Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ứng dụng của tế bào gốc từ máu cuống rốn trong điều trị các biến chứng ở trẻ sinh non

PV - 11:14, 08/06/2022

Nghiên cứu của các chuyên gia nhi khoa Australia về ứng dụng tế bào gốc từ máu cuống rốn (UCB) hứa hẹn mang lại hướng phát triển mới trong điều trị các bệnh gây nguy hiểm tính mạng ở trẻ sinh non.

Tế bào gốc. Ảnh minh họa: AFP
Tế bào gốc. Ảnh minh họa: AFP

Trẻ sinh non thường gặp khó khăn trong việc duy trì sự sống, vì tỷ lệ biến chứng về hô hấp, tim mạch và thần kinh ở các trẻ này cao hơn nhiều so với trẻ sinh đủ tháng. Trẻ sinh non cũng dễ bị viêm và tổn thương phổi, tim và não, dẫn đến mắc các bệnh kéo dài suốt đời như loạn sản phế quản phổi - bệnh phổi mãn tính của trẻ sơ sinh non tháng, tăng huyết áp phổi và toàn thân, cũng như bại não.

Theo các chuyên gia y khoa, UCB chứa nguồn tế bào dồi dào nhất của cơ thể, do đó mang tiềm năng tái tạo trong nhiều ứng dụng lâm sàng. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa thể kết luận chắc chắn rằng các tế bào này an toàn đối với trẻ sinh non, vốn rất dễ tổn thương.

Bác sĩ chuyên ngành sơ sinh Lindsay Zhou từ Viện Nghiên cứu Y khoa Hudson (Melbourne) cho biết nghiên cứu trên là nghiên cứu tổng hợp đầu tiên về việc sử dụng tế bào gốc UCB cho trẻ sinh non. Theo bác sĩ Zhou, trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích 200 trẻ sinh non trong 12 thử nghiệm lâm sàng trên thế giới có kết quả cho thấy các UCB đã được sử dụng thành công trong điều trị các tình huống như ngạt khi sinh, bệnh phổi mãn tính, bệnh tim bẩm sinh và chấn thương não ở trẻ non tháng.

Bất chấp những kết quả tích cực đạt được trong nghiên cứu, bác sĩ Zhou cũng thừa nhận rằng, việc tìm ra các phương pháp điều trị cho trẻ sinh non là cả "chặng đường dài", trước khi được áp dụng rộng rãi.

Theo chuyên gia này, phương pháp điều trị sử dụng tế bào gốc UCB vẫn đang trong giai đoạn đầu của thử nghiệm lâm sàng và các nhà khoa học cần nghiên cứu sâu hơn, tiến hành nhiều thử nghiệm hơn nữa, để tìm ra cách thức áp dụng hiệu quả và đảm bảo an toàn.

Phó Giáo sư Atul Malhotra, chuyên gia về sức khỏe sơ sinh - tác giả nghiên cứu tế bào gốc tại Viện Nghiên cứu Y khoa Hudson và Bệnh viện Nhi đồng Monash, hiện đang nghiên cứu phát triển giai đoạn tiếp theo của thử nghiệm lâm sàng.

Trao đổi với báo giới, ông Malhotra khẳng định nghiên cứu này cho thấy tiềm năng của UCB trong điều trị các vấn đề sức khỏe trẻ sinh non thường gặp phải, cụ thể sẽ xác minh tính an toàn và tính khả thi của những tế bào này trong thời gian thích hợp. Bước tiếp theo, các nhà khoa học Australia sẽ tiến hành các nghiên cứu lớn hơn nhằm đánh giá độ hiệu quả của UCB đối với các tình trạng sơ sinh khác nhau.

Nghiên cứu trên được công bố trên tại chí khoa học STEM CELLS Translational Medicine ngày 7/6.