Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cống hiến và hạnh phúc nơi điểm trường biên cương Thèn Pả

Thùy Như - Huy Toán - 11:58, 19/11/2023

Nói về sự vất vả của nghề giáo viên, mọi người sẽ nghĩ ngay đến những thầy cô giáo nơi non cao. Đặc biệt là hình ảnh những đảng viên là giáo viên cắm bản, những người hàng ngày phải vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn để cống hiến những năm tháng tuổi trẻ cho sự nghiệp trồng người. Những ngày mùa đông này, chúng tôi có dịp được trò chuyện với một cặp vợ chồng gieo chữ ở điểm trường thuộc diện khó khăn nhất ở vùng biên giới Hà Giang, đó là vợ chồng thầy cô giáo Vi Thị Dinh và Mai Đức Tiệp. Những người đã có 15 năm gắn bó với vùng biên giới xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Tại điểm trường Thèn Pả, có gần 80 học sinh, trong đó bậc mầm non có 38 em, bậc tiểu học có 40 em, đều là con em người Mông
Tại điểm trường Thèn Pả, có gần 80 học sinh, trong đó bậc mầm non có 38 em, bậc tiểu học có 40 em đều là con em người Mông

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, năm 2008, cô giáo người Tày Vi Thị Dinh, sinh năm 1986, ở xã Bằng Hành, Bắc Quang nhận quyết định công tác tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc. Thượng Phùng là xã biên giới, địa hình núi đá, chia cắt mạnh, tại đây cô Dinh được phân công về điểm trường Thèn Pả, cách trung tâm xã 12km, cách trung tâm huyện 50km. Nơi đây vào mùa đông thường gió rét, sương mù dày đặc, có những ngày còn xuất hiện băng giá, nhiệt độ xuống thấp khiến đời sống sinh hoạt của thầy cô và các em học sinh vô cùng khó khăn. Cho đến năm học này, cô Dinh đã dạy ở điểm trường Thèn Pả được 15 năm.

Thôn Thèn Pả có 70 hộ dân, gần 100% là đồng bào Mông. Địa hình núi đá khắc nghiệt khiến đời sống của bà con nơi đây cũng hết sức khó khăn. Điểm trường Thèn Pả, có gần 80 học sinh, trong đó bậc mầm non có 38 em, bậc tiểu học có 40 em. "Ở đây, có 3 thầy cô giáo phụ trách 2 cấp học này với những nhiệm vụ rất vất vả. Không chỉ lên lớp dạy chữ, các thầy cô ở đây còn phải thực hiện nhiệm vụ vận động các hộ dân cho con em đến trường. Khi các con đến trường rồi thì phải vận động để giữ chân các con ở lại học tập. Ngoài ra, các thầy cô ở đây còn phải dạy, uốn nắn cho các con hàng ngày lmà quen và sử dụng thành thạo tiếng phổ thông, thuận cho việc giảng dạy học tập của cô trò. Bởi ở nơi đây, đa phần bà con sử dụng tiếng Mông, ít sử dụng tiếng phổ thông, thế nên trẻ em đến lớp cũng sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp thu kiến thức từ các thầy cô...", cô Dinh chia sẻ.

Với 15 năm dạy học tại điểm trường Thèn Pả, 2 vợ chồng thầy cô Vi Thị Dinh và Mai Đức Tiệp vượt qua muôn vàn những khó khăn và thử thách.
Với 15 năm dạy học tại điểm trường Thèn Pả, 2 vợ chồng thầy cô Vi Thị Dinh và Mai Đức Tiệp vượt qua muôn vàn những khó khăn và thử thách.

Giữa muôn vàn khó khăn của miền biên giới, hạnh phúc đến với cô Dinh, khi tại miền núi đá Thèn Pả cũng là nơi tình yêu nảy nở. Cô lập gia đình với thầy giáo Mai Đức Tiệp, người dạy cùng điểm trường này. Nghề giáo và tình yêu đã giữ chân vợ chồng cô Dinh ở lại điểm trường Thèn Pả trong nhiều năm qua. Đến nay, cô thầy đã có một tổ ấm tại điểm trường với 2 đứa con. Với 15 năm dạy học tại điểm trường Thèn Pả là 15 mùa đông 2 vợ chồng thầy cô Vi Thị Dinh và Mai Đức Tiệp vượt qua muôn vàn thử thách ở nơi thiếu nước và thiếu thốn đủ thứ, đồ ăn, thức uống phải mua dự trữ cả tuần, thậm chí cả tháng, cùng với đó là muôn bàn khó khăn khi lúc con cái ốm đau...

Cô Dinh tâm sự, ở điểm này mặc dù đã được Nhà nước quan tâm, đầu tư bể nước, nhưng do nguồn nước hạn chế nên năm nào cũng vậy, ngay từ đầu mùa đông đã khó khăn về nước sinh hoạt. Việc sinh hoạt của thầy trò ở điểm trường cũng rất chật vật, khó khăn. Những ngày mưa gió, việc di chuyển từ điểm trường ra trường chính, ra huyện cũng rất vất vả, xe máy cứ đi vài chục mét là lại phải dừng lại để cậy đất do bánh xe  bị bết, kẹt bởi bùn đất.

Vượt lên khó khăn, với trách nhiệm nghề nghiệp, vợ chồng cô Dinh đã nỗ lực học tiếng Mông và luôn linh hoạt để tìm ra các giải pháp phù hợp nhất để truyền đạt kiến thức, giúp các em tiếp thu bài học hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ các em hàng năm chuyển cấp tại điểm trường đã đạt 100%. Đây chính là hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng thầy cô giáo Dinh- Tiệp khi công tác tại vùng đất biên cương đầy khắc nghiệt này. 

Năm 2022, vợ chồng thầy cô Dinh, Tiệp vinh dự cùng lúc được Bộ GD&ĐT vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc
Năm 2022, vợ chồng thầy cô Dinh, Tiệp vinh dự cùng lúc được Bộ GD&ĐT vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc

Thầy Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Thượng Phùng cho biết, trường có 12 điểm trường, điểm nào cũng khó khăn. Các thầy cô giáo như vợ chồng thầy Tiệp, cô Dinh luôn là những tấm gương vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cuộc sống vất vả nơi biên giới sương gió, các điều kiện phục vụ cuộc sống thiếu thốn đủ bề, vất vả nhất là khi có thầy cô ốm đau, bệnh tật. Để được đi khám, điều trị, chữa bệnh, các thầy cô gặp rất nhiều khó khăn khi phải ra huyện, hay về thành phố Hà Giang để khám chữa bệnh...

Cô Vi Thị Dinh tâm sự thêm với chúng tôi: "Vợ chồng em có 2 con, đứa lớn gửi về ông bà ở huyện Bắc Quang, nơi có điều kiện sống, học tập tốt hơn, đứa bé còn nhỏ ở với bố mẹ. Vì xa xôi, khó khăn, có những thời điểm, 2 – 3 tháng vợ chồng em mới về thăm con một lần, nhớ và thương con vô cùng. Khó khăn là vậy, nhưng vì yêu nghề, yêu những đứa trẻ ở đây nên chúng em luôn cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...".

Với những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp trồng người nơi vùng đất khó, 2 vợ chồng cô thầy Vi Thị Dinh và Mai Đức Tiệp đã vinh dự được kết nạp vào Đảng. Tiếp đó, đến năm 2022, vợ chồng thầy cô Dinh, Tiệp lại vinh dự được Bộ GD&ĐT vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc.