Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Phước: Nguy cơ xuất hiện “vùng lõm” vắc xin

PV - 10:35, 19/03/2019

Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, thời gian gần đây, nhiều hộ ở vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Phước không cho con đi tiêm phòng đầy đủ. Nguyên nhân là trước kia, do nhân viên y tế cơ sở thường mang vắc xin đến tận nhà người dân để tiêm phòng, nhưng từ 2016 đến nay, việc tiêm phòng được tổ chức tại các cơ sở y tế nên hoạt động này không còn nữa, trong khi đó người dân thì không chịu mang trẻ đi tiêm phòng.

Mặc dù cán bộ y tế đến tận nhà để tuyên truyền vận động nhưng nhiều gia đình vẫn không đưa con đi tiêm phòng. Mặc dù cán bộ y tế đến tận nhà để tuyên truyền vận động nhưng nhiều gia đình vẫn không đưa con đi tiêm phòng.

Nhiều trẻ không được tiêm phòng

Đến thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú nơi đã xảy ra dịch bạch hầu năm 2016, chúng tôi rất ngạc nhiên trước vấn đề tiêm chủng vắc xin cho trẻ em. Chị Thị Thu, dân tộc X’tiêng thôn Thuận Lợi cho biết: chị có 3 đứa con. Đứa lớn là Điểu Khương (sinh năm 2006) mới tiêm 3 mũi nhưng không nhớ là loại nào. Con thứ hai là Thị Phương (sinh năm 2012) vì sinh tại nhà nên đến nay chưa tiêm mũi nào. Cháu nhỏ nhất là Điểu Hoàng (sinh năm 2017) chưa tiêm mũi sởi.

Khi hỏi về lý do chị không cho con đi tiêm phòng, Thị Thu trả lời rất thật thà, cán bộ y tế, địa phương cũng có nhắc gia đình cho con đi tiêm phòng, nhưng do cả tôi và chồng đều bận đi cạo mủ cao su thuê suốt ngày nên không có thời gian đi.

Tương tự, chị Thị Khóc ở ấp 6, xã Thuận Lợi có tới 9 lần sinh con tại nhà, hiện nuôi 7 con nhưng các con từ lớn đến bé đều không được tiêm chủng. Chị Thị Khóc đưa ra lý do: “Nhà nghèo lắm, có 1 chiếc xe máy để chồng đi làm thuê mà xe cũ, không đảm bảo nên không dám đưa con đi ra xã tiêm, sợ công an phạt…”.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở địa bàn huyện Đồng Phú mà cả ở những địa phương khác trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng gặp phải. Chị Điểu Lê Thị Hiếu, nhân viên Trạm Y tế phường Hưng Chiến (Thị xã Bình Long) cho biết: Các gia đình viện rất nhiều lý do để từ chối đưa con đi tiêm chủng như bận đi làm, không có xe, không biết đi xe, không biết lịch tiêm... nên không đưa trẻ đi tiêm ngừa. Thậm chí có người còn nói “tự nhiên con đang khỏe đi tiêm về lại bệnh, sốt”, hay “tiêm về sốt, đau, quấy không thể đi làm”… nên không đưa con đi tiêm. Không riêng gì vắc xin 5 trong 1 (vắc xin phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) mà tất cả mũi tiêm chủng mở rộng, dù miễn phí nhưng một số người vẫn không chủ động hợp tác, khiến trẻ em bị thiệt thòi.

Cũng là người DTTS, lại công tác ở trạm y tế nên chị Hiếu rất trăn trở trước tình trạng đồng bào không cho con đi tiêm ngừa. Chị Hiếu cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp các lãnh đạo ở phường thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bà con về chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vướng mắc cần tháo gỡ…

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, để tránh bỏ sót đối tượng tiêm chủng, thời gian trước nhân viên y tế cơ sở đã mang vắc xin đến tận hộ dân có con nhỏ để tiêm. Nhưng từ khi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng có hiệu lực, hoạt động này không còn nữa. Nghị định này còn yêu cầu cơ sở tổ chức hoạt động tiêm chủng phải đạt chuẩn theo quy định và được cơ quan chuyên môn phê duyệt. Vì vậy, 2 năm nay các hoạt động tiêm chủng tăng cường về cơ sở trong tỉnh Bình Phước rất hạn chế.

Thêm vào đó là ở một số địa phương, hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin tuyến huyện, xã đã hư hỏng. Trung tâm y tế thay đổi nhân sự thường xuyên, không bảo đảm quản lý và thực hiện chương trình. Kinh phí dành cho công tác tiêm chủng không có nguồn hỗ trợ của địa phương; trong khi đó, nguồn kinh phí của Trung ương không đủ chi trả, chỉ đạt 70-80% so với thực tế… nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tiêm chủng vắc xin.

Để công tác tiêm chủng đạt kết quả cao, ngành Y tế rất mong sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt dành cho đội ngũ y tế thôn, bon. Bên cạnh đó, ngành Y tế cấp tỉnh, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, giám sát đối tượng tiêm chủng, nhất là ở những vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để dần lấp đầy “lỗ hổng” trong công tác tiêm chủng.

DUNG HUYÊN