Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

166 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, nhiều bệnh nhân Ấn Độ bị nhiễm "nấm đen"

PV - 12:24, 22/05/2021

Tính đến sáng nay, thế giới ghi nhận 166 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3,4 triệu ca tử vong.

Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mogadishu, Somalia. Ảnh: THX/ TTXVN
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mogadishu, Somalia. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 34 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 587.314 ca, tử vong tăng 11.769 ca. Trong số 587.314 ca, Châu Âu tăng 70.717 ca; Bắc Mỹ tăng 32.853 ca; Nam Mỹ tăng 134.523 ca; Châu Á tăng 351.261 ca; Châu Phi 7.950 và Châu Đại Dương tăng 10 ca.

Ấn Độ hiện đứng thứ hai sau Mỹ với 26.217.125 ca nhiễm và 293.418 ca tử vong. Đáng chú ý, "tâm dịch" Ấn Độ hiện nay đang phải đối mặt với mối đe dọa mới trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 120.000 người chỉ trong 6 tuần qua. Nhà chức trách một số bang tại nước này đã phải kích hoạt các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với tình trạng gia tăng các ca nhiễm nấm mucormycosis (nấm đen) ở những bệnh nhân COVID-19.

Thông thường quốc gia Nam Á này ghi nhận chưa đến 20 ca bệnh "nấm đen" trong vòng một năm, nhưng hiện nay số ca mắc bệnh này tăng đột biến. Các bang Gujarat và Telangana thông báo xuất hiện dịch "nấm đen", trong khi thủ đô New Delhi và các thành phố lớn khác đã phải mở các khu điều trị đặc biệt cho hàng nghìn ca mắc bệnh này. Tuy các cơ quan chức năng chưa xác nhận số ca tử vong cụ thể nhưng trung bình tỷ lệ tử vong vì nhiễm bệnh "nấm đen" trong vài ngày qua ở Ấn Độ được cho là lên tới 50%. Các bác sĩ cho rằng việc sử dụng steriod liều cao để điều trị COVID-19 là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh "nấm đen". Trong khi đó, các ý kiến khác nhận định điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại một số bệnh viện và việc các bệnh nhân sử dụng chung đường dẫn oxy là "điều kiện lý tưởng" để nấm đen lây lan.

Brazil - quốc gia chịu ảnh hưởng bởi bệnh dịch lớn thứ ba thế giới, với 15.898.558 ca nhiễm và 444.391 bệnh nhân không qua khỏi, cũng đã phát hiện những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.

Theo Bộ Y tế Lào, nước này ghi nhận thêm 12 ca mắc mới COVID-19, trong đó 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca nhiễm trong cộng đồng thấp nhất tại Lào trong gần 30 ngày qua. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong khu vực, đặc biệt là tại các nước láng giềng, cùng việc nhiều F0 không thể truy vết, Chính phủ Lào đã quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa trên cả nước từ ngày 21/5-4/6. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.763 ca bệnh, trong đó 800 người đã bình phục và 2 ca tử vong.

Còn ở Campuchia, tối 21/5, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ra thông báo về việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm phòng chống dịch COVID-19 tại "Khu vực Vàng" áp dụng từ 20h đến 3h sáng hôm sau. Theo thông cáo báo chí ngày 21/5, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 460 ca nhiễm mới, trong đó có 15 ca nhập cảnh. Tính đến nay, Campuchia đã có 24.157 ca bệnh, trong đó 16.524 người đã khỏi bệnh và 165 ca tử vong.

Trong khi đó, Thái Lan đã phải gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng, từ ngày 1/6 đến ngày 31/7. Đây là lần thứ 12 Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp để phòng, chống đại dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh, nước này ghi nhận thêm 3.481 ca mắc mới và 32 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng cộng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 123.066 và 735.

Trước tình trạng số ca mắc mới COVID-19 tại Malaysia liên tục vượt mốc 6.000 ca/ngày trong 3 ngày qua, trong khi số người tử vong theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 50 người, Malaysia đã quyết định siết chặt hơn nữa lệnh cấm đi lại, được áp đặt từ ngày 12/5 đến 7/6, cùng những biện pháp hạn chế bổ sung đối với các lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định đưa tỉnh Okinawa vào danh sách các khu vực phải áp đặt tình trạng khẩn cấp vì số ca mắc mới bệnh COVID-19 tại đây tăng vọt trong thời gian gần đây. Với quyết định này, số tỉnh phải áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp tại Nhật Bản đã tăng lên 10 tỉnh.

Nhà chức trách Pháp thông báo Tháp Eiffel - địa diểm du lịch nổi tiếng của nước này, sẽ mở cửa đón khách từ ngày 16/7 sau nhiều tháng đóng cửa do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Hungary cũng thông báo dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế còn lại, trong đó có một lệnh giới nghiêm cả ngày lẫn đêm ngay khi số người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 lên tới 5 triệu người vào cuối tuần này. Theo đó, người dân sẽ không còn cần phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, các cuộc tụ tập có tới 500 người tham dự có thể được tổ chức ở ngoài trời, trong khi chỉ những người đã tiêm phòng mới được tham gia các sự kiện được tổ chức trong không gian kín.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết từ ngày 27/5, nước này sẽ nới lỏng hạn chế tụ tập nơi công cộng, đồng thời cho phép hầu hết quán bar và nhà hàng phục vụ rượu. Đây là giai đoạn hai trong kế hoạch nới lỏng phong tỏa toàn quốc gồm 4 giai đoạn của Chính phủ Na Uy.

Còn tại Tây Ban Nha, từ ngày 7/6 tới, những hành khách đến từ các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được nhập cảnh nước này.