Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Y tế vùng khó cần được đầu tư mạnh mẽ hơn

Nghĩa Hiệp - 16:10, 29/06/2020

Bảo hiểm y tế (BHYT) đã được triển khai và đạt trên 95% người dân sử dụng tại nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi, tạo thuận lợi cho công tác khám, chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, hiện đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sâu, có trình độ chuyên môn cao làm việc tại tuyến y tế cấp xã, huyện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng. Đây đang là một trong những rào cản lớn để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào DTTS.

Các đoàn khám, chữa bệnh lưu động được triển khai 3 tháng/lần tại các xã vùng khó
Các đoàn khám, chữa bệnh lưu động được triển khai 3 tháng/lần tại các xã vùng khó

Huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình là một trong những địa phương có nhiều xã khu vực III, chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hơn 57.000 người dân (100%) được cấp, phát và sử dụng thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh. Hiện, huyện có 20 trạm y tế xã, thị trấn, trong đó có 17/20 trạm thuộc các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Tuy số lượng trạm y tế đủ để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT của người dân, nhưng bà con vẫn thường xuyên đến các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh để khám, chữa bệnh. Nguyên nhân bởi các trạm y tế vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng chuyên môn cũng như cơ sở vật chất.

Bác sĩ Trần Hồng Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đà Bắc cho biết: “Tại trạm y tế các xã vùng ĐBKK, cơ sở vật chất, nhất là đội ngũ y tế còn thiếu cả về nhân lực lẫn trình độ chuyên môn. Đơn cử như tại xã Đồng Nghê cách trung tâm huyện 90km, nếu di chuyển đường sông thì mất 1h đồng hồ, nhưng xã vẫn chưa có nữ hộ sinh. Do vậy, các bà mẹ vẫn phải di chuyển lên TTYT huyện để khám thai và sinh con…”.

Không chỉ huyện Đà Bắc, các địa phương vùng DTTS, miền núi khác cũng trong tình trạng tương tự. Trong đó, số lượng y, bác sĩ có trình độ chuyên môn vẫn thiếu trầm trọng. Điển hình như huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã có TTYT huyện và 22 trạm y tế tuyến xã nhưng cả hệ thống y tế cơ sở của huyện chỉ có 41 bác sĩ, đạt tỷ lệ 5 bác sĩ/1 vạn dân (mức quy định là 8 bác sĩ/1 vạn dân).

Ông Nông Đức Duy, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc cho biết: “Bác sĩ tại Trạm Y tế xã Tân Liên thường xuyên bị điều động để hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh tại TTYT huyện. Việc khám, chữa bệnh của người dân tại xã gặp rất nhiều khó khăn khi người bệnh phải đợi bác sĩ. Vì vậy, tôi cũng như nhiều người trong xã vẫn đến TTYT huyện để khám, chữa bệnh…”.

Trước sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn cao tại y tế cơ sở, thiếu thốn về cơ sở vật chất, ngành Y tế tại các địa phương đã thường xuyên tổ chức nhiều đoàn khám, chữa bệnh lưu động về vùng khó. Tuy nhiên với tần suất 3 tháng/lần, khám, chữa bệnh lưu động mới chỉ là phương án tạm thời, chưa thể giải được bài toán “khát” nhân lực y tế hiện nay.

Theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương ban hành đã đề ra một số chỉ tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện y tế dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ. Đến năm 2030, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện y tế dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

Để thực hiện được mục tiêu nói trên, đồng thời giúp người dân vùng khó có cơ hội bình đẳng hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngành Y tế cần phát triển mạng lưới y tế cơ sở dưới dạng bệnh viện vệ tinh; có chế độ đặc thù trong việc đào tạo đội ngũ y tế chất lượng cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại các địa phương vùng khó; luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới...