Cô giáo Lầu Y Pay cùng các trò tại điểm Trường Mầm non Huồi Mới, xã Tri Lễ. Ảnh: TLVượt hủ tục theo nghiệp “trồng người”
Cô Lầu Y Pay (SN 1986) là con thứ 4 trong một gia đình người Mông có 8 chị em ở xã biên giới Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Hơn 10 tuổi, Pay đã phải theo bố mẹ lên rẫy hái măng, gieo lúa, trồng gừng. Bao đời nay, ở các bản đồng bào Mông xa xôi, đa phần những thiếu nữ 14, 15 tuổi là bỏ trường lớp, lấy chồng.
Ở xã vùng biên không có điện, chỉ có gió núi mây ngàn, việc học chữ với phụ nữ Mông cũng mơ hồ, phập phù như ánh đèn dầu mỗi đêm. Y Pay không biết được thế giới bên ngoài, mọi mường tượng chỉ qua trang sách vở và lời kể của các thầy cô giáo, nhưng chính nhờ sự động viên khích lệ của các chú bộ đội, của thầy cô đã nhen nhóm cô dệt lên những ước mơ.
Thấy các chị, các mẹ trong bản lấy chồng sớm vất vả, cả đời quần quật đi rừng, đi nương rẫy, bữa đói bữa no, Y Pay nghĩ, nếu không học mà ở nhà làm rẫy thì không biết đến khi nào mới thay đổi được cuộc đời. Vậy là cô học trò người Mông nơi bản làng biên giới xa xôi của xứ Nghệ băng rừng, vượt suối xuống thị trấn Mường Xén theo học cái chữ. Tốt nghiệp THPT, Y Pay đăng ký vào Trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non bởi bản thân rất yêu mến trẻ nhỏ, thích múa hát.
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, Lầu Y Pay được nhận dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, cô giáo Y Pay được tuyển dụng chính thức vào biên chế và dạy học ở Trường Mầm non Tri Lễ, thuộc xã biên giới Tri Lễ - nơi khó khăn bậc nhất của huyện miền núi cao Quế Phong.
Đường vào bản Mông Mường Lống xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: Đình TuyênVượt suối, băng rừng gọi trò đến lớp
Những ngày đầu đến Tri Lễ “trồng người”, hành trình “gieo” chữ của cô giáo trẻ người Mông Lầu Y Pay thật lắm khó khăn, gian khổ. Nhiều gia đình người Mông vẫn còn quan niệm “đói cơm mới chết, đói chữ không chết” nên không mặn mà với việc học của con, nhất là bậc học mầm non. Thế nên, cứ sau Tết Nguyên đán và đầu năm học mới, cô giáo Lầu Y Pay cùng đồng nghiệp phải tích cực đến từng nhà và lội bộ lên tận nương rẫy để vận động phụ huynh đưa con em đến trường.
Nhiều hôm đến lớp nhìn quanh lác đác vài ba đứa trẻ, cô Pay chỉ biết men theo những con đường nhỏ lầy lội bùn đất, sỏi đá, ngoằn ngoèo bám vào sườn đồi để vào nương rẫy tìm học trò. Vừa lau khuôn mặt nhem nhuốc của trẻ, cô Pay vừa dỗ dành các cháu theo cô về lớp.
Sau những năm kiên trì vận động, điểm trường mầm non Huồi Mới hiện đã ổn định được sĩ số và tổ chức bán trú cho trẻ. Đến năm thứ 2 “cắm bản”, điểm trường của cô Lầu Y Pay đã tăng lên gấp đôi với khoảng 30 trẻ. Những năm sau đó sĩ số được duy trì và bổ sung thêm, có năm lên đến 50 trẻ. Năm học này, Huồi Mới có 60 trẻ học mầm non, chia thành 2 nhóm lớp với 3 cô giáo, trong đó cô Lầu Y Pay phụ trách điểm trường.
Nhớ lại những ngày tháng đầu gian truân “gieo” chữ trên đỉnh Pha Cà Tún, cô Pay tâm sự: “Mùa mưa, nước lũ chia cắt giao thông, con đường rộng hơn 4m bên núi bị thu hẹp bởi đất đá sạt xuống. Giữa đường tạo thành những mương bùn đặc sệt, xe máy cứ chạy là ngã, giáo viên người lấm lem, phải đi bộ băng rừng trong 3-4 tiếng tới trường. Nhiều hôm thời tiết xuống 1 độ C, tay chân tê cóng”.
Tại quê hương thứ 2, cô giáo trẻ Lầu Y Pay nên duyên với chồng cũng là giáo viên đang dạy tiểu học ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Cùng nghề, cùng tâm huyết và tình cảm yêu thương những đứa trẻ vùng cao, hai vợ chồng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau cả trong cuộc sống, công việc. Sinh con gái đầu lòng, vì điểm trường nơi cô công tác ở xa và biệt lập với trung tâm xã, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn nên sau thời gian nghỉ thai sản, cô Pay phải mang theo con gái cùng bà nội đi theo, vừa dạy học, vừa tiện bề chăm con.
Đến nay, sau 15 năm “cắm bản”, cô Lầu Y Pay trải qua thời gian thử thách và có đủ điều kiện để chuyển về điểm trường trung tâm. Tuy nhiên, cô Pay vẫn chọn ở lại Huồi Mới - bản làng người Mông xa xôi đã trở nên gần gũi, quen thuộc và là quê hương thứ hai mà cô muốn gắn bó.
Ghi nhận tấm lòng, tâm huyết, trách nhiệm của cô giáo người Mông, Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đề xuất và cô Lầu Y Pay vinh dự là một trong 3 giáo viên của tỉnh Nghệ An được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen tôn vinh là Nhà giáo tiêu biểu năm học 2022-2023. Cô giáo Lầu Y Pay còn được Nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND huyện khóa 2021-2026.