Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh niên xung kích làm giàu trên quê hương

Vũ Lợi - 10:56, 24/03/2020

Bằng ý chí, nghị lực nhiều đoàn viên thanh niên ở tỉnh Điện Biên đã vượt qua khó khăn thử thách, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Họ không những trở thành triệu phú với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn tạo cơ hội cho nhiều thanh niên khác có việc làm, vươn lên phát triển kinh tế.


Chu Công Khánh được tôn vinh là thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế
Chu Công Khánh được tôn vinh là thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế

Tiên phong nuôi cá lồng ở Huổi Só

Vừ A So - một thanh niên năng động, dám nghĩ dám làm; và là người tiên phong trong xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa quyết tâm làm mô hình nuôi cá lồng lòng hồ thủy điện sông Đà. Mặc dù khi đó, So chưa có tý kiến thức gì về làm cá lồng, nhiều người cho rằng anh quá liều lĩnh. Cũng đúng! Bởi đồng bào ở những bản vùng cao, quanh năm chỉ thạo nuôi con lợn, thả con gà để cải thiện bữa ăn, chứ đâu biết đến khái niệm nuôi cá lồng là thế nào. Nghĩ là làm, Vừ A So quyết tâm khởi nghiệp dù bước đầu rất khó khăn, vốn liếng trong tay chỉ vỏn vẹn là 3 con trâu và 10 con lợn.

Bản thân So đã từng được tham dự lớp tập huấn ở huyện về phát triển thủy sản, đồng thời cũng từng đọc một số tài liệu, tìm hiểu nhiều thông tin về nuôi cá lồng trên mạng internet nên anh càng thêm quyết tâm. Bán hết trâu, lợn, vay thêm ngân hàng chính sách, anh em họ tộc, So có hơn 200 triệu đồng để làm bè, mua cá giống thả lồng trên sông Ðà. Cuối cùng 14 ô bè bên trong thả các loại cá: Lăng, chê, trắm, chép, rô phi lần đầu đã xuất hiện ở xã vùng cao Huổi Só. Năm 2016, So khai thác bán mẻ cá đầu tiên, thu về hơn 1 tạ cá. Sau đó, So tập trung đầu tư nuôi cá lăng sông Ðà cho giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộm.

Nhận thấy mô hình nuôi cá lồng bè của Vừ A So có hiệu quả kinh tế nên một số thanh niên trong xã đã tự nguyện xin đến học hỏi và làm theo. Đến nay, So đã giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá lồng cho 3 đoàn viên thanh niên khác làm theo với kết quả thu nhập bình quân khoảng hơn 50 triệu đồng/năm.

Làm giàu từ mô hình tổng hợp VACR

Tận dụng lợi thế đất đai sẵn có của gia đình, đoàn viên Chu Công Khánh, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo đã phát triển mô hình kinh tế tổng hợp (VACR). Trên diện tích 5,3ha anh Khánh trồng rừng, chăn nuôi lợn, gà và làm ao thả cá, mỗi năm trừ chi phí thu nhập khoảng 250 triệu đồng.

Chia sẻ về mô hình kinh tế VACR, anh Khánh cho biết: Năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành Xây dựng và đã đi “làm công ăn lương” ở một số nơi. Tuy nhiên, bản thân anh lại luôn trăn trở và khát khao làm giàu bằng một mô hình kinh tế trên chính mảnh đất của gia đình. Năm 2011, anh Khánh chính thức xin nghỉ công việc xây dựng và bắt đầu theo đuổi đan mê làm kinh tế tổng hợp.

Trước bộn bề những khó khăn về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, cơ sở chuồng trại, thị trường tiêu thụ… nhưng anh luôn được gia đình ủng hộ và động viên nên càng thêm quyết tâm. Số vốn ban đầu anh Khánh phải đi vay mượn khắp nơi để có được 300 triệu đồng đầu tư trồng 4ha rừng keo, bạch đàn, kết hợp chăn nuôi lợn, gà thịt và đào ao nuôi cá.

Sau 3 năm cần cù chịu khó lao động, vừa làm vừa rút kinh nghiệm anh đã trả hết nợ. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2014, anh tiếp tục mở rộng diện tích chuyển đổi nuôi cá thịt sang nuôi cá giống, tiêu thụ tại các huyện lân cận là Tủa Chùa và Mường Ảng. Mỗi năm trang trại của anh Khánh xuất bán 10 - 12 tấn lợn thịt, 300 - 400 con lợn giống, 2,5 - 3 tấn cá giống và 1.000kg gà thịt ra thị trường. Thời gian tới anh Khánh sẽ thuê thêm diện tích khoảng 1.000m2 để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá giống