Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giảm nghèo bền vững

Cơ hội để nghề đan lát truyền thống của người Thái ở miền núi xứ Thanh phát triển

Quỳnh Trâm- Ngọc Thỏa - 07:51, 25/11/2022

Nghề đan lát của người Thái ở xã Yên Khương, huyện Lang Chánh đã có từ rất lâu đời. Tuy nhiên do những mặt hàng đồ vật dụng bằng nhựa xuất hiện, giá thành rẻ, tiện lợi nên người dân quên dần những sản phẩm đan lát. Do vậy, người biết đan lát cũng chẳng còn mấy người. Trước thực trạng đó, lãnh đạo xã Yên Khương luôn trăn trở tìm giải pháp để nghề đan lát được duy trì và phát huy, góp phần cải thiện đời sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Lãnh đạo xã Yên Khương gặp gỡ trao đổi về gìn giữ nghề truyền thống
Lãnh đạo xã Yên Khương gặp gỡ trao đổi về gìn giữ nghề truyền thống

Yên Khương là xã biên giới thuộc huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái. Bản Tứ Chiềng cách trung tâm huyện Lang Chánh hơn 30km, là một trong số ít bản còn lưu giữ được nghề đan lát truyền thống của người Thái, tạo nên những nét đặc sắc riêng biệt của vùng đất này. Ở đây, trong bất cứ gia đình nào cũng có thể tìm thấy những vật dụng như rổ rá, mâm... mây được đan lát, bởi bàn tay của những nghệ nhân trong vùng.

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Lò Văn Quang, một thợ đan lát có tiếng ở Tứ Chiềng. Ông Quang bảo, ở bản ông, những chàng trai người Thái ngày xưa lúc biết đi rừng, biết cầm rựa phát rẫy là đã biết đan lát. Do vậy, ông chỉ cần quan sát người khác làm, rồi một vài lần mày mò, là có thể nắm vững các kỹ thuật đan và sáng tạo ra nhiều cách đan lát khác nhau.

Ông Quang cho biết, để làm ra những chiếc gùi lúa, nia sẩy lúa, mâm… người thợ phải vào rừng chọn lựa những loại dây mây làm nguyên liệu. “Đầu tháng, tôi cùng một vài người trong làng vào rừng sâu bứt mây và chọn tre. Mỗi chuyến đi như vậy mất vài ngày, có khi hàng tuần liền. Mình cẩn thận bứt rồi phân loại mây ngay trong rừng. Từng độ tuổi khác nhau, tre, mây mình chọn sẽ phù hợp với mỗi dụng cụ riêng”.

Theo ông, đàn ông Tứ Chiềng ai cũng biết đan lát, nhưng để đan đẹp, khéo và bền thì không phải ai cũng làm được. Với mỗi dụng cụ như bế, giỏ, mâm… người thợ phải có kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật đan cho từng loại. Chỉ cần chăm chỉ và chịu khó, kiên trì thì sẽ biết đan đẹp.

Quá trình hoàn thành một sản phẩm tùy thuộc vào độ khó. Các sản phẩm ông làm ra nổi tiếng tinh xảo và rất công phu. Cầm trên tay chiếc mâm màu cánh gián có độ tuổi mười năm, ông Quang cho biết: Những chiếc nia, mẹt hay gùi được người dân bảo vệ cẩn thận bằng cách treo thường xuyên trên giàn bếp. Làm như vậy sẽ chống được mối mọt và tăng độ dẻo dai.

Theo ông Quang, trước kia sản phẩm bà con làm ra, chủ yếu để dùng và làm quà biếu. Dần dần nhu cầu sử dụng tăng lên, bà con mang ra chợ bán, kiếm thêm ít tiền mua thực phẩm. Sau này, ở thị trường có nhiều vật dụng gia đình được sản xuất từ nhựa giá rẻ và tiện lợi, thế chỗ cho các sản phẩm đan lát. Vì vậy, sản phẩm đan lát của bà con người Thái cũng ít người mặn mà, kéo theo là những người thợ đan giỏi trong vùng phần nhiều đã lớn tuổi, có nhiều người đã mất, trong khi thế hệ trẻ trong làng không thích công việc này.

Ông Lò Văn Quang vào rừng chặt vầu làm nguyên liệu đan lát
Ông Lò Văn Quang là một trong số ít người luôn trăn trở giữ nghề đan lát

“Nghề đan lát không đem lại giá trị kinh tế cao mà người thợ chỉ vì muốn giữ lại nét văn hóa của tổ tiên. Chính vì thu nhập từ bán sản phẩm thấp bấp bênh, trong khi công đoạn thủ công và thời gian hoàn thành một sản phẩm khá lâu nên số người theo nghề đan lát giờ đây rất ít”, ông Quang chia sẻ.  

Trăn trở với nghề truyền thống đang dần mất đi,  ông Quang chỉ biết gửi gắm vào những đường đan lát trên từng sản phẩm mà ông làm ra; ông nghĩ rằng, những chiếc giỏ, chiếc mâm, chiếc nia…mai này sẽ trở thành những kỷ vật của gia đình do không có người tiếp nối.

Ông Lò Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương cho biết: Xã hiện có khoảng 40 hộ làm nghề đan lát, các sản phẩm làm ra chủ yếu được bà con mang ra chợ tiêu thụ. Giá của mỗi sản phẩm từ 60 -250 ngàn, cũng mang lại thu nhập cho các hộ làm nghề đan lát khoảng 3 triệu/tháng để cải thiện cuộc sống.

Đặc biệt, từ xu hướng vận động người dân sử dụng những vật dụng thân thiện với môi trường, là cơ hội cho những sản phẩm làm từ nguyên liệu tự nhiên được nhiều người tiêu dùng sử dụng. Như vậy nghề đan lát có thể phát huy trở lại, bà con sẽ có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn là bài toán khó, bởi Yên Khương là một địa phương nghèo, thiếu kinh phí để hỗ trợ nghề truyền thống phát triển.

Hiện nay, xã đang kỳ vọng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021-2025 đang triển khai thực hiện, trong đó có nhiều dự án, nội dung và mục tiêu để giải quyết các vấn đề khó khăn, thiết yếu phục vụ dân sinh của địa phương, trong đó có chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của đồng bào DTTS. 

"Mới đây, xã cũng đã phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của huyện mở lớp hướng dẫn nghề đan lát cho 35 học viên trên địa bàn. Đồng thời, động viên bà con, những người biết nghề cố gắng duy trì bảo tồn, lưu giữ những sản phẩm truyền thống độc đáo; quan tâm hơn nữa đến việc truyền nghề, dạy nghề cho con cháu và những người yêu thích nghề đan lát", ông Phó Chủ tịch xã chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục
Văn Lãng (Lạng Sơn): Học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

Văn Lãng (Lạng Sơn): Học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

Nhằm trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo, trong các ngày 29-30/11, Đoàn công tác của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã đến học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.