Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mục tiêu kép từ phát triển vùng dược liệu ở miền núi Quảng Nam

Tiêu Dao - 12:35, 26/06/2023

Với lợi thế về vùng trồng dược liệu đặc thù, Quảng Nam đang hướng tới xây dựng các vùng chuyên canh dược liệu nhằm cung cấp các sản phẩm cho thị trường, đồng thời gắn phát triển kinh tế với phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong nước và bạn bè quốc tế.

Một góc huyện Nam Trà My- nơi trồng cây dược liệu sâm Ngọc Linh nổi tiếng cả nước
Một góc huyện Nam Trà My - nơi trồng cây dược liệu sâm Ngọc Linh nổi tiếng cả nước

Phát triển vùng dược liệu chuyên canh

Quảng Nam có nhiều khu vực thuộc miền núi, tại các khu vực này đã hình thành nên các vùng dược liệu nổi tiếng. Nổi bật như ở huyện Nam Trà My, với cây sâm Ngọc Linh, quế Trà My, hay tại huyện Tây Giang với các loại dược liệu như sâm ba kích, đẳng sâm...

Ngoài cây sâm Ngọc Linh, Quảng Nam có hơn 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật có khả năng làm nguyên dược liệu. Đáng kể là ba kích, đẳng sâm, sa nhân, đương quy, giảo cổ lam… phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn. 

Tuy nhiên, trước sự cạn kiệt của nhiều loài dược liệu tự nhiên, Quảng Nam đã có một số cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Điển hình như tại huyện Nam Trà My, những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh và các sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh nhằm bảo vệ thương hiệu sản phẩm quốc gia. 

Theo đó, từ năm 2022 đến nay, huyện Nam Trà My tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng, tại trung tâm huyện nhằm cung cấp sản phẩm sâm Ngọc Linh chuẩn cho người tiêu dùng. Đồng thời, tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ, trao đổi giữa các hộ trồng sâm với các doanh nghiệp trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh… Mỗi phiên chợ cung cấp từ 20 - 50 kg sâm tươi cho khách hàng.

Các phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức hàng tháng tại huyện Nam Trà My, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương.
Các phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức hàng tháng tại huyện Nam Trà My, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương.

Cùng với Nam Trà My với loại sâm Ngọc Linh nổi tiếng, huyện Tây Giang cũng là địa phương có thế mạnh về cây dược liệu, với nhiều loài có giá trị kinh tế, như ba kích, đẳng sâm, cây sâm bảy lá một hoa, chè dây...

Theo định hướng đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành trung tâm giống sâm Ngọc Linh quốc gia, hằng năm sản xuất 5 - 10 triệu cây giống; có 50 - 100 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, dược liệu, chế biến sản phẩm; thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 - 4.000 USD/năm; có 50 - 100 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh xuất khẩu thị trường nước ngoài...

Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn thuộc Chương trình giảm nghèo, Chương trình nông thôn mới, nguồn khuyến khích từ Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh và Quyết định 2950/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tây Giang đã hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu trên tổng diện tích gần 1.475 ha.

Tây Giang phấn đấu đến năm 2025, sẽ nâng diện tích trồng cây dược liệu toàn huyện lên 2.500 ha, tạo thu nhập ổn định, phấn đấu đưa 1 - 2% hộ nghèo có tham gia liên kết trồng dược liệu thoát nghèo.

Bước đầu, Tây Giang đã hình thành 2 vùng chuyên canh cây dược liệu quy mô lớn là đẳng sâm và ba kích tím. Bên cạnh đó, từ thành công của kết quả nghiên cứu di thực cây sâm Ngọc Linh từ huyện Nam Trà My về xã Ch’Ơm vào năm 2004, huyện đề xuất tỉnh tiếp tục hỗ trợ di thực 1.000 cây sâm Ngọc Linh trồng tại Ch’Ơm.

Lãnh đạo huyện Nam Trà My thăm vùng ươm trồng cây dược liệu sâm Ngọc Linh
Lãnh đạo huyện Nam Trà My rất chú trọng xây dựng vùng ươm trồng cây dược liệu sâm Ngọc Linh

Phát triển du lịch vùng dược liệu

Với hơn 300 loài cây dược liệu khác nhau ở các vùng rừng núi trên địa bàn, Quảng Nam đã và đang có nhiều giải pháp bảo tồn và hướng đến phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân. Trong đó, du lịch vùng dược liệu đang được chính quyền địa phương quan tâm và thúc đẩy phát triển.

Hiện nay, mô hình trồng các vùng chuyên canh (rau, hoa, cây dược liệu quý, cây công nghiệp ngắn ngày…) nhằm cung cấp các sản phẩm sạch cho thị trường. Đồng thời, gắn phát triển kinh tế với phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp.

Nhiều du khách thích thú được trải nghiệm những cánh rừng nguyên sinh, các vườn sâm và cây dược liệu để khảo sát, tìm hiểu về sự đa dạng sinh học, quy trình và cách thức trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến các loại dược liệu.
Du khách thích thú khi được tham quan, tìm hiểu về những cánh rừng nguyên sinh, các vườn sâm và cây dược liệu tại nhiều địa phương ở Quảng Nam

Tại huyện Nam Trà My, nhận thấy phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu gắn với du lịch sinh thái, là tiềm năng để phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kinh phí, xây dựng 10 mô hình dược liệu và du lịch, tạo điều kiện cho người dân phát triển vùng dược liệu gắn với hoạt động du lịch.

Theo đó, từ năm 2016, huyện Nam Trà My đã triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương. Đề án dựa trên hình thức Nhà nước và người dân cùng làm; trong đó, huyện hỗ trợ và huy động tối đa nguồn lực của Nhân dân để phát triển các loại cây dược liệu thành sản xuất hàng hóa; tổ chức đào tạo đội ngũ làm dịch vụ phục vụ sản xuất; thu mua, chế biến, đóng gói, trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm các loại cây dược liệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Du khách tham quan trải nghiệm vùng trồng cây dược liệu để trải nghiệm cùng đồng bào DTTS cách chăm sóc cây
Du khách trải nghiệm cùng đồng bào DTTS cách trồng và chăm sóc cây dược liệu

Điều phấn khởi là, từ các phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng (trước kia là hàng năm) được tổ chức tại huyện, không chỉ mang về hàng chục tỷ đồng từ bán dược liệu, mà còn thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các vườn sâm, mang lại nguồn lợi kinh tế từ du lịch vùng dược liệu.

Cùng với các phiên chợ sâm, huyện Nam Trà My đã đầu tư, xây dựng nhiều điểm, cơ sở du lịch, nhà hàng, cơ sở lưu trú phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Trong đó, phải kể đến vườn sâm Ngọc Linh - Tắk Ngo. 

Vườn sâm này có diện tích hơn 70 ha tại thôn 1 và thôn 2 xã Trà Linh. Khi đến đây, du khách không chỉ được tham quan những dãy núi, thác suối đẹp, khám phá những khu rừng nguyên sinh, đi dưới tán rừng... mà còn được trải nghiệm quá trình phát triển của sâm Ngọc Linh qua từng giai đoạn, từ ươm giống đến khi trưởng thành. 

Du khách đến với vườn sâm Ngọc Linh - Tắk Ngo còn được cung cấp thông tin để có thể phân biệt được đâu là sâm Ngọc Linh thật, đâu là sâm giả.

Tỉnh Quảng Nam đang chú trọng phát triển du lịch sinh thái, hướng du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm đời sống, các nét truyền thống văn hóa độc đáo của đồng bào các DTTS tại địa phương.
Tỉnh Quảng Nam cũng chú trọng phát triển du lịch sinh thái, hướng du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm đời sống, các nét truyền thống văn hóa độc đáo của đồng bào các DTTS tại địa phương.

Bên cạnh phát triển dược liệu, huyện Nam Trà My cũng đã tập trung chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các trò chơi, trò diễn dân gian của đồng bào các dân tộc, xây dựng các điểm đến và quảng bá thương hiệu du lịch của huyện. Đây là cơ hội để huyện đầu tư, phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS tại địa phương.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang hướng đến việc, mời gọi doanh nghiệp du lịch đến đầu tư kinh doanh tại các vùng trồng dược liệu. Thông qua việc phát triển cây dược liệu, loại hình du lịch trải nghiệm sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho kinh tế địa phương và cũng là cầu nối đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh đến nhiều thị trường lớn trên thế giới.