Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chính sách bảo tồn ngôn ngữ người dân tộc thiểu số ở Thuỵ Điển

Duy Ly (theo sweden.se) - 09:50, 03/06/2022

Thuỵ Điển có 5 nhóm người dân tộc thiểu số là người Sami, người Do Thái, người Roma, người Swedish Finns và người Tornedalians. Trải qua các thời kỳ lịch sử, người thiểu số tại Thuỵ Điển hiện đã được công nhận và được đảm bảo những quyền lợi nhất định . Các dân tộc thiểu số có cơ hội duy trì và phát triển văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ của họ được bảo tồn và phát huy.

Trẻ em Sami trong trang phục truyền thống dân tộc mình
Trẻ em người Sami trong trang phục truyền thống dân tộc mình

Bảo đảm quyền  cho các dân tộc thiểu số

Năm 2000, Thụy Điển công nhận người Do Thái (và tiếng Yiddish), người Roma (và tiếng Romani), người Sami (và tiếng Sami), người Swedish Finns (và tiếng Phần Lan) và người Tornedalers (và tiếng Meänkieli) là những dân tộc thiểu số và ngôn ngữ thiểu số chính thức tại đây.

Điều này có liên quan đến việc Thụy Điển phê chuẩn Công ước Khung Châu Âu về Bảo vệ người thiểu số Quốc gia và Hiến chương Châu Âu về Ngôn ngữ của người thiểu số.

Để một ngôn ngữ trở thành ngôn ngữ dân tộc thiểu số chính thức ở Thụy Điển phải đáp ứng hai điều kiện đó là: Ngôn ngữ đó phải là ngôn ngữ chính; Ngôn ngữ đó không phải phương ngữ, không bị gián đoạn trong ít nhất ba thế hệ liên tiếp hoặc 100 năm.

Hiện nay, ở một số khu vực của Thụy Điển - nơi các ngôn ngữ như Sami, Phần Lan và Meänkieli với nguồn gốc lâu đời, người dân tại đây được phép sử dụng những ngôn ngữ này để giao dịch với các cơ quan hành chính và tòa án. Trẻ em của các nhóm dân tộc thiểu số ở Thụy Điển cũng có quyền được học và sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số của họ tại trường học.

Mục tiêu của Đạo luật ngôn ngữ thiểu số và dân tộc thiểu số của Thụy Điển (từ năm 2010) là bảo vệ và thúc đẩy các dân tộc thiểu số và ngôn ngữ của họ. Về cơ bản luật quy định một số điều sau: Quyền được thông tin của người thiểu số;  Quyền được bảo vệ văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số; Quyền tham gia và ảnh hưởng của người thiểu số.

Điều này có nghĩa là khi được yêu cầu, các cơ quan hành chính sẽ có nghĩa vụ thông báo cho người thiểu số biết về nhưng thông tin liên quan đến quyền của họ, giúp họ được thể hiện tiếng nói thực sự trước những vấn đề tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của mình. Khu vực công cũng có trách nhiệm nhất định trong việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ thiểu số, đồng thời hỗ trợ và thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Người Do Thái

Người Do Thái bắt đầu định cư ở Thụy Điển vào cuối thế kỷ 17. Vào thời kỳ đó, Thụy Điển đã yêu cầu người Do Thái cải đạo sang Cơ đốc giáo, cụ thể hơn là đạo Lutheranism. Năm 1774, một người đàn ông Do Thái tên là Aaron Isaac từ Đức đến Thụy Điển, anh trở thành người Do Thái đầu tiên được phép sống ở Thụy Điển mà không cần cải đạo. Isaac tiếp tục thành lập cộng đồng Do Thái đầu tiên ở Stockholm (thủ đô của Thuỵ Điển). Năm 1870, người Do Thái được trao đầy đủ các quyền công dân.

Trong thế kỷ 20, nhiều người Do Thái đến Thụy Điển từ Nga, Đức, Na Uy, Đan Mạch, Hungary, Tiệp Khắc cũ và Ba Lan. Năm 1951, Thụy Điển thực hiện quyền tự do tôn giáo, có nghĩa là người Do Thái không còn nhất thiết phải là thành viên của cộng đồng Do Thái tại đây nữa.

Người Roma

Người Roma đã sống ở Thụy Điển ít nhất từ ​​thế kỷ 16. Trong nhiều thế kỷ, người Roma đã phải chịu sự phân biệt đối xử một phần do các chính sách “gạt ra bên lề xã hội”.

Năm 2012, chính phủ Thụy Điển đưa ra một chiến lược dài hạn nhằm đạt được cơ hội bình đẳng cho người dân Roma vào năm 2032. Chiến lược này dựa trên quyền con người, đặc biệt tập trung vào nguyên tắc không phân biệt đối xử. Phụ nữ và trẻ em được ưu tiên hàng đầu.

