Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Căng thẳng Nga-Ukraine đẩy giá dầu châu Á trên ngưỡng 100 USD/thùng

PV - 11:25, 25/02/2022

Giá dầu châu Á tăng mạnh trong phiên giao dịch chiều ngày 24/2 với giá dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng sau khi Nga tiến vào miền Đông Ukraine. Điều này làm trầm trọng thêm lo ngại rằng một cuộc chiến ở châu Âu có thể làm gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Căng thẳng Nga-Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ từ Nga. (Ảnh: AP)
Căng thẳng Nga-Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ từ Nga. (Ảnh: AP)

Nga là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, chủ yếu bán dầu thô cho các nhà máy lọc dầu ở châu Âu và là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, cung cấp khoảng 35% nguồn cung.

Giá dầu Brent tăng 6,34 USD (6,5%) lên 103,18 USD/thùng vào lúc 15 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) sau khi có lúc tăng vọt lên 103,78 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 14/8/2014.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 5,48 USD (6%) lên 97,58 USD/thùng, sau khi chạm 98,46 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 11/8/2014.

Giá dầu đã tăng hơn 20 USD mỗi thùng kể từ đầu năm 2022 do lo ngại Mỹ và châu Âu sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, qua đó làm gián đoạn nguồn cung năng lượng.

Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa Warren Patterson của ngân hàng ING với trụ sở chính tại Hà Lan, cho biết: “Tình hình không chắc chắn ngày càng tăng trong thời điểm thị trường dầu mỏ vốn đã thắt chặt khiến giá nhiên liệu càng không ổn định, khiến giá năng lượng có thể tiếp tục biến động và tăng cao.”

Trong khi vẫn chưa có các biện pháp trừng phạt nào đối với thương mại năng lượng, nhiều quốc gia phương Tây và Nhật Bản ngày 23/2 tiến hành các biện pháp trừng phạt mới và đe dọa sẽ tiến xa hơn nữa nếu Nga tấn công Ukraine.

Chuyên gia kinh tế Howie Lee của ngân hàng OCBC (Singapore) cho biết: “Không chỉ rủi ro địa chính trị mà vấn đề còn là khiến nguồn cung căng thẳng hơn nữa. Nguồn cung dầu của Nga sẽ biến mất chỉ sau một đêm nếu đối mặt với các lệnh trừng phạt... và OPEC không thể sản xuất đủ nhanh để bù đắp lỗ hổng này."

Trong khi đó, một số nước thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho hay trong tuần này không cần OPEC và các đồng minh tăng sản lượng hơn nữa, bởi thỏa thuận tiềm năng giữa Iran và các cường quốc trên thế giới về chương trình hạt nhân sẽ làm tăng nguồn cung.

Tuy nhiên, một số thành viên OPEC đang gặp khó khăn để đạt được các mục tiêu khai thác hiện tại.

Chuyên gia kinh tế Frederic Neumann của ngân hàng HSBC nhận định: “Giá dầu tăng vọt đi vào thời điểm đặc biệt khó khăn. Điểm yếu của châu Á vẫn là nhu cầu nhập khẩu lượng lớn năng lượng, với giá dầu tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập và tăng trưởng trong năm tới.”

Giá dầu Brent kỳ hạn đã tăng hơn 60 USD từ mức thấp dưới 20 USD/thùng vào năm 2020 giữa bối cảnh các lệnh phong tỏa tiến hành trên thế giới nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19.

Giá dầu Brent theo đường cong giá dự kiến vẫn sẽ duy trì trên 80 USD/thùng cho đến hết năm 2023./.