Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cô gái trẻ "khai sinh" dự án vải lanh thủ công Hemp Hmong Việt Nam

Hồng Phúc - 17:17, 08/12/2022

Vàng Thị Dế (SN 2002) sinh ra ở bản Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Khác với nhiều bạn bè trang lứa, Dế là cô gái khá mạnh mẽ, dám vượt qua nhiều sóng gió, định kiến để được đi học đại học và khởi nghiệp ở tuổi 20. Một lần liều bán tấm vải lanh dệt thủ công - “của hồi môn” của gia đình, không ngờ lần "liều" này đã giúp Dế tìm ra được hướng đi của cuộc đời.

Vàng Thị Dế - cô gái 20 tuổi “khai sinh” dự án Hemp Hmong Việt Nam
Vàng Thị Dế - cô gái 20 tuổi “khai sinh” dự án Hemp Hmong Việt Nam

Ngược dòng...

Người Mông quan niệm, con gái "đến tuổi" thì phải lấy chồng. Đó là lý do nhiều bạn học của Dế chỉ học đến lớp 6, lớp 7 đã nghỉ học để làm vợ, làm mẹ. Dế thì khác, từ nhỏ cô gái này đã học rất giỏi, luôn có khát khao cháy bỏng rằng, con chữ sẽ giúp mình bước chân ra khỏi bản làng để khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia.

Dế học hết lớp 9, thì mẹ không cho đi học tiếp. Bà quan niệm, con gái học cao thế nào cuối cùng cũng vẫn về lấy chồng thôi. Sau khi khóc hết nước mắt thuyết phục mẹ và nhờ tới sự tác động của bố, mẹ Dế cũng đành xuôi theo cô con gái cứng đầu.

Học hết PTTH, một lần nữa Dế bị mẹ cấm cản, không cho thi đại học. Dế vẫn cương quyết thi và đỗ vào Đại học Văn hóa (Hà Nội). Biết con có ý định khăn gói xuống Hà Nội học tập, mẹ Dế ngăn cản quyết liệt, bởi đau đáu một nỗi “nhà nghèo, lo ăn còn chưa xong, tiền đâu học đại học”. Dế nhìn mẹ với ánh mắt đầy quyết tâm rồi bảo: “Nếu mẹ không cho đi, con vẫn sẽ đi”.

Mặc dù mẹ phản đối, nhưng Dế lại có sự ủng hộ của bố. Ông đã chạy vạy khắp nơi vay được 2 triệu đồng - hành trang cho con gái xuống Hà Nội đi học.

Ở Thủ đô, Dế làm đủ thứ việc, từ phát tờ rơi cho đến phục vụ quán ăn, bán hàng Online… để có tiền trang trải học hành. Biến cố xảy ra năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Dế không thể đi làm thêm, nên không kiếm được tiền. Sau một thời gian bị kẹt tại Hà Nội vì giãn cách xã hội, tháng 10 năm đó, cô gái trẻ trở về Hà Giang. Dế không ngờ rằng, lần trở về này đã khởi đầu cho một bước ngoặt không chỉ trong cuộc sống của bản thân, mà còn thay đổi tích cực đời sống của cộng đồng người Mông quê hương mình.

Khi đồ "gia bảo" trở thành hàng hóa

Một buổi chiều muộn, mẹ bảo Dế lên dọn gác. Trong lúc dọn dẹp, em thấy những tấm vải lanh rất đẹp được mẹ cất giữ cẩn thận. Đây là loại vải truyền thống gắn bó với người Mông cả trong đời sống thường nhật và cả đời sống tâm linh.

Thời điểm đó, kinh tế gia đình Dế rất khó khăn. Dế mạnh dạn hỏi mẹ: “Con bán những tấm vải lanh này được không?”

“Bán đi thì sau này lấy gì làm váy khi lấy chồng?”, mẹ Dế đáp.

“Mẹ tin con đi, con bán nó rồi sau này sẽ mua về nhiều hơn”, Dế quả quyết.

Phụ nữ Mông tốn công sức cả năm trời mới dệt được 1- 2 tấm vải lanh
Phụ nữ Mông tốn công sức cả năm trời mới dệt được 1- 2 tấm vải lanh

Dế bắt đầu chụp ảnh những tấm vải lanh đăng bán trên Facebook cá nhân. “Em rất bất ngờ khi vừa đăng thì đã có một chị ở Sài Gòn hỏi mua một tấm. Đơn hàng đầu tiên có giá 560.000 đồng”, Dế kể.

Sau khi nhận được hàng Dế gửi, vị khách rất ưng và sau đó mua hết số vải lanh mà Dế có. Thuận lợi bước đầu ấy đã khiến Dế nảy ra ý định kể những câu chuyện về vải lanh truyền thống của dân tộc mình nhằm quảng bá báu vật của người Mông đến mọi miền Tổ quốc.