Chiến lược bao gồm các mục tiêu và biện pháp trong một số lĩnh vực: giáo dục; việc làm; nhà ở; y tế, chăm sóc xã hội và an ninh; văn hóa, ngôn ngữ và tổ chức xã hội dân sự.

Người Roma sinh sống tai Thuỵ Điển đã hơn 100 năm
Người Roma sinh sống tai Thuỵ Điển đã hơn 100 năm

Người Sami

Người Sami tập trung ở phía bắc và đông bắc của Thụy Điển. Đây là dân tộc thiểu số sống trong khu vực có diện tích lớn nhất. Không chỉ là một dân tộc thiểu số chính thức, người Sami còn là một dân tộc bản địa, họ cũng sống ở một số quốc gia khác như Phần Lan, Na Uy và Nga. 

Giống như nhiều người bản địa khác, người Sami từ lâu đã bị áp bức và văn hóa của họ bị kìm hãm phát triển. Vào những năm 1950, người Sami bắt đầu tạo ảnh hưởng lên các chính sách của Thụy Điển bằng cách thành lập các hiệp hội để bảo vệ quyền của họ. Điều này phát triển cho đến khi Sami có được quốc hội của riêng là Sametinget (Nghị viện Sami) - với việc tổ chức các cuộc bầu cử đặc biệt bốn năm một lần.

Người Sami
Người Sami

Quốc hội Sami hoạt động với quyền tự quyết cao hơn và giải quyết các vấn đề liên quan đến săn bắn, đánh bắt cá, chăn nuôi tuần lộc, bồi thường thiệt hại do động vật ăn thịt gây ra, cũng như về ngôn ngữ và văn hóa của người Sami.

Hiện nay có bốn tổ chức chính thúc đẩy quyền dân tộc Sami đó là: Hội đồng Sami (Samerådet), hai liên đoàn quốc gia (RSÄ và SSR) và tổ chức thanh niên Sáminuorra.

Người Swedish Finns (người Phần Lan sống ở Thụy Điển)

Người Swedish Finns là người có gốc gác Phần Lan nhưng sống ở Thụy Điển, một dân tộc có hai nền văn hóa và hai ngôn ngữ. Họ cư trú chủ yếu ở phía đông bắc, dọc theo biên giới với Phần Lan, một số sống ở miền trung Thụy Điển. Mỗi cá nhân trong cộng đồng này sẽ tự xác định mình thuộc bộ phận nào của nhóm người thiểu số này.

Sự pha trộn dân số có lý do lịch sử. Sau các chiến dịch quân sự của Thụy Điển ở Phần Lan vào thế kỷ 13, Phần Lan dần nằm dưới sự cai trị của Thụy Điển. Quốc gia này chỉ được tách ra khỏi Thụy Điển vào năm 1809, với việc Thụy Điển trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến. Làn sóng di cư của Phần Lan đến Thụy Điển không dừng lại với sự chia cắt của hai quốc gia, vì ngay sau đó, Phần Lan bị Nga chiếm đóng. Thế chiến thứ hai đã dẫn đến việc di dời của khoảng 70.000 người Phần Lan đến Thụy Điển. Những năm 1950 và 1960 cũng chứng kiến ​​một lượng lớn người Phần Lan chuyển đến Thụy Điển, chủ yếu là để làm việc.

Người Tornedalers

Kể từ thời Trung cổ, tiếng Phần Lan đã là ngôn ngữ thống trị ở Thung lũng Torne, khu vực xung quanh sông Torne ở cực bắc Thụy Điển. Khi Thụy Điển và Phần Lan tách ra vào năm 1809, biên giới được vẽ dọc theo sông. Thung lũng Tây Torne đã trở thành nơi nói tiếng Thụy Điển và có dân cư Tornedalers nói tiếng Meänkieli.

Một ngôi làng của người Tornedalers
Một ngôi làng của người Tornedalers

Trong một thời gian dài, chính sách dân tộc thiểu số của Thụy Điển đã không cho phép học sinh Tornedaler nói ngôn ngữ của họ ở trường. Tình hình được cải thiện dần dần từ những năm 1960 trở đi. Kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2000, người Tornedalers đã có quyền sử dụng ngôn ngữ riêng của mình ở tất cả các thành phố trong khu vực Thung lũng Torne.

Theo ước tính, người Do Thái ở Thụy Điển có khoảng 20.000–25.000 người, người Roma là 50.000–100.000 người, người Sami  20.000–35.000 người, người Tornedalers khoảng 50.000 người, người Phần Lan Thụy Điển là dân tộc thiểu số lớn nhất ở Thụy Điển, với dân số khoảng 400.000 đến 600.000 người. 5 dân tộc thiểu số này chiếm khoảng 10% tổng dân số Thụy Điển.