Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ thuật sân khấu Dù kê: Chỉ có tâm huyết không thể bảo tồn

PV - 14:58, 27/04/2018

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) vừa qua, Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng đã giới thiệu đến công chúng nghệ thuật sân khấu Dù kê tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer-Nam bộ.

Trong đợt giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Khmer tại “Ngôi nhà chung” lần này, Đoàn Nghệ thuật Khmer, tỉnh Sóc Trăng đã biểu diễn vở Dù kê nổi tiếng “Preah Riêm và nàng Xê Đa”. Tác phẩm dựa theo cốt truyện Riêm kê-truyện anh hùng ca của văn học Khmer ca ngợi giá trị nhân văn cao cả, được thể hiện qua các nhân vật chính như: Preah Riêm và Xê Đa. Câu chuyện phát triển xung quanh mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, được thể hiện trong mối quan hệ đối kháng giữa người và chằn.

Nhìn vào trang phục và cách hóa trang, người xem có thể phân biệt được nhân vật thiện và ác. Nhìn vào trang phục và cách hóa trang, người xem có thể phân biệt được nhân vật thiện và ác.

 

Theo ông Thạch Chăm Rơn, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, sân khấu Dù kê có cả một kho tàng đề tài, nội dung kịch bản rất phong phú, mang tính giáo dục sâu sắc. Các vở Dù kê thường thể hiện lại truyền thuyết, huyền thoại của dân tộc Khmer như: “Linh-thôn”, “Sac-kinh-ni”... được rút ra từ các trường ca của Ấn Độ: “Ramayana” và “Mahabharada”; những điển tích, truyền thuyết của các dân tộc anh em như: “Thạch Sanh chém chằn”, “Tấm Cám”... của người Kinh, “Trụ vương mê Đắc Kỷ”, “Tam Tạng thỉnh kinh”, “Phàn Lê Huê-Tiết Đinh San”... của người Hoa. Thông qua cách thể hiện, diễn xuất của các nghệ sĩ, những nhân vật điển hình được tái hiện nhằm phản ánh bức tranh xã hội hiện thực, cuốn hút người xem, có lúc cảm giác như đang hòa mình cùng nhân vật trên sân khấu.

Nội dung các vở diễn Dù kê còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đó là sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, biết nương tựa vào nhau đuổi tà, diệt ác để có cuộc sống hạnh phúc.

Trong các vở diễn Dù kê, các diễn viên dùng trang phục để hóa trang thành các nhân vật có tính ước lệ cao. Với các diễn viên nữ chỉ cần một tấm vải choàng rộng chừng 6m là có thể tạo ra nhiều kiểu trang phục khác nhau, cổ tay và cổ chân đều đeo vòng. Còn diễn viên nam khi nhập vai hoàng tử thì đầu đội vương miện có gắn 2 lông cò, người Khmer gọi là lông ma. Còn diễn viên vào vai phù thủy thì đội vương miện thấp hơn, nhưng dưới vương miện có đội một khăn tròn và được vẽ hình cánh bướm có răng nanh. Những công nương thì mặc áo tròn màu đen và đeo nhiều hạt cườm. Chính vì vậy, chỉ cần nhìn cách hóa trang là khán giả nhận ngay nhân vật thuộc thiện hay ác.

Nói về loại hình nghệ thuật sân khấu sân khấu Dù kê, Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung, Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Học biểu diễn Dù kê không dễ, vì người thể hiện phải có năng khiếu về ca múa, cảm thụ văn học và diễn xuất. Người theo nghề phải có niềm đam mê mãnh liệt với sân khấu truyền thống của dân tộc mình. Đội ngũ sáng tác cho sân khấu Dù kê hiện nay cũng không còn nhiều. Đây là loại hình tổng hợp nên người viết kịch phải có trình độ cao, am hiểu nghệ thuật biểu diễn Dù kê. Thế nhưng hiện nay, công tác đào tạo nhân lực cho nghệ thuật Khmer chủ yếu dựa vào việc truyền nghề tại các đoàn nên không theo sát được tốc độ phát triển của nhịp sống đương đại”.

Hiện nay, cũng như các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống khác, nghệ thuật Dù kê cũng gặp nhiều khó khăn vì ít người bỏ tiền ra mua vé đi xem như vài chục năm trước. Do đó, các diễn viên trong đoàn nghệ thuật khó sống được bằng nghề. Anh Thạch Chăm Rơn, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hằng năm, vào các dịp lễ, tết của đồng bào Khmer, Đoàn Dù kê tỉnh Sóc Trăng vẫn đi diễn tại nhiều ngôi chùa và được bà con đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên, để có được nguồn thu thường xuyên, ổn định cho các diễn viên sống được bằng nghề biểu diễn nghệ thuật Dù kê, đó là điều vô cùng khó khăn trong cơ chế mở hiện nay.

Trải qua gần 1 thế kỷ hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer-Nam bộ đã trở thành món ăn tinh thần trong đời sống nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam. Để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Dù kê nói riêng, các đoàn nghệ thuật Dù kê vẫn rất cần sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ kinh phí của các cấp, các ngành từ công tác bảo tồn đến phát huy để tôn vinh giá trị của nghệ thuật Dù kê nói riêng và nghệ thuật Khmer Nam bộ nói chung.

HỒNG MINH