Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ứng dụng số trong phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Minh Phương - Ngọc Chí - 03:25, 05/12/2023

Làm du lịch, dịch vụ không còn xa lạ đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng cao. Đặc biệt, đồng bào DTTS đã biết tận dụng thế mạnh từ mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Cảnh sắc yên bình ở làng Vi Rơ Ngheo
Cảnh sắc yên bình ở làng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum)

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa

Làng cổ Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) nơi sinh sống của 63 hộ dân đồng bào dân tộc Xơ Đăng, văn hóa truyền thống được lưu giữ khá đầy đủ; nơi đây cũng nổi tiếng có phong cảnh thiên nhiên đẹp và hấp dẫn. Chính vì vậy, từ 3 năm trước huyện Kon Plông đã lên kế hoạch xây dựng Vi Rơ Ngheo thành làng văn hóa - du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa. Tháng 4/2023, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định công nhận Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo là địa điểm du lịch.

Ông A Hiền, ở làng Vi Rơ Ngheo cho biết: Một làng hẻo lánh ở vùng sâu vùng xa mà được thay đổi như ngày hôm nay là điều rất là vui mừng. Từ khi huyện có chủ trương xây dựng làng du lịch, người dân đã chỉnh trang cảnh quan, tu sửa lại nhà cửa, trồng các loài hoa rừng, như: Phong lan, trần mộc. Với những nét hoang sơ, mộc mạc đó đã thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan và trải nghiệm. Khi làm du lịch cộng đồng đã giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nơi đây. Đặc biệt, thông qua việc làm du lịch người dân đã nâng cao ý thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, như: Nhà rông, cồng chiêng, lễ mừng lúa mới, lễ cúng giọt nước và những ngôi nhà sàn truyền thống.

Người dân làng Vi Rơ ngheo chỉnh trang nhà cửa, chăm sóc, nhân bản từng cây địa lan phục vụ du lịch cộng đồng
Người dân làng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) chỉnh trang nhà cửa, chăm sóc, nhân bản từng cây địa lan phục vụ du lịch cộng đồng

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã xây dựng nhiều chương trình phát triển du lịch tại một số điểm đến được du khách quan tâm, đồng thời hỗ trợ người dân khôi phục những nét văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan môi trường, xây dựng các mô hình du lịch.

Thôn Choản Thèn, xã Ý Tý, huyện Bát Xát là một trong những điểm được lựa chọn để hỗ trợ phục hồi bản sắc văn hóa của người Hà Nhì – một dân tộc có dân số khá ít so với các dân tộc khác ở Lào Cai và trong cả nước. Người dân ở thôn còn gìn giữ khá nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống, như: Các lễ hội, phong tục, các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục và nghề truyền thống.

Các hoạt động văn hóa của người Hà Nhì được địa phương hỗ trợ phục dựng theo từng thời điểm khác nhau, đảm bảo chắt lọc những tinh hoa văn hóa mang đặc trưng, có nguy cơ mai một, với hy vọng khi Ý Tý trở thành khu du lịch đúng nghĩa, Choản Thèn sẽ là nơi thu hút du khách và mang lại nguồn lợi cho người dân. Qua một thời gian được sự quan tâm, giúp đỡ của ngành văn hóa, chính quyền địa phương tích cực vận động, khuyến khích, người Hà Nhì ở Choản Thèn cũng như các dân tộc ở Y Tý đã ý thức rõ việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Ông Phu Che Thó, cán bộ Văn hóa xã Y Tý cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các ban ngành, đoàn thể cùng nhau để tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân làm du lịch cộng đồng, bà con rất là đồng tình ủng hộ, cũng nhận thức rất là rõ là bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa để để lại cho mai sau.

