Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thấy gì từ Đề án Phát triển mạng lưới y tế cơ sở?

Sỹ Hào - 10:15, 29/05/2020

Đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, giai đoạn 2016 - 2025” theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 2348) đã đi được nửa chặng đường, tuy nhiên việc triển khai chưa được đồng đều giữa các địa phương. Ở vùng DTTS và miền núi, mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn những hạn chế rất lớn.

Nhiều Trạm Y tế ở miền núi đã xuống cấp, hư hỏng
Nhiều Trạm Y tế ở miền núi đã xuống cấp, hư hỏng

Thiếu bền vững

Một trong những mục tiêu của Đề án 2348 là duy trì 100% xã có Trạm Y tế (TYT). Với nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án, mục tiêu này cơ bản đáp ứng, nhưng ở vùng DTTS và miền núi, nhiều TYT xã không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh (KCB) ban đầu cho Nhân dân do cơ sở vật chất thiếu đồng bộ.

Theo báo cáo thẩm tra ngày 18/10/2019 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, ước tính cả nước hiện vẫn còn khoảng 35% số TYT xã cần được đầu tư; trong đó 31% TYT là ở các địa phương vùng DTTS và miền núi. Thậm chí, ở nhiều xã, trụ sở TYT phải đi mượn cơ sở khác hoặc xã có TYT nhưng bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Hiện tỷ lệ TYT đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế (nhà kiên cố 2 tầng, bảo đảm diện tích) chỉ đạt khoảng 50% tổng số TYT trên cả nước.

Đề án 2348 cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 90% số TYT xã trên cả nước có đủ điều kiện KCB bảo hiểm y tế (BHYT). Theo số liệu của Bộ Y tế, mục tiêu này đã hoàn thành trước kế hoạch, nhưng mức thụ hưởng dịch vụ BHYT của người dân ở TYT cấp xã rất thấp.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Y tế, hết năm 2018, cả nước đã có 9.821/11.083 TYT xã trên cả nước đủ điều kiện KCB BHYT, đạt tỷ lệ trên 80%. Đến hết năm 2019, tỷ lệ này đã được nâng lên gần 90%. Tuy nhiên, do quy định mức chi Quỹ KCB BHYT giao cho TYT thấp (không quá 20% Quỹ KCB BHYT ngoại trú) khiến một số loại bệnh TYT xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng vẫn phải chuyển lên tuyến trên. Điều này dẫn tới thực trạng một số TYT được đầu tư thiết bị, máy nhưng chưa khai thác, hoặc sử dụng hiệu quả, gây lãng phí.

Ưu tiên đầu tư cho vùng DTTS miền núi

Đề án 2348 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% số TYT xã có đủ điều kiện KCB BHYT và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Để thực hiện được mục tiêu này thì nhất thiết phải tháo gỡ những “nút thắt” về mặt chính sách.

Vướng mắc đầu tiên cần phải giải quyết là xác định đối tượng ưu tiên của Đề án 2348. Từ năm 2016 đến nay, chính sách của Đề án 2348 (đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực y tế…) vẫn mang tính cào bằng, áp dụng chung cho cả nước. trong khi đó, TYT ở nhiều địa phương thuộc vùng DTTS và miền núi vẫn còn rất thiếu đồng bộ, cả về trụ sở lẫn trang thiết bị KCB.

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất thì việc bảo đảm nguồn nhân lực y tế cũng là một “nút thắt” cần tháo gỡ; đặc biệt là phải có giải pháp kéo gần khoảng cách về lực lượng y tế có trình độ giữa các vùng miền. Bởi thực tế, hiện khoảng cách này là rất lớn. Như Hà Nội, hiện tỷ lệ số TYT có bác sĩ đạt 93,8% thì Lào Cai chỉ có 35,4%; Quảng Nam là 31,6%, thậm chí ở Quảng Trị chỉ 8,5% số TYT xã có bác sĩ làm việc.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, cần lồng ghép chính sách của Đề án 2348 vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vừa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống chính sách vừa ưu tiên cho vùng miền núi, bảo đảm rõ nguồn vốn thực hiện.