Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Biểu tượng tín ngưỡng trong di sản phi vật thể của đồng bào DTTS

Cù Hương - Khánh Thư - 18:28, 10/12/2023

Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tổ chức các hoạt động quảng bá 2 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS đã được UNESCO vinh danh là "Nghệ thuật Xòe Thái" và “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”. Tuy nhiên, để công tác quảng bá đạt hiệu quả thì cần truyền tải đầy đủ những giá trị nổi bật của các di sản, nhất là hiểu rõ biểu tượng tín ngưỡng trong mỗi di sản.

Xòe là cách đồng bào dân tộc Thái gắn kết con người với con người, con người với trời đất.
Xòe là cách đồng bào dân tộc Thái gắn kết con người với con người, con người với trời đất.

Biểu tượng từ những điệu múa

Hơn một năm trước (ngày 24/9/2022), tỉnh Yên Bái phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, sau “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”, Việt Nam có thêm 01 di sản văn hóa phi vật của đồng bào DTTS được UNESCO vinh danh.

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, Xòe là cách đồng bào dân tộc Thái gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động, đầy lãng mạn nhưng cũng đậm tính xã hội. Những điệu Xòe không khác gì một xã hội thu nhỏ của dân tộc Thái, phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào.

Theo PGS.TS Đặng Hoành Loan (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), có 3 không gian trình diễn xòe chính, gắn liền với đó là 3 loại xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe biểu diễn. Trong đó, Xòe nghi lễ gắn liền với then, là loại hình Xòe ra đời sớm và có quy mô nghệ thuật chuyên nghiệp nhất; Xòe vòng cũng bắt nguồn từ then nhưng đã được “thoát ly” khỏi không gian thiêng và trở nên phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng. Còn Xòe biểu diễn ra đời khi xã hội Thái hình thành tầng lớp quý tộc, các địa phương đã tổ chức đội xòe chuyên nghiệp để biểu diễn trong các dịp trọng đại.

Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS và miền núi được tổ chức ngày 1/12/2023 tại Hà Nội.
Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS và miền núi được tổ chức ngày 1/12/2023 tại Hà Nội.

Đi vào nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng, Gs.Ts. Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, đồng bào dân tộc Thái dùng Xòe như một phương tiện để thực hành trong tín ngưỡng cúng Giàng, tiễn đưa linh hồn về trời hay đón linh hồn nhập về chứng kiến tấm lòng hiếu thảo của con cháu trong những ngày giỗ chạp. Đồng thời, đồng bào thực hiện Xòe trong những nghi lễ cúng lúa mới, cúng vòng đời; hay như ở Vân Hồ (Sơn La), Xòe còn được thực hiện trong cả tang ma.

“Chúng tôi thấy Xòe Thái chứa đựng rất nhiều biểu tượng thông qua các hành vi múa. Khi xem Xòe Thái về múa khăn chẳng hạn, cô gái Thái mà cầm khăn vắt chéo là tượng trưng cho mái chèo và động tác múa tay chèo thuyền là để tiễn đưa linh hồn về thượng giới; khăn bắt chéo ngược lại là để đón các thần linh về chứng giám tấm lòng thành của con cháu; nếu cô gái cầm khăn quay như đánh roi ngựa thì đó chính là đang giong ngựa để đón linh hồn…”, Gs.Ts Bùi Quang Thanh dẫn chứng.

Thông điệp từ âm thanh

Gs.Ts Bùi Quang Thanh cho rằng, giá trị nổi bật của Xòe là thể hiện được bản sắc dân tộc Thái cùng sự cố kết cộng đồng trong quá trình Xòe (nắm tay, sát cánh bên nhau, đoàn kết chặt chẽ…). Đồng thời, Xòe cũng khuyến khích sự đối thoại, trò chuyện giữa các cá nhân, cộng đồng, các dân tộc, thể hiện sự tôn trọng nhau và tính nhân văn.

“Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” được giới thiệu tối 1/12/2023 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (số 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
“Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” được giới thiệu tối 1/12/2023 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (số 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Ngoài “Nghệ thuật Xòe Thái”, năm 2005, UNESCO đã công nhận “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại; năm 2008, di sản này được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cồng chiêng được sử dụng nhiều và tập trung nhất trong lễ cúng ăn trâu và tang ma. Ngày nay, Cồng chiêng còn được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa đời thường.

Biểu tượng tín ngưỡng trong di sản phi vật thể của đồng bào DTTS 3

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, là nhạc cụ mang sức mạnh thiêng liêng, cồng chiêng Tây Nguyên được sử dụng trong những nghi lễ quan trọng của cộng đồng. Tiếng cồng chiêng vang vọng khắp đất trời gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của con người đến với thần linh, đến với vùng đất thiêng nơi đại ngàn. Nhưng điều quan trọng là, khi cồng chiêng được diễn tấu, người nghe/thưởng thức không chỉ dừng lại ở mức cảm nhận riêng âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu của nó theo tư duy âm nhạc, mà phải hiểu thêm đằng sau đó “tiếng chiêng nói gì” và mang ý nghĩa thông báo ra sao với cộng đồng.

Vì thế, một khi tiếng chiêng ngân lên ở một không gian cụ thể, đồng bào Tây Nguyên hiểu ra ở đó đang diễn ra việc gì, là lễ mừng lúa mới, cúng người chết, bỏ mả, lễ thổi tai cho đứa trẻ hay đón khách xa về… Tất cả đều được các cộng đồng DTTS ở Tây Nguyên “mã hóa” trong từng tiếng chiêng của mình. Chính sự độc đáo và đặc sắc này nên UNESCO mới công nhận “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những biểu tượng tín ngưỡng trong 02 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã và đang được các nhà nghiên cứu “giải mã”. Đây là định hướng để các cấp quản lý, chính quyền các địa phương thực hiện các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Mới đây nhất, ngày 1/12/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) đã tổ chức Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chương trình nhằm truyền tải tới công chúng câu chuyện về 02 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS là “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” và “Nghệ thuật Xòe Thái”. Đây là hoạt động nhằm triển khai nhiệm vụ thuộc Dự án 6 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Theo ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, để tổ chức chương trình, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan, nhất là các chuyên gia, nghệ nhân đến từ các lĩnh vực văn hóa, di sản, giáo dục, du lịch… với mong muốn truyền tải một cách tốt nhất những giá trị nổi bật của 02 di sản văn hóa phi vật thể. Tại chương trình, công chúng không chỉ được giới thiệu, thưởng thức các tiết mục trình diễn mà còn được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nghệ nhân thực hành di sản chia sẻ những giá trị nổi bật của từng di sản.

Trong 3 năm 2019, 2020, 2022, Việt Nam đã vinh dự được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”. Với việc triển khai Dự án 6 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, các di sản của đồng bào các DTTS có nhiều cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống nhằm phát triển du lịch.