Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trà Vinh: Chùa Khmer- Nơi bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc

Như Tâm - 11:38, 17/12/2023

Trong đời sống của đồng bào Khmer, với nét sinh hoạt từ việc tu tập trong chùa, đã tạo ra những thế hệ thanh niên Khmer có tri thức, làm hành trang vào đời, góp sức cống hiến cho sự phát triển của xã hội, cộng đồng. Đặc biệt, với những lớp dạy chữ Khmer tại các chùa Phật giáo Nam tông trên địa bàn tỉnh Trà Vinh ngoài việc góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng nói, còn góp phần vào việc giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng DTTS Việt Nam.

Hàng năm các chùa Nam Tông trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tổ chức thi kiến thức Phật học cho hàng trăm phật tử và tăng sinh tham gia
Hàng năm, các chùa Phật giáo Nam tông trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã tổ chức thi kiến thức Phật học cho hàng trăm phật tử và tăng sinh tham gia

Nhà sư lan toả phong trào học tập

Trà Vinh là địa phương có tỷ lệ đồng bào Khmer sinh sống đông nhất nước. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 143 chùa Phật giáo Nam tông. Điều đặc biệt trong hoạt động tôn giáo tín ngưỡng của các vị chức sắc, trụ trì là thống nhất mở các lớp “truyền chữ” dân tộc Khmer cho tăng sinh và phật tử. Từ đó, việc dạy chữ Khmer tại các chùa Phật giáo Nam tông thành truyền thống đã lan toả khắp phum sóc. Đến nay, những lớp học tại chùa có đủ các thành phần, không phân biệt dân tộc, giới tính, từ trẻ em đến người lớn tham gia học chữ Khmer.

Đại đức Kim Hải Toàn, trụ trì chùa Âng Kol, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết: Truyền thống dạy chữ trong chùa Khmer có từ xưa, tùy theo điều kiện của chùa và nhu cầu của phật tử, tuy nhiên phần lớn là tổ chức vào mùa hè cho đối tượng là các em nhỏ. Cứ hễ gần tới hè, nhà chùa đều chuẩn bị cơ sở vật chất để đón học sinh đến học. Ai khó khăn nhà chùa sẽ hỗ trợ dụng cụ học tập, ai có điều kiện thì hùn phước để tặng cho người khó khăn. Tham gia giảng dạy tại các chùa chủ yếu là các nhà sư. Các sư lấy tấm lòng từ bi hướng ra giảng dạy cho phật tử, monng muốn ai cũng biết đọc, biết viết tiếng dân tộc của mình.

Lớp học đối với học sinh thường chỉ kéo dài trong các tháng nghỉ hè nên không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường của các em. Các em học rất nhanh biết đọc và viết, vì cơ bản các em đều nói được tiếng Khmer đến khi các sư dạy rất dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, có những em là dân tộc Kinh sống cùng phum sóc, cũng theo học để có thể giao tiếp cùng bè bạn. 

Em Nguyễn Nam Á, dân tộc Kinh học sinh lớp 7, cứ mỗi dịp nghỉ hè em lại xin được học tiếng Khmer tại Chùa Ân Kol (huyện Duyên Hải). Em Nam Á chia sẻ: “Em rất thích đến lớp học, vì ở đây các sư không chỉ dạy học tiếng Khmer mà chúng em còn được các sư giảng dạy thêm văn hoá và âm nhạc của người Khmer”.

Tương tự, em Nguyễn Thị Quỳnh Hương, học sinh lớp 3, sống tại Trà Cú, em theo học chữ Khmer ở chùa Kompong. Em kể, bạn bè em hầu hết là người Khmer, em muốn được giao tiếp với các bạn phải biết tiếng Khmer. Em đã theo học tại chùa được một khóa, bước đầu em đã nói được một chút chuyện được với các bạn, hè năm tới em sẽ tiếp tục học, ngoài học chữ em còn được các sư cho tham gia chơi nhạc của người Khmer vừa vui vừa bổ ích”.

 Thạch Minh Sơn, hiện là sinh viên đang học trường Đại học Trà Vinh. Tuy nhiên, cứ có thời gian rảnh là em lại rủ các bạn đến các chùa gần trường để tìm các sư nói chuyện để luyện giọng nói của mình hoặc các sư chỉ thêm ngữ pháp.

 “Em đang theo học ngành biểu diễn âm nhạc truyền thống, ngoài việc đến chùa để học nói, học viết em còn được tiếp cận các nhạc cụ truyền thống được lưu giữ tại chùa để làm tư liệu cho việc học. Tất cả các sư rất vui và nhiệt tình hướng dẫn khi thấy chúng em đến học tập và tìm hiểu văn hoá Khmer tại chùa, chính vì thế các chùa ngày càng đông sinh viên, học sinh đến tham quan, học hỏi”, Minh Sơn bộc bạch.  

Ngoài giờ học các em học sinh và sư sãi chùa Âng Kol, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải còn tham gia lao động dọn dẹp ở khung viên chùa
Ngoài giờ học, các em học sinh và sư sãi chùa Âng Kol, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải còn tham gia lao động dọn dẹp ở khuôn viên chùa

Góp phần “xây dựng xã hội học tập”

Trà Vinh là tỉnh có nhiều chùa Khmer nhất nước, theo đó số lượng chư Tăng nhập hạ lên đến 3.200 vị và Ban quản trị chùa ( 4.290 vị). Hàng năm, thanh niên tu học theo theo phong tục truyền thống của dân tộc và thiền sinh đến chùa lên trên 10 ngàn lượt, chưa tính đến số lượng các lớp học hè. Qua đó, cho thấy số lượng phật tử đến chùa có liên hoan đến học tập, tu luyện là rất đông và số này tăng cao theo từng năm.

Theo sinh viên Thạch Minh Sơn, em vào đại học năm nhất, thì lớp em hầu như chưa bạn nào đến chùa để tìm hiểu và học tập. Tuy nhiên, chỉ cần đến cuối năm hai, hầu hết sinh viên đều đến các chùa để nghiên cứu, thực hành trên nhạc cụ và xin học tiếng Khmer. "Em cảm nhận, những ngôi chùa Khmer đang lan toả phong trào “xây dựng xã hội học tập” rất tốt, đây là sự đa dạng hóa các loại hình trường, lớp để cùng nhau học tập. Môi trường học tập tại chùa rất lành mạnh, học đi đôi với hành, gắn kết giữa đạo pháp và dân tộc”, Minh Sơn chia sẻ

Đại đức Kim Hải Toàn trụ trì chùa Âng Kol, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cùng em Nam Á, dân tộc Kinh đang theo học tiếng Khmer tại chùa
Đại đức Kim Hải Toàn trụ trì chùa Âng Kol, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cùng em Nam Á, dân tộc Kinh đang theo học tiếng Khmer tại chùa

Từ thực tế cho thấy, phong trào học tập tiếng dân tộc được sự ủng hộ và đồng thuận lên đến hàng ngàn người, là minh chứng cho tầm hưởng rất lớn từ các vị sư với phật tử. Đặc