Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ thuật Rô băm Khmer trở lại phục vụ cộng đồng

PV - 10:15, 11/12/2021

Nghệ thuật sân khấu Rô băm của dân tộc Khmer vốn là thể loại kịch múa cung đình của người Khmer xưa, từng phát triển rực rỡ và chi phối đến đời sống tinh thần, tín ngưỡng của họ. Mới đây, trong Tuần lễ “Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” tháng 11-2021, các nghệ nhân Rô băm người Khmer đã có dịp biểu diễn và giao lưu với công chúng về loại hình nghệ thuật còn ít người biết đến này.

Nghệ nhân Lâm Thị Hương và gia đình biểu diễn kịch múa Rô băm đánh chằn tinh tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (tháng 11-2021). Ảnh: TTH
Nghệ nhân Lâm Thị Hương và gia đình biểu diễn kịch múa Rô băm đánh chằn tinh tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (tháng 11-2021). Ảnh: TTH

Nghệ nhân Lâm Thị Hương rạng rỡ trong vai diễn múa đánh chằn - một điệu múa Rô băm truyền thống đã trở thành di sản phi vật thể quốc gia. Trang phục của nhân vật sặc sỡ và chau chuốt tỉ mỉ với chi tiết hình khối và hoa văn đặc trưng của dân tộc Khmer. Bản thân nghệ nhân Lâm Thị Hương là một nghệ sĩ Rô băm xuất thân ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Bà cũng là trưởng đoàn nghệ thuật Rô băm của Bưng Chông, một đoàn nghệ thuật hết sức đặc biệt ở chỗ phát triển theo kết cấu dòng tộc, gia đình. Cũng chính đoàn nghệ thuật này đại diện tiêu biểu trình diễn thuyết phục để nghệ thuật Rô - băm trở thành di sản phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân Lâm Thị Hương cho biết, bà đã hơn 60 tuổi đời và suốt cuộc đời bà say mê với nghệ thuật Rô băm đến mức điệu múa sân khấu này ăn sâu vào tiềm thức của bà. Bà chỉ muốn nhiều người biết đến nó, sức lan tỏa rộng hơn, để Rô băm chiếm lĩnh sân khấu, chiếm lĩnh tâm hồn và đời sống đồng bào Khmer như khi xưa mỗi kỳ lễ hội, tết đón năm mới, tết truyền thống, tết dâng y, dâng hoa, Tết Sen - đôn - ta đều không thể thiếu điệu múa Rô băm tưng bừng. 

Điều đặc biệt là nghệ nhân Lâm Thị Hương cùng cả gia đình mình đã duy trì được đoàn nghệ thuật quy mô dòng tộc của mình gần như cả đời người. Bà là nghệ nhân thứ sáu trong gia tộc có truyền thống múa cung đình sân khấu, nắm giữ tinh túy của nghệ thuật kịch hát Rô băm được truyền lại hết đời này qua đời khác trong vòng hơn 100 năm qua.

Thể loại kịch múa sân khấu có đeo mặt nạ, có dàn nhạc đệm dân ca cổ điển phát triển rực rỡ vào thập niên từ 60 đến 80 của thế kỷ XX. Đã có thời Rô băm nổi bật đến độ cứ nhắc đến dân tộc Khmer là gắn liền với hình ảnh kịch múa sân khấu cổ điển với hình ảnh của Khỉ hanuman, chằn tinh, chim thần, phượng hoàng, rắn... Sân khấu Rô băm dùng ngôn ngữ hình thể của diễn viên trong các điệu múa để diễn lại các điển tích, là tổ hợp nghệ thuật của trang phục, múa, hát, dàn nhạc cụ, kịch bản cổ, dàn dựng sân khấu, mặt nạ... Các điển tích này lại xuất phát từ chuyện thần thoại, truyền thuyết, dã sử của người Khmer theo đạo Phật, đạo Bà-la-môn của người Khmer xưa.

