Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo vệ rừng từ chính sách cho người nhận khoán: Băn khoăn tiêu chí để nhận trợ cấp gạo (Bài 3)

Cù Hương - Sỹ Hào - 15:05, 19/11/2023

Trợ cấp gạo là một chính sách hỗ trợ người nhận khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do khó xác định được tiêu chí cũng như thuật ngữ trong hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nên việc triển khai trong thực tế gặp khó khăn.

Chính sách trợ cấp gạo tạo thêm động lực để người dân yên tâm bảo vệ rừng trong thời gian chờ nhận kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng. (Ảnh minh họa)
Chính sách trợ cấp gạo tạo thêm động lực để người dân yên tâm bảo vệ rừng trong thời gian chờ nhận kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng. (Ảnh minh họa)

Khó xác định đối tượng thụ hưởng

Quảng Ngãi là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 xếp thứ 3 vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Tính đến ngày 31/7/2023, tỉnh đã giải ngân hơn 337,3 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển, đạt 62,2% kế hoạch vốn trong cả 2 năm (2022 và 2023).

Tuy nhiên, vốn sự nghiệp tỉnh chỉ mới giải ngân được 44,2 tỷ đồng, đạt 8,37%. Một trong những nguồn chi sự nghiệp khó giải ngân của tỉnh là vốn thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, nhất là thực hiện nội dung hỗ trợ gạo cho hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ dân tộc Kinh nghèo có tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực.

Trong 2 năm (2022 và 2023), tỉnh phân bổ gần 113 tỷ đồng thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, nhưng hiện vẫn chưa thể thực hiện nội dung trợ cấp gạo do vướng mắc về việc xác định đối tượng.

Ngày 26/9/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc họp để nghe và lấy ý kiến về dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định trợ cấp gạo. Tuy nhiên, sau khi nghe ý kiến của các sở, ban, ngành và địa phương, dự thảo Quyết định vẫn còn một số nội dung chưa thống nhất, ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở NN&PTNT tiếp tục lấy ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan và địa phương để đảm bảo tính thống nhất, đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh Quảng Bình xác định hộ chưa tự túc được lương thực là hộ tính đến thời điểm rà soát có nguồn dự trữ lương thực, dự trữ bằng tiền, giá trị hàng hóa có thể bán được để mua lương thực tính bình quân dưới 15 kg gạo/khẩu/tháng. (Trong ảnh: Một góc bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)
Tỉnh Quảng Bình xác định hộ chưa tự túc được lương thực là hộ tính đến thời điểm rà soát có nguồn dự trữ lương thực, dự trữ bằng tiền, giá trị hàng hóa có thể bán được để mua lương thực tính bình quân dưới 15 kg gạo/khẩu/tháng. (Trong ảnh: Một góc bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)

Trước đó, ngày 2/12/2022, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn số 4443/SNNPTNT-KHTC gửi Bộ NN&PTNT để hướng dẫn tiêu chí xác định “Hộ nghèo chưa tự túc được lương thực”. Trong Công văn, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, do không xác định được “Hộ nghèo chưa tự túc được lương thực” nên tỉnh chưa thể triển khai chính sách trợ gấp gạo trong hoạt động khoán bảo vệ rừng.

“Tỉnh đã rà soát các văn bản hướng dẫn của Trung ương gồm: Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 và Thông tư số 07/2021/TT- BLĐTBXH, ngày 18/7/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 và mẫu biểu báo cáo.

Theo đó, những nội dung quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đều không có nội dung nào hướng dẫn liên quan đến việc xác định hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực”, Công văn của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1 – Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719 góp phần bảo vệ, phát triển rừng. (Tronh ảnh: Đồng bào DTTS xã Đông Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh trồng dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn)
Thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1 – Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719 góp phần bảo vệ, phát triển rừng. (Tronh ảnh: Đồng bào DTTS xã Đông Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh trồng dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn)

Phúc đáp chưa rõ ràng

Ngày 23/3/2023, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 1755/BNN-TCLN trả lời kiến nghị của các địa phương liên quan đến những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, trong đó có kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, trong Công văn số 1755/BNN-TCLN, Bộ NN&PTNT dẫn lại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP và Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT để xác định đối tượng được nhận trợ cấp gạo; nhưng tiêu chí nhận diện “Hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực” thì chưa được làm rõ.

“Đối tượng được trợ cấp là hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo có tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch UBND cấp tỉnh xác định cụ thể đối tượng hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực”, Bộ NN&PTNT trả lời trong Công văn số 1755/BNN-TCLN.

Về xác định thời gian chưa tự túc được lương thực, Bộ NN&PTNT để nghị Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi dựa trên cơ sở các quy định về chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội; tiêu chí xác định, chỉ tiêu thống kê về hộ nghèo, hộ thiếu đói; các điều kiện thực tế tại địa phương, điều kiện thực tiễn sản xuất nông nghiệp, mùa vụ sản xuất của địa phương; mức độ thiếu hụt lương thực của các hộ gia đình trong thời kỳ giáp hạt, thời gian không chính vụ; tình hình đời sống thực tế của các hộ gia đình tại địa phương,…

Đời sống của người dân miền núi còn nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Một góc trung tâm xã Trà Khê, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi)
Đời sống của người dân miền núi còn nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Một góc trung tâm xã Trà Khê, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi)

“Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi tham mưu, trình UBND tỉnh về thời gian cần phải hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình người Kinh nghèo, hộ gia đình đồng bào DTTS tham gia bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ- CP, Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT và các quy định hiện hành”, Công văn trả lời của Bộ NN&PTNT nêu.

Do phúc đáp của Bộ NN&PTNT vẫn chung chung, nên đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa thống nhất ban hành được Quyết định quy định trợ cấp gạo trong quá trình triển khai chính sách khoản bảo vệ rừng.

Không riêng Quảng Ngãi mà ở nhiều địa phương, việc triển khai chính sách này rất chậm, hoặc chưa thực hiện. Gần đây nhất, có tỉnh Quảng Bình bắt đầu triển khai khi UBND tỉnh này ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 31/10/2023 về việc trợ cấp gạo thực hiện bảo vệ và phát triển rừng.

Một điểm đáng lưu ý là, trong Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình đã làm rõ nội hàm “Hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực”. Theo đó, bên cạnh xác định đối tượng thụ hưởng chính sách trợ cấp gạo theo Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, thì UBND tỉnh Quảng Bình quy định: “Hộ chưa tự túc được lương thực là hộ tính đến thời điểm rà soát có nguồn dự trữ lương thực, dự trữ bằng tiền, giá trị hàng hóa có thể bán được để mua lương thực tính bình quân dưới 15 kg gạo/khẩu/tháng”.

Nội hàm về “hộ chưa tự túc được lương thực” theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình có giá trị để các địa phương tham khảo trong việc xây dựng, ban hành quyết định thực hiện chính sách trợ cấp gạo. Quan trọng hơn, việc triển khai chính sách sớm sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thêm động lực để người dân yên tâm bảo vệ rừng trong thời gian chờ nhận kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng - dù thấp, nhưng cũng là một phần thu nhập của hộ gia đình dân tộc Kinh nghèo, hộ đồng bào DTTS ở các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi.