Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cô gái trẻ làm nên thương hiệu Tày Indigo

Kim Anh - 21:43, 01/12/2021

Với mong muốn giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) quảng bá văn hóa truyền thống qua các sản phẩm từ vải lanh nhuộm chàm, cô gái trẻ Lồ Thị Hạnh (dân tộc Tày ở Lào Cai), đã sáng lập ra thương hiệu Tày Indigo (vải chàm của người Tày), và tạo việc làm cho rất nhiều bà con nơi đây.

Lồ Thị Hạnh (sinh năm 1993), dân tộc Tày - người sáng lập ra thương hiệu Tày Indigo
Lồ Thị Hạnh (sinh năm 1993), dân tộc Tày - người sáng lập ra thương hiệu Tày Indigo

Đưa vải chàm của người Tày đến với du khách

Trong không gian rộng hơn 240m2, tại xã Mường Bo, thị xã Sa Pa (Lào Cai), Lồ Thị Hạnh cùng với bà con DTTS đang miệt mài thêu thùa, tạo ra các sản phẩm làm từ vải chàm. Hạnh kể, cô nhớ như in, thời điểm tháng 9/2019, như một “cột mốc” đánh dấu con đường khởi nghiệp của mình khi bắt tay xây dựng thương hiệu “Tày Indigo”.

“Trong một lần theo cha về thăm quê nội (xã Mường Bo, thị xã Sa Pa) vào năm 2019, bắt gặp hình ảnh của các bà, các mẹ ngồi quay sợi, dệt vải, phơi những tấm vải chàm khiến tôi nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ đây.”- Hạnh kể.

Tò mò với công việc của những người phụ nữ Tày nơi đây, Hạnh tìm hiểu và được biết, nghề nhuộm vải bằng chàm và tạo hoa văn bằng cách khâu chỉ đột buộc thắt sợi của người Tày ở Sa Pa là một nét đặc trưng và đã có từ bao thế hệ. Tuy nhiên, đến nay vẫn không được nhiều người biết đến và đang có xu hướng mai một dần.

Càng đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, cô gái Tày càng thấy tiềm năng phát triển các sản phẩm truyền thống được làm từ vải chàm thông qua hoạt động du lịch, giới thiệu và bán cho du khách. Cô hy vọng có thể phần nào góp sức mình, giúp bà con nơi đây tiêu thụ sản phẩm do chính họ làm ra.

“Tôi hy vọng khi khách du lịch đặt chân đến với Sa Pa, không chỉ biết đến các sản phẩm thủ công của người Mông, người Dao; mà ở đây còn có các sản phẩm đặc trưng làm vải chàm của người Tày. Khách du lịch đến các gia đình của người Tày sẽ được xem nhuộm chàm, được trải nghiệm nhuộm chàm, hiểu hơn về giá trị của những món đồ thổ cẩm”, cô gái 28 tuổi nói.

Phụ nữ dân tộc Tày chăm chỉ, cần mẫn làm việc để tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc Tày đến với du khách
Phụ nữ dân tộc Tày chăm chỉ, cần mẫn làm việc để tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc Tày đến với du khách

Tạo sinh kế cho phụ nữ DTTS

Cô gái Tày cho biết, mong muốn lớn nhất khi sáng lập Tày Indigo, là tạo việc làm cho bà con DTTS, hỗ trợ phụ nữ Tày có công việc ổn định, tham gia sản xuất các sản phẩm từ nghề truyền thống để có thêm thu nhập, cải thiện sinh kế.

Nghĩ là làm, từ những kinh nghiệm tích lũy được trong 4 năm làm du lịch cộng đồng, cộng với niềm đam mê về vải lanh nhuộm chàm, Hạnh bắt đầu sáng tạo và cho ra đời những đứa con tinh thần bằng vải chàm với thương hiệu “Tày Indigo”.

Ban đầu, khi mới thành lập, Tày Indigo chỉ có 2 thành viên. Thời điểm đó, Hạnh chưa có được sự tin tưởng từ các chị, các mẹ. Nhưng sau khi thấy được hiệu quả từ mẫu mã mà Hạnh đưa tới, bà con dần tin tưởng và cùng tham gia mở rộng sản xuất các sản phẩm thủ công với đa dạng mẫu mã từ chất liệu vải chàm truyền thống

“Tôi lên ý tưởng thiết kế mẫu mã rồi đưa cho các chị, các mẹ làm, sau đó may thành những chiếc túi xách thời trang, chiếc ví… phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng” Hạnh nói. 

Các sản phẩm được làm từ vải chàm
Các sản phẩm mang thương hiệu Tày Indigo

Sau hơn 2 năm thành lập, đến nay, Tày Indigo có 30 người làm theo hướng truyền thống và hơn 200 người làm thêu gia công cho các công ty xuất khẩu. Bằng việc kết hợp cả hai phương thức sản xuất, mức lương trung bình của mỗi người hiện nay dao động từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Chị Tần Mán Mầy (dân tộc Dao, sinh năm 1986, Lào Cai), chia sẻ: “4 tháng làm việc tại Tày Indigo đến nay, cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi có thể tự lo cho bản thân, tiết kiệm và mua cho mình được chiếc xe máy cũ”.

Góp phần làm thay đổi được đời sống của bà con nơi đây là niềm hạnh phúc lớn lao nhất với cô gái Tày. Hạnh hy vọng các sản phẩm do Tày Indigo sản xuất không chỉ với các khách hàng trong nước, mà còn vươn ra thị trường một số nước như Mỹ, Pháp, Nhật, Thái Lan,… để bà con có thêm thu nhập, phần nào trang trải được cuộc sống.

Dự định trong thời gian tới, cô gái Tày sẽ mở thêm nhiều lớp đào tạo kỹ năng nghề cho bà con nơi đây. “Khi có kỹ năng nghề thuần thục trong việc sản xuất sản phẩm, thì khi đó chúng tôi mới có thể mở rộng mô hình, đưa các sản phẩm bán nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử”, Hạnh nói.

Tin cùng chuyên mục