Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tổ chức trưng bày Di sản văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xoè Thái

Cát Tường - 09:05, 27/11/2023

Ngày 1/12, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội sẽ diễn ra “Chương trình trưng bày Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Chương trình sẽ mang đến Không gian trưng bày Di sản Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nghệ thuật Xòe Thái, các gian hàng xúc tiến quảng bá du lịch vùng dân tộc thiểu số... đặc sắc.

Nghệ thuật xòe thái
Nghệ thuật xòe thái.

Chương trình do Trung tâm Thông tin Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thực hiện. Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Không gian trưng bày Di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật xòe Thái; các gian hàng xúc tiến quảng bá du lịch vùng dân tộc thiểu số, cung cấp thông tin du lịch và giới thiệu sản phẩm du lịch; giao lưu trải nghiệm ẩm thực đặc sắc địa phương…Đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), cũng là nhiệm vụ nằm trong khuôn khổ Dự án 6 - Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại từ ngày 25/11/ 2005. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bahnar, Jrai, Xê Đăng, M’nông, C’ho, Ê Đê...

Còn nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Tiêu biểu ở các huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên; huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ ngày 13 đến 18/12/2021 tại Paris (Pháp), hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với 48 hồ sơ khác.

Cồng chiêng Tây Nguyên
Cồng chiêng Tây Nguyên.

Di sản không chỉ phản ánh bề dày lịch sử văn hóa, mà còn còn đóng vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội, tạo nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Bằng chứng là nhiều di sản sau khi được xếp hạng, ghi danh đã trở thành tài nguyên đặc sắc của du lịch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế địa phương, tạo nhiều sinh kế cho cộng đồng.

Nhân Ngày Di sản văn hóa 23/11, Trung tâm Thông tin du lịch ra mắt video clip quảng bá cho trưng bày di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Video clip có độ dài 30 giây mang đến cho du khách hình ảnh về miền Tây Bắc huyền thoại, với những thửa ruộng bậc thang chín vàng đang ôm ấp núi rừng trùng điệp, bao bọc lấy những bản làng trù phú của đồng bào nơi đây. Đặc biệt, trong không gian hùng vĩ thơ mộng, nổi bật lên là Nghệ thuật Xòe Thái - tinh hoa văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Năm 2021, Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện Nhân loại - là niềm tự hào và là dịp quảng bá văn hóa Việt ra cộng đồng quốc tế.

Rời vùng núi Tây Bắc huyền bí, du khách sẽ đến với Tây Nguyên - mảnh đất đại ngàn chan hòa nắng gió được biết đến là xứ sở của không gian văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Rơ Mâm, Mạ… là một phần không thể thiếu trong suốt các nghi lễ vòng đời mỗi con người và trong các sự kiện quan trọng của cộng đồng bản địa.

Tính đến tháng 4/2023, có 676 di sản văn hóa phi vật thể của 140 quốc gia, vùng lãnh thổ được UNESCO ghi danh. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có số di sản nhiều nhất được vinh danh, với 15 di sản.