Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xây dựng lòng yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc từ lớp học

Mỹ Dung - 16:35, 19/04/2025

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước đưa nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn. Không chỉ đơn thuần là việc bổ sung thông tin, kiến thức, đây còn là bước đi mang tính chiến lược nhằm khơi dậy lòng yêu quê hương, gắn bó với quê hương, hun đúc niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ.

Nhiều hoạt động ý nghĩa trong môn học giáo dục địa phương
Nhiều hoạt động ý nghĩa trong môn học giáo dục địa phương

Từ miền ngược...

Tại các địa phương miền núi, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh, việc triển khai giáo dục địa phương được đặc biệt coi trọng. Ở đó, mỗi bài giảng không chỉ là bài học về lịch sử, địa lý, con người Quảng Ninh, mà còn là hành trình giữ gìn ký ức cộng đồng, truyền lửa văn hóa cho thế hệ học trò đang lớn lên trên chính mảnh đất cha ông.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Tiên Yên - nơi có đông học sinh người DTTS theo học, giáo dục địa phương không chỉ là một phần của chương trình, mà còn là tâm huyết của cả tập thể sư phạm. Những câu chuyện về lịch sử Tiên Yên, những nét văn hóa đặc sắc của người Dao, Tày, Sán Chỉ… được lồng ghép trong từng tiết học và hoạt động ngoại khóa.

“Việc giảng dạy môn giáo dục địa phương được phân công cụ thể cho đảng viên phụ trách từng năm học. Năm học 2024 - 2025, Nhà trường còn bổ sung thêm kế hoạch tích hợp tài liệu giáo dục truyền thống huyện Tiên Yên vào chương trình giảng dạy”, thầy Hoàng Trọng Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ.

Giáo dục địa phương được triển khai sinh động bằng nhiều hình thức
Giáo dục địa phương được triển khai sinh động bằng nhiều hình thức

Còn tại huyện vùng cao Ba Chẽ, giáo dục địa phương được triển khai sinh động bằng nhiều hình thức: dạy học tích hợp, tổ chức các chuyên đề ngoại khóa, trải nghiệm thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin,…Với đặc thù nhiều học sinh là người DTTS và học bán trú, các trường càng chú trọng việc xây dựng chương trình phù hợp với độ tuổi, hoàn cảnh và nhận thức của học sinh.

Giáo dục địa phương được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp học phù hợp với đặc điểm vùng miền và tâm lý lứa tuổi. "Tại các trường miền núi, nơi học sinh ở bán trú chiếm tỷ lệ cao, chương trình này càng thêm ý nghĩa và nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ phía phụ huynh, học sinh”, bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Chẽ nhấn mạnh.

Theo bà Oanh, khi học sinh hiểu về nguồn cội, phong tục tập quán của dân tộc mình, các em sẽ trở thành những “đại sứ nhỏ” tích cực lan tỏa giá trị văn hóa quê hương đến với gia đình và cộng đồng – một cách giáo dục lan tỏa tự nhiên và bền vững.

...đến miền xuôi

Không chỉ ở miền núi, giáo dục địa phương còn được triển khai mạnh mẽ tại các trường học ở khu vực thành phố như Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái… Nơi đô thị sôi động, những tiết học về quê hương trở thành nhịp cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc văn hóa địa phương và tinh thần hội nhập.

Tại Trường THCS Trọng Điểm (TP. Hạ Long), giáo viên đã khéo léo lồng ghép nội dung văn hóa, lịch sử Quảng Ninh vào các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bên cạnh đó, Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa sáng tạo: từ trình diễn trang phục dân tộc Dao, Sán Chỉ đến việc thuyết trình, hát dân ca Soóng cọ…

“Em cảm thấy những câu hát theo làn điệu Soóng cọ rất thú vị và ý nghĩa. Tuy hơi khó học nhưng khi cất lời thì lại thấy rất hay và lôi cuốn. Khi được tìm hiểu và hát những làn điệu này, em càng thêm yêu sự đa dạng trong văn hóa các vùng miền, dân tộc”, em Đặng Khánh Linh, học sinh lớp 7A11 chia sẻ.

Giáo dục địa phương trong nhà trường nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía phụ huynh, học sinh
Giáo dục địa phương trong nhà trường nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía phụ huynh, học sinh

Theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, giáo dục địa phương là môn học bắt buộc, được thiết kế riêng cho từng tỉnh và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Tại Quảng Ninh, từ năm học 2021–2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn triển khai cụ thể.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trọng Điểm cho hay: “Không chỉ tổ chức ở sân trường qua các hoạt động theo chủ điểm, mà trong từng bài giảng của các môn học, đặc biệt là chương trình giáo dục địa phương, chúng tôi đều tích cực lồng ghép các yếu tố văn hóa, lịch sử nhằm khơi dậy tình yêu quê hương cho học sinh”.

Đến nay, 100% trường phổ thông trên toàn tỉnh đã tổ chức dạy học nội dung này một cách đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả. Đặc biệt, chương trình còn được tiếp sức mạnh mẽ từ Nghị quyết số 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, định hướng xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh như một nguồn lực nội sinh – nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.

Giữa dòng chảy hiện đại, việc đưa giáo dục địa phương vào lớp học chính là cách ngành giáo dục Quảng Ninh thêm gìn giữ và tiếp lửa truyền thống. Từ miền núi cao đến phố biển, những bài học về quê hương đang từng ngày nuôi dưỡng tình yêu đất, yêu người trong mỗi học sinh. Và cũng từ đó, niềm tự hào được gieo mầm, lớn dậy không phải bằng khẩu hiệu mà lắng sâu từ trái tim!

Tin cùng chuyên mục
Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã đi vào chặng đường cuối của giai đoạn 1. Cùng với những thay đổi to lớn về kết cấu hạ tầng, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều bước chuyển đáng mừng. Đặc biệt, với trợ lực từ Chương trình MTQG 1719, đã có nhiều thay đổi trong “nếp nghĩ cách làm” của đại bộ phận đồng bào DTTS và miền núi.