Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vùng đất “quả vàng”

Thành Nhân - 10:05, 13/02/2021

Trải qua nhiều thời gian lựa chọn cây trồng phù hợp với đồng đất, đến nay, cây sầu riêng đã bám rễ ở vùng đất Khánh Sơn (Khánh Hòa) để trở thành loại trái cây ngon nức tiếng và đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Cây sầu riêng đã làm cho những người nông dân nghèo đổi đời.

Cây sầu riêng giúp đồng bào DTTS có thu nhập cao, vươn lên làm giàu. Ảnh minh họa
Cây sầu riêng giúp đồng bào DTTS có thu nhập cao, vươn lên làm giàu. Ảnh minh họa

Cây “quả vàng” bén rễ vùng cao

Theo người dân ở đây, người đầu tiên đưa cây sầu riêng về Khánh Sơn là gia đình bà Phạm Thị Mai Hương ở thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc. Tiếp chúng tôi, bà Hương năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in những ngày gia đình lên Khánh Sơn lập nghiệp cách đây đã mấy chục năm. Rồi chuyện chồng bà trong một lần đi mua cây tiêu giống về trồng, đã được một nhà chùa tặng cho 10 cây sầu riêng ươm từ hạt mang về trồng.

Sầu riêng đem về, được gia đình trồng quanh nhà, ban đầu chỉ nghĩ trồng cho vui chứ chưa biết chăm sóc, nên 10 cây chết mất 5 cây. Những cây sầu riêng phát triển, đâm hoa, kết trái trước sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con trong vùng. “Một hôm chồng tôi đi thăm vườn, thấy trái rụng xuống đất, liền đem vào nhà một quả. Cả nhà chưa bao giờ thấy trái sầu riêng nên cách ăn như thế nào cũng không biết, tôi lấy dao bổ quả sầu riêng thì ngửi thấy một mùi thơm phức, ăn vào vị rất ngọt ”, bà Hương kể.

Thấy vậy, nhiều người đến nhà ông Đính hỏi xin giống về trồng. Sau này vợ chồng bà Hương đã lấy hạt ươm giống, rồi bán với giá 2.000 đồng/cây. Sầu riêng hạt từ đó lan ra nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Nhưng phải đến năm 1999, khi thực hiện Chương trình trồng rừng 734, UBND tỉnh đã đầu tư hỗ trợ mô hình cây ăn quả hỗn giao và 2.500 cây sầu riêng Moongthong đã được đem lên Khánh Sơn trồng, với mật độ 10 cây/ha. Giống sầu riêng được cung cấp từ Viện Cây ăn quả miền Nam (tỉnh Tiền Giang). Từ đó, cây sầu riêng mới bắt đầu có chỗ đứng trên vùng đất này.

Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất Khánh Sơn điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để tạo ra quả sầu riêng cơm vàng, hạt lép với chất lượng đặc biệt. Thế nhưng, để có sự “nức tiếng” của sầu riêng Khánh Sơn như bây giờ, là kết quả của bao nỗ lực, từ người trồng đến cơ quan nhà nước để gây dựng thương hiệu cho loại “quả vàng” này.

Ông Nguyễn Văn Điệu, chuyên viên Trạm Khuyến nông (thành viên tổ xây dựng đề án Sầu riêng Khánh Sơn giai đoạn 2006 - 2010) nhớ lại: Nhận thấy tiềm năng phát triển, từ đề xuất của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện đã thành lập 1 tổ khảo sát vào Viện Cây ăn quả miền Nam để học hỏi, đưa giống sầu riêng số lượng lớn về huyện phát triển thành cây trồng chủ lực. Thời điểm đó, các chuyên gia của Viện Cây ăn quả miền Nam lên Khánh Sơn khảo sát, đánh giá rất cao sự phù hợp của huyện với loại cây này.

Đề án “Hỗ trợ phát triển cây sầu riêng huyện Khánh Sơn giai đoạn 2006 - 2010” được xây dựng và phê duyệt ngay sau đó, đã hỗ trợ 2.667 hộ đồng bào DTTS trồng 400ha, 500 hộ người Kinh trồng 100ha. Hai loại sầu riêng được chọn là Moongthong và Chín Hóa. Sau 4 năm, sầu riêng thuộc Đề án đã ra hoa, đậu quả và được đánh giá ngon, thơm hơn so với nhiều vùng khác. Từ đây, sầu riêng đã vươn lên trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Người dân Khánh Sơn thu hoạch sầu riêng.
Người dân Khánh Sơn thu hoạch sầu riêng.

“Chìa khóa” xóa nghèo

Sau nhiều năm bén rễ trên vùng cao Khánh Sơn, sầu riêng đã trở thành “Thương hiệu Vàng” nông sản Việt Nam, “chìa khóa” mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều người.

Tìm đến vườn sầu riêng 9,5ha của ông Lê Văn Bi, ở thôn Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc), chúng tôi được biết, nhờ có cây sầu riêng mà vợ chồng ông có cuộc sống sung túc như ngày hôm nay. Vườn sầu riêng của ông Bi có trị giá 17 - 18 tỷ đồng, mỗi mùa sầu riêng đều thu về tiền tỷ.

Ông Tạ Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho hay: Liên tục những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào DTTS tại địa phương trở nên khá giả, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hộ khác cũng vươn lên thoát nghèo nhờ trồng sầu riêng. Xã đang tuyên truyền để người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trồng sầu riêng ở những khu vực phù hợp để giải bài toán xóa nghèo.

Để minh chứng điều đó, ông Phong đưa chúng tôi đến thăm vườn sầu riêng của hộ ông Cao Đảm đã thoát nghèo, vươn lên khá giả ở Xóm Cỏ, thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Đảm cho biết, cách đây chừng 15 năm, gia đình ông chỉ trồng mì, bắp; quẩn quanh chỉ lo cái ăn, cái mặc chưa đủ, không thoát được nghèo. Cuộc sống của gia đình ông bắt đầu thay đổi khi cây sầu riêng bén rễ ở Xóm Cỏ này.

“Tôi cũng tham gia tập huấn, học hỏi kinh nghiệm, rồi mạnh dạn đăng ký trồng thử. Hiện nay, gia đình tôi đã gây dựng được hơn 2ha sầu riêng, mỗi năm thu không dưới 500 triệu đồng”, ông Đảm chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho hay: Toàn huyện đã có hơn 1.500ha sầu riêng, trong đó hơn 420ha cho thu hoạch với sản lượng khoảng 3.380 tấn. Kế hoạch trong 5 năm tới, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi, nâng diện tích sầu riêng lên khoảng 3.500ha. Nhờ cây sầu riêng, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm 305 hộ nghèo. Nếu như năm 2018, toàn huyện có 3.235 hộ nghèo, thì đến nay còn 2.320 hộ...