huyện Hớn Quản là người DTTS gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tặng quà cho hộ ông Điều Khên ở ấp Hưng Phát xã Tân Hưng huyện Hớn Quản là người DTTS gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tình người trong gian khó

Mỗi đợt dịch bệnh trôi qua, vùng đồng bào DTTS lại bị phong tỏa, cô lập, cách ly hết đợt này đến đợt khác. Và không kể ra, thì mỗi người vẫn hình dung hết những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của đồng bào trong cơn “bĩ cực” vì dịch bệnh Covid-19.

Đấy là câu chuyện của nhiều tháng trước…

Khi ấy, những khó khăn hiện hữu trong những ngày dịch bệnh là nguy cơ thiếu đói, thiếu nước… chưa kể, ruộng nương, vật nuôi thiếu người chăm sóc, vun trồng, thu hoạch… Vùng đồng bào DTTS và miền núi là “vùng trũng” nên những ảnh hưởng của dịch bệnh càng lớn hơn, hệ lụy kéo dài hơn so với các vùng miền khác.

Nhưng thật đáng trân trọng, đã có nhiều trái tim, tấm lòng cùng hướng về, cùng đồng bào vượt “bão dịch” với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Còn nhớ, những ngày tháng 7/2021, khi dịch bệnh Covid-19 ập đến bản nghèo Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An). Trong sâu thẳm mỗi người dân Khơ Mú nơi đây, đó đã là chuỗi thời gian rất khó quên. Khó quên vì lần đầu gặp phải dịch bệnh nguy hiểm, khó quên vì lần đầu bản làng bị cách ly, cô lập; khó quên vì bà con đã nhận được rất nhiều hành động sẻ chia ấm lòng dành cho mình.

Ông Phan Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) trải lòng: bản có 195 hộ với 978 nhân khẩu, sống chủ yếu dựa vào làm rẫy và có đến trên 75% hộ nghèo nên khi bị cách ly, gần như cả bản đều trông chờ vào nguồn trợ cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men... Tất cả đã được lãnh đạo huyện, xã đứng ra kêu gọi, hỗ trợ và tiếp tế chu đáo.

Còn ở vùng Nam Bộ, khi buộc phải cách ly, đồng bào các DTTS nơi đây đã từng bước vượt qua bao khó khăn, vất vả nhờ những việc làm, nghĩa cử thấm đẫm trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành. Anh Mô Ha Mách Du Sô ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, TX. Tân Châu (An Giang) rưng rưng: Chúng tôi rất cảm động, mang ơn đội ngũ những cán bộ tham gia phòng chống dịch, chính quyền, và các nhà hảo tâm. Trong những ngày gia đình thực hiện cách ly, được cán bộ đến nhà hỗ trợ gạo và thực phẩm, mua hộ những mặt hàng thiết yếu; hỏi thăm sức khỏe, cấp thuốc và khẩu trang. Những khó khăn trong thời gian cách ly đã vơi đi rất nhiều.

Chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng tính đến cuối năm 2021, cả nước có 54.012 người DTTS bị nhiễm SARS-CoV-2. Những tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội không thể thống kê được, mà chỉ bằng cảm nhận. Cuộc sống vùng đồng bào -DTTS và miền núi vốn đã khó khăn thì sẽ càng khó khăn thêm trong giai đoạn hậu Covid-19. Điều đó có nghĩa là, nơi ấy còn phải mất rất nhiều thời gian, tiền của, công sức “đổ vào”… cũng chưa hẳn đã lấy lại được như trước. Nhưng rồi vùng đồng bào DTTS sẽ ổn, bởi sát cánh cùng đồng bào không chỉ là các cấp chính quyền mà còn là triệu trái tim của cả cộng đồng cùng hướng về để trao gửi tin yêu.

Nâng cao nhận thức phòng chống dịch COVID-19 trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Ảnh: danvan.vn
Nâng cao nhận thức phòng chống dịch COVID-19 trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Ảnh: danvan.vn

Niềm tin, kỳ vọng qua “bão dịch”

Sắc Xuân đương ngập tràn nơi nơi, cuộc sống mới đang dần dần trở lại trên các bản làng thời hậu Covid-19. Dẫu khoảng trống do dịch bệnh gây ra chưa thể lấp đầy; nhiều khó khăn, thiếu thốn vì dịch giã còn hiện hữu… nhưng đời sống, kinh tế - xã hội trên mỗi bản làng đã dần ổn định hơn bằng những chủ trương, chính sách sát sườn, bằng nghĩa tình chung tay của cả cộng đồng.

Điều đáng mừng nhất là theo thống kê, có 29 tỉnh, thành phố vùng DTTS và miền núi đã kịp thời ban hành các chính sách đặc thù riêng của địa phương để đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào DTTS và duy trì các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Như, từng là điểm nóng của dịch bệnh Covid-19, Bắc Giang đang khẩn trương thực hiện gói đầu tư 18 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất. Số vốn này được đầu tư xây dựng 13 công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn 12 thôn, bản. Hiện đã khởi công xây dựng 10 công trình, trong đó 4 công trình đã hoàn thành 100%, 6 công trình đạt trên 60% khối lượng.

Còn UBND tỉnh Quảng Trị đã phân bổ hơn 2 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Ở Nghệ An, nhiều địa phương đã tích cực hỗ trợ sinh kế cho bà con vùng DTTS do ảnh hưởng dịch bệnh sớm ổn định cuộc sống bằng con giống hỗ trợ vay vốn. Xuân này, vợ chồng anh Lô Văn Thủy, người dân tộc Thái ở bản Tùng Thắng, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương hẳn sẽ vui hơn, ấm áp hơn. Nhờ sự quan tâm của các cấp, gia đình anh đã vay vốn sửa sang lại nhà cửa, mua thêm con giống, đẩy mạnh tăng gia sản xuất... để mong có cuộc sống ổn định tại quê nhà. Anh Thủy hào hứng: nhà ta đã mua thêm mấy con giống mở rộng sản xuất. Ta hy vọng cuộc sống sẽ tốt hơn, không phải đi làm ăn xa nữa.

Trong rất nhiều niềm tin và kỳ vọng, thì mới đây nhất Chính phủ phê duyệt nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025, với dự kiến tổng mức vốn để thực hiện Chương trình là 137.664,959 tỷ đồng, sẽ góp phần tạo ra động lực mới và lớn để “vực dậy” vùng DTTS khó khăn.

Và niềm tin còn đến từ sự trăn trở, day dứt của người đứng đầu quản lý, tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực công tác dân tộc - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh với quyết tâm: “Cần phải đẩy nhanh các giải pháp, biện pháp hỗ trợ cùng bà con ổn định cuộc sống nhanh nhất, sớm nhất”

Một mùa Xuân mới đang về, vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ sớm “đổi thịt thay da”. Niềm tin về việc đồng bào DTTS và miền núi cùng Nhân dân cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong giai đoạn mới đang được khẳng định.