Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý theo Chương trình MTQG 1719: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Trọng Bảo - 11:22, 12/11/2023

Là một trong 8 vùng trồng dược liệu có thế mạnh của Việt Nam, tỉnh Lào Cai cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp. Theo đó, nguồn lực từ tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai tiểu dự án, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa giải ngân được nguồn vốn hỗ trợ này.

Bà con nông dân huyện vùng cao Si ma cai trồng cây Đương quy cho thu nhập cao
Bà con nông dân huyện vùng cao Si Ma Cai trồng cây đương quy cho thu nhập cao

Tiềm năng và cơ hội phát triển lớn

Những năm qua, xác định cây dược liệu là cây trồng mũi nhọn, tỉnh Lào Cai đã ban hành các quy hoạch, nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển sản xuất cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550 ha (gồm nhóm cây dược liệu lâu năm dưới tán rừng như sa nhân tím, hồi, chè dây, tam thất, giảo cổ lam...; Nhóm cây dược liệu hàng năm như atiso, đương quy, cát cánh, xuyên khung, chùa dù…).

Toàn tỉnh hiện có 210 ha (gồm 13 loại cây) dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP - WHO; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lương thực. 

Trên thực tế, tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn. Nguồn dược liệu của cộng đồng các dân tộc Lào Cai ngày càng được mở rộng, không chỉ cho thấy, giá trị của loại cây trồng này trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, mà còn chứng tỏ nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm dược liệu của Lào Cai ngày càng tăng cao.

Thị xã Sa Pa là một trong những địa phương trọng điểm của tỉnh Lào Cai trong phát triển cây trồng này. Hiện nay, địa phương có trên 200 héc ta cây dược liệu bao gồm: Atiso, sa nhân tím, đương quy, tía tô, chè dây và các loại cây dùng chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ… 

Theo kế hoạch số 284/KH-KHUB ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh Lào Cai về kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025 giao dự án hỗ trợ đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý, với tổng nguồn vốn trên 102 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn sự nghiệp gần 51 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương 27,7 tỷ đồng, vốn tín dụng dự kiến 22,6 tỷ đồng).

Việc trồng cây dược liệu đã và đang được nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai triển khai nhằm khai thác thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng
Việc trồng cây dược liệu đã và đang được nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai triển khai nhằm khai thác thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng

Giải ngân vốn bằng 0%

Ông Sùng Văn Lợi, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Sa Pa cho biết: Đơn vị được giao tiếp nhận dự án liên kết hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý từ Phòng Kinh tế huyện chuyển sang, với số vốn chuyển tiếp năm 2022 sang năm 2023 là 2.758 triệu đồng, vốn giao năm 2023 là 7.348 triệu đồng từ Chương trình MTQG 1719. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc giải ngân nguồn vốn đạt 0%.

Nguyên nhân việc khó giải ngân nguồn vốn thì có nhiều, nhưng tập trung ở một số khó khăn, đó là: Nội dung dự án triển khai rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau dẫn đến có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng lại chưa cụ thể. Văn bản này dẫn giải văn bản kia nên trong quá trình triển khai, chúng tôi phải vừa làm vừa nghiên cứu văn bản. 

Bên cạnh đó, dự án đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu thì đầu ra đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, một số loại cây dược liệu mà doanh nghiệp và người dân có nhu cầu sản xuất lớn như tía tô, ngải cứu, chè dây… thì lại không có trong danh mục 100 cây dược liệu của Bộ Y tế. Đối tượng tham gia dự án chủ yếu là đồng bào DTTS, nhận thức còn hạn chế nên việc triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn cũng như bảo đảm cam kết trong hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

"Đặc biệt, một số loại cây dược liệu có chu kỳ sản xuất thu hoạch sản phẩm thường kéo dài trên 3 năm, do vậy, việc đánh giá hiệu quả dự án giai đoạn 2021-2025 là rất khó", ông Sùng Văn Lợi thông tin thêm.

Công ty TNHH MTV TraphacoSapa là một trong những đơn vị tiêu thụ phần lớn nguồn dược liệu thô để sản xuất, tinh chế ra các sản phẩm có giá trị cao
Công ty TNHH MTV TraphacoSapa, là một trong những đơn vị tiêu thụ phần lớn nguồn dược liệu thô để sản xuất, tinh chế ra các sản phẩm có giá trị cao

Tỉnh Lào Cai cũng đã xác định, mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu dược liệu phải gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, đa dạng hoá các sản phẩm bảo đảm an toàn và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tới. Do vậy, nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững loại cây trồng này.

Tuy nhiên, với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đòi hỏi địa phương, các bộ ngành trung ương cần sớm tháo gỡ để phát huy tối đa nguồn lực, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp địa phương.

Theo đó, tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 5.000 ha. Phát triển tối thiểu 02 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu. Xây dựng thương hiệu 02 - 03 sản phẩm dược liệu và có thêm 03 - 05 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.