Nghệ thuật Rô băm dùng chính sân khấu để duy trì và truyền lại những triết lý về tôn giáo, giáo dục và đạo lý của đồng bào Khmer. Loại hình nghệ thuật này cũng chính là sản phẩm của trí tuệ, là mảng văn hóa đặc sắc, rực rỡ và riêng có của người Khmer. Kịch múa Rô băm phân chia rõ thiện - ác, trắng - đen, nhân vật đeo mặt nạ là vai ác, vai phản diện, nhân vật không đeo mặt nạ là vai thiện lành mang sứ mệnh chống lại cái ác. Lời thoại cổ trên sân khấu Rô băm thường khó hiểu vì kịch bản diễn cổ dành cho tầng lớp quý tộc.

Trên sâu khấu, các diễn viên không chỉ múa, hát, thoại mà còn biểu diễn hình khối, động tác tay chân đẹp mắt, mỹ thuật và tạo hình đi liền nhau. Ngoài mặt nạ có quy ước riêng, trang phục trên sân khấu của các nhân vật cũng được quy định riêng cho yếm, khăn cổ, yếm trước bụng và sau lưng, bao chân, bao tay có thêu thùa chỉ ngũ sắc, đắp vải trang trí độc đáo. Ngay cả việc chọn thần thái nghệ nhân cho nhân vật phù hợp cũng là nghệ thuật bí truyền của đoàn nghệ thuật. Chỉ cần sai lệch đi thì người xem sẽ nhận ra ngay trật tự có xô lệch, mất hồn cốt và tinh thần của vở kịch múa.

Mặc dù khó và không phải là một bộ môn nghệ thuật phổ thông, dễ học và dễ truyền dạy nhưng nghệ nhân Lâm Thị Hương cùng gia đình đã duy trì biểu diễn nhiều thập kỷ qua. Bà cởi mở và sẵn sàng giao lưu với khán giả để giải đáp các câu hỏi tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này. Trên thực tế, các ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ đều bảo trợ cho các đoàn nghệ thuật hoạt động riêng trong chùa. Khi nào có lễ hội và tết dâng y và dâng hoa thì biểu diễn để bà con cùng xem. Tại các vùng có nhiều đồng bào Khmer sinh sống thì các dòng họ lớn đều có riêng đoàn nghệ thuật. Thành viên của đoàn là con em trong dòng họ, gia đình. Những năm gần đây, đời sống bà con dần phát triển, Rô băm trở lại phục vụ cộng đồng. Các dòng họ thuê mướn thầy dạy tốt, các nghệ nhân về để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Các đoàn kịch múa Rô băm đều được trẻ hóa gồm toàn các thanh thiếu niên. Vào ngày hội lớn, các dòng tộc nổi trống hội và biểu diễn phục vụ bà con chòm xóm, ngay trong phum sóc của mình.

Rô băm rất dễ trở thành một loại kịch múa đường phố để tạo nên không khí lễ hội. Và sự thật thì tại các ngôi chùa, Rô băm đã từ cung đình bước ra sân khấu ngoài trời. Sự dân gian hóa, biến chuyển của loại hình nghệ thuật này xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng một cách tự nhiên. Hơn nữa loại hình nghệ thuật này còn trở thành đặc sản văn hóa độc đáo của một dân tộc có đặc tính cư trú vùng đồng bằng như đồng bào Khmer.

Nghệ thuật Rô băm đã có sự trở lại mạnh mẽ để phục vụ cộng đồng, lan rộng ra trong đời sống của các khu dân cư, vỗ về tinh thần và niềm tin tôn giáo của người Khmer. Đạo lý thiện thắng ác, ánh sáng luôn đẩy lùi bóng tối và thế lực hắc ám luôn sẽ bị tiêu diệt thấm sâu vào đời sống cộng đồng những người Khmer theo đạo Phật. Đó là sự kì diệu của nghệ thuật Rô băm, không chỉ là điệu múa đơn thuần./.