Bản làng của người Hà Nhì ở xã vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) mang đặc trưng riêng với tính thống nhất về mặt kiến trúc, kết cấu, không gian sử dụng và cách bài trí ngôi nhà
Bản làng của người Hà Nhì ở xã vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) mang đặc trưng riêng với tính thống nhất về mặt kiến trúc, kết cấu, không gian sử dụng và cách bài trí ngôi nhà

Từ khi làm dịch vụ homestay, trung bình mỗi tháng gia đình anh Ly Xá Xuy (dân tộc Hà Nhì) ở Xã Y Tý thu được khoảng 15 triệu đồng khi đã trừ chi phí. Anh cho biết: Nếu du khách có nhu cầu đặt ăn uống hoặc xem văn nghệ do người dân biểu diễn thì thu nhập có thể cao hơn. Homestay của gia đình anh cũng đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động trong thôn với mức lương trung bình 5 - 6 triệu đồng/người.

Với những nét độc đáo riêng có, đến nay đã có 3 di sản trong văn hóa người Hà Nhì được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là: Lễ hội cầu mùa Khu già già, Lễ hội cúng rừng Gạ Ma Do và Tri thức dân gian trong canh tác ruộng bậc thang. Đây chính là tiềm năng để phát triển du lịch thông qua các hoạt động của lễ hội.

Ứng dụng mạng xã hội quảng bá, phát triển du lịch

Chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN), cụ thể là triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS & MN.

Ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng lợi thế của các nền tảng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch đang là sự lựa chọn mang lại hiệu quả của nhiều cộng đồng DTTS.

Để giới thiệu văn hóa của người Hà Nhì và quảng bá cho homestay của mình, anh Ly Xá Xuy duy sử dụng nền tảng mạng xã hội Facebook. Trên fanpage, anh đăng ảnh về thiên nhiên và con người Y Tý ở nhiều góc cạnh và thời điểm của cuộc sống, như: Trang phục, lễ hội, các trò chơi của người Hà Nhì cùng với hình ảnh dịch vụ homestay của gia đình. Thông qua đó, du khách có nhu cầu du lịch sẽ có thêm nhiều thông tin để đến với Y Tý và đặt điểm nghỉ ngơi tại gia đình mình.

Anh Ly Xá Xuy cho biết: Mỗi người sẽ có một cách làm du lịch, nhưng theo quan điểm của tôi thì mình là người Hà Nhì và khách đến với mình là đến với người Hà Nhì và những nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nhì. Chính vì vậy, tôi luôn quảng bá những nét văn hóa đặc trưng đó đến với du khách và khi du khách đến đây họ sẽ thấy được sự thân thiện, mến khách, cuộc sống bình yên của người Hà Nhì; được trải nghiệm trong không gian văn hóa truyền thống đầy sắc màu.

Đời sống của đồng bào DTTS ở vùng cao Y Tý ngày càng được nâng lên nhờ phát triển du lịch
Đời sống của đồng bào DTTS ở vùng cao Y Tý ngày càng được nâng lên nhờ phát triển du lịch

Hiện nay trên địa bàn xã Y Tý có hơn 20 homestay, cơ sở lưu trú, hoạt động dịch vụ du lịch. Chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ. Đặc biệt, người dân được tập huấn, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế bằng dịch vụ du lịch, bảo tồn văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nông thôn mới nơi vùng cao.

Ông Lồ A Lử, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết: Huyện đã phân công cho các ban ngành đoàn thể tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên của các tổ chức Hội, đoàn thể luôn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt là những phong tục, tập quán tốt đẹp của bà con Hà Nhì để phát triển du lịch.

Nhằm giúp các tổ hợp tác, HTX tổ chức tốt các dịch vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, tỉnh Lào Cài và nhiều địa phương khác đã tổ chức các lớp: Bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch; tập huấn bồi dưỡng công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức lớp đào tạo kinh doanh homestay; lớp về nghiệp vụ nhà hàng, phục vụ ăn uống cho các thành viên HTX.

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, hoạt động du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển đáng kể, có sức lan tỏa và tạo được sự đồng thuận của người dân tham gia làm du lịch. Đồng thời, phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS, du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại những lợi ích thiết thực về phát triển kinh tế bền vững; giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương; tạo việc làm tăng thêm thu nhập góp phần ổn định đời sống của đồng bào DTTS.