Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông nghiệp Việt Nam “biến nguy thành cơ…”

Thúy Hồng - 08:50, 12/02/2021

Năm 2020 là một năm có nhiều biến động bất thường do thiên tai khốc liệt, dịch bệnh... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Đặc biệt, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản giữa hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với chiến lược “biến nguy thành cơ…”, nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên cả lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển mới trong năm 2021.

Lúa gạo - 1 trong 5 mặt hàng tạo ấn tượng nhất trong xuất khẩu nông sản.
Lúa gạo - 1 trong 5 mặt hàng tạo ấn tượng nhất trong xuất khẩu nông sản.

Vượt qua thách thức

Năm 2020, những biến động cực đoan về thời tiết, đã gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tác động nặng nề nhất lên ngành Nông nghiệp Việt Nam đó là ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Đại dịch đã làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản của hầu hết các quốc gia trên thế giới, tác động mạnh mẽ đến thị trường nông sản của Việt Nam.

Khó khăn chồng chất khó khăn, tuy nhiên trong mỗi thời điểm gian nan, ngành Nông nghiệp lại tìm ra hướng thích nghi và vẫn có nhiều điểm sáng toàn diện. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Để vượt qua thách thức kép là thiên tai và dịch bệnh, ngành Nông nghiệp đã phải có giải pháp kép, là tiếp tục tăng trưởng; bảo đảm mục tiêu xuất khẩu và an sinh xã hội”.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến nông sản theo công nghệ cao được đẩy mạnh, đã thu hút mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn. Đó chính là các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Nhờ đó, năm 2020 ngành Nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, hoàn thành và vượt kế hoạch 4/5 chỉ tiêu. Đặc biệt xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả ngoạn mục, là bệ đỡ quan trọng phát triển nền kinh tế…

Những con số biết nói

Kết thúc năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều cả nước đạt khoảng 541 tỷ USD, ngành Nông nghiệp đóng góp xuất khẩu tới 41,2 tỷ USD và được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới có dòng thương mại mạnh nhất.

Điểm nhấn của hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020, phải kể đến việc các ngành hàng đã bước đầu tiếp cận hiệu quả thị trường châu Âu, nhờ vào những lợi thế khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Nhiều mặt hàng có giá trị tăng cao của Việt Nam như gạo, trái cây, thủy sản… đã đạt mức tăng trưởng khá. Trong các mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu thì vùng DTTS và miền núi góp phần không nhỏ vào thành quả xuất khẩu nông sản. Cụ thể, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD chủ yếu được sản xuất trong vùng DTTS như gỗ, hạt điều, rau quả, tôm, gạo. Tăng trưởng ấn tượng nhất là lúa gạo, với sản lượng đạt 42,7 triệu tấn không chỉ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hỗ trợ các quốc gia khác mà còn vươn lên một tầm cao mới trong xuất khẩu.

Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm 85%, đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp chế biến trong nông nghiệp cũng đạt kết quả. 5 năm qua, đã xây dựng được 68 nhà máy chế biến nông sản. Riêng năm 2020, xây dựng khoảng 20 nhà máy. Xây dựng Nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, nhiều nơi xuất hiện “phố” trong làng; và quan trọng là đời sống Nhân dân được cải thiện rõ nét. Thu nhập của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020 là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của ngành Nông nghiệp, trong khó khăn cho thấy vai trò sống còn, nhằm bảo đảm an ninh lương thực, là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế phát triển bình thường và tăng trưởng dương.

Nhiều mặt hàng nông sản vùng DTTS và miền núi góp phần không nhỏ vào thành quả xuất khẩu nông sản.
Nhiều mặt hàng nông sản vùng DTTS và miền núi góp phần không nhỏ vào thành quả xuất khẩu nông sản.

“Biến nguy thành cơ”

Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã đề ra mục tiêu năm 2021 với những chỉ tiêu cơ bản là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 2,8 - 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng...

Tuy nhiên, thách thức về thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của ngành Nông nghiệp vẫn còn hạn chế; môi trường nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề. Công tác dự báo cung cầu thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu vẫn còn yếu…

Nhưng trong khó khăn thách thức, cũng có rất nhiều cơ hội. Đặc biệt thời cơ rất lớn, là thị trường được mở ra nếu như tận dụng được hiệu quả lợi thế của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP... Ngành Nông nghiệp phải biết biến nguy cơ thành thời cơ để tăng trưởng nông nghiệp, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.

Yêu cầu đặt ra đối với ngành Nông nghiệp là, cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hàng loạt các cam kết khác về lao động, môi trường, phát triển bền vững… để đưa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trở thành lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, hiện thực hóa ước mơ đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới./.