Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tự sản xuất phân bón cho cây trồng: Hướng đi mới của nông dân Bình Phước

PV - 17:44, 16/01/2018

Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Tại huyện Chơn Thành (Bình Phước), một số hộ nông dân ở xã Minh Lập đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật tự sản xuất ủ phân cá vi sinh để bón cho cây trồng vừa giảm chi phí đầu tư chăm bón mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh Mai Thanh Sơn ở ấp 7, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành có 10ha quýt đường 7 năm tuổi. Những năm trước đây anh Sơn thường dùng các loại phân hóa học như NPK và phân đạm, phân lân để bón cho cây quýt, chi phí phân hóa học cho 1ha quýt trong một năm với 4 lần bón hết khoảng 18 triệu đồng.

Sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh góp phần nâng cao chất lượng cây trồng và bảo vệ môi trường. (Ảnh MH). Sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh góp phần nâng cao chất lượng cây trồng và bảo vệ môi trường. (Ảnh MH).

 

Giữa năm 2017, được sự hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Chơn Thành về ứng dụng công nghệ sinh học tự làm phân cá vi sinh và qua học hỏi thêm ở sách báo, anh Sơn mua 2 thùng nhựa 1.000 lít để tự sản xuất phân cá vi sinh, bằng cách: mua phế phẩm các loại cá tươi từ các chợ, sau đó tiến hành ngâm với men phân hủy thủy kim sinh M.2 và men thủy kim sinh Proti của nhà máy sản xuất chế phẩm vi sinh vật Khánh Hòa.

Anh Sơn cho biết, cứ 500kg cá tươi và 20 chai men vi sinh phân hủy rồi ủ vào 1 thùng 1.000 lít hết khoảng 8 triệu đồng ngâm trong 1 tháng, sau đó mang ra pha với nước với liều lượng cân đối để bón cho cây trồng. Cụ thể, một 1ha quýt một vụ tưới bón phân cá vi sinh làm 6 lần chi phí hết khoảng 8 triệu đồng, so với phân hóa học thì anh Sơn tiết kiệm được 10 triệu đồng mà cây quýt vẫn tươi tốt, cho nhiều trái và ít khi bị sâu bệnh.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Tấn Lực ở ấp 2, xã Minh Lập cũng được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hỗ trợ kỹ thuật ủ phân cá để bón cho cây trồng. Gia đình ông Lực có 1ha tiêu, với hơn 1.000 nọc tiêu giống Ấn Độ. Ông Lực cho biết những năm trước đây chi phí phân hóa học cho 1ha tiêu trong một năm với 3 lần bón hết khoảng 45 triệu đồng. Thời gian qua, ông đã mua 2 thùng nhựa 1.000 lít về để ủ làm phân cá vi sinh. Theo ông Lực, một 1ha tiêu một vụ tưới bón phân cá vi sinh làm 6 lần chi phí hết khoảng 15 triệu đồng, so với phân hóa học thì ông tiết kiệm được 30 triệu đồng mà cây tiêu vẫn tươi tốt, cho nhiều trái và ít khi bị sâu bệnh. Dự tính năm nay 1ha tiêu của nhà ông sẽ cho khoảng 4 tấn khô. Mô hình sản xuất chăm bón bằng phân cá của gia đình ông đang thu hút nhiều nhà nông trong xã tới thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm.

Ông Doãn Đình Nghị, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Chơn Thành cho biết: “Qua triển khai hướng dẫn một số hộ nông dân xã Minh Lập làm ủ phân cá bón cho cây trồng thì nhận thấy mang lại rất nhiều lợi ích, như: cải tạo độ phì của đất, làm phát triển tốt hệ sinh vật trong đất, làm tơi xốp nguồn đất và cây trồng sinh trưởng khỏe mạnh, hạn chế được nguồn sâu bệnh. Qua đánh giá của các nhà vườn thì kết quả mang lại giảm chi phí phân bón đầu vào trên các loại cây trồng, có thể tiết kiệm được tới 50% chi phí phân bón mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng. Sắp tới, Trạm tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các hộ nông dân”. Cũng theo ông Nghị, từ những thành công của một số hộ nông dân xã Minh Lập, theo thống kê của Trạm, hiện trên địa bàn huyện đã có 16 hộ nông dân đang áp dụng mô hình ủ phân cá vi sinh trong nông nghiệp. Đây là hướng phát triển sạch và bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; ít phát sinh bệnh. Điều đó đã mang lại hiệu quả tích cực cho nhà nông, giảm được chi phí đầu tư phân bón mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế.

THANH LIÊM