Nghĩ là làm, Dế đến từng nhà trong bản, gom từng mét vải một. “Để cho ra đời một tấm vải lanh rất mất công sức và tốn nhiều thời gian, nên phụ nữ Mông không dệt vải lanh để làm kinh tế. Các mẹ làm vải lanh để may váy cho mình, may áo cho chồng, làm của hồi môn cho con… Chỉ đến khi không đi làm kiếm tiền được, khi đã già, khi trên gác không còn ngô, thì các mẹ mới đem vải lanh đi bán để đổi lấy một ít tiền sinh hoạt. Vì được làm cho gia đình, tốn công sức cả năm trời mới tạo ra 1 - 2 tấm, nên vải của các mẹ rất đẹp, đều là “gia bảo” cả”, Dế kể.

Sau khi cần mẫn gom vải, Dế đăng trên Facebook cá nhân để “tìm chủ” mới. Không chỉ là những bức ảnh đẹp, Dế kể câu chuyện về tình yêu chung thủy của đồng bào với tấm vải lanh truyền thống, về phong tục, tập quán được người Mông gìn giữ hàng trăm năm...

Qua một thời gian, hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội khiến cô gái Mông và các bà, các mẹ bất ngờ. Những tấm vải lanh truyền thống của dân tộc mình theo chân các vị khách xuống núi vào Nam, ra Bắc. Không chỉ vậy, Dế còn mang “bảo vật” ấy vượt cao nguyên đá Đồng Văn để vươn ra thế giới. Hiện nay, khách mua vải lanh của Dế chủ yếu là khách nước ngoài.

Vải lanh theo chân các vị khách nước ngoài đến nhiều nơi trên thế giới
Vải lanh theo chân các vị khách nước ngoài đến nhiều nơi trên thế giới

Dế kể: “Từng có khách sống ở Mỹ đặt em đơn hàng vải lanh giá trị lên tới hơn 50 triệu đồng. Em vui mừng lắm, nhưng cũng lo vì không biết lấy đâu ra vốn để nhập hàng, rồi giao hàng ra nước ngoài. Rất may là sau đó, chị khách chủ động nhắn tin cho em xin chuyển tiền cọc trước và liên lạc với người thân ở Việt Nam nói chuyện trực tiếp với em, nên đơn hàng tưởng là khó khăn đó lại vô cùng thuận lợi”.

Tuy nhiên, cũng có đơn hàng lớn từ nước ngoài khiến Dế lao đao. Đó là lần cô gái này lần đầu tiên phải vay khắp mọi nơi 40 triệu, rồi mất 2 tuần liền đi khắp các gia đình thu mua vải gửi cho khách. Vậy mà đơn hàng ấy bị hoàn lại, Dế phải thanh lý lỗ rồi xoay xở đủ cách mới trả được khoản vay.

Trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc mình, nhưng cũng lo lắng trước những mai một của nghề dệt lanh truyền thống, Dế luôn trăn trở làm sao để “bảo vật” của người Mông có thể trở thành hàng hóa mang lại thu nhập cải thiện đời sống cho bà con dân bản.

Sau rất nhiều đêm suy nghĩ, Dế đã “khai sinh” dự án Hemp Hmong Việt Nam. Đây là nơi Dế cung cấp vải lanh thô cho các cá nhân, cửa hàng thời trang, nhà thiết kế… yêu thích loại vải Đông ấm, Hè mát này. Đồng thời, Hemp Hmong Việt Nam thiết kế những sản phẩm thời trang từ chất liệu vải lanh như túi, khăn, áo… dựa trên sự kết hợp tính truyền thống và hiện đại để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, Hemp Hmong Việt Nam còn nhận thiết kế sản phẩm theo yêu cầu riêng của khách hàng.

Dế hạnh phúc khi vừa quảng bá được vải lanh truyền thống của dân tộc mình vừa giúp bà con có thêm thu nhập
Dế hạnh phúc khi vừa quảng bá được vải lanh truyền thống của dân tộc mình vừa giúp bà con có thêm thu nhập

Đến với công việc này như một cái duyên nên Dế vẫn luôn cho rằng, mình sinh ra để thực hiện sứ mệnh quảng bá vải lanh truyền thống của dân tộc mình. Nhờ những tấm vải lanh mẹ cất giữ, gia đình Dế đã vượt qua giai đoạn khốn khó về kinh tế. Cũng chính nhờ vải lanh mà Dế đã giúp nhiều gia đình người Mông có thêm thu nhập. Trước đây, họ chỉ trồng một khoảnh đất nhỏ, thì giờ đây diện tích đã tăng lên gấp 3. 

Một năm thay vì chỉ mỗi nhà chỉ làm 4 - 5 cuộn lanh, giờ họ đã làm tăng lên 10 - 15 cuộn, tăng thêm thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Với những người phụ nữ Mông vốn chỉ quanh năm cặm cụi trên nương rẫy, thì điều này vừa mang lợi lợi ích thiết thực, vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng mình.

Dự định của Dế là, sau khi tốt nghiệp đại học sẽ trở về quê hương để khởi nghiệp, thành lập một hợp tác xã nhỏ kết hợp làm du lịch, vừa giúp quảng bá văn hóa địa phương, vừa tạo việc làm nhiều hơn cho bà con quê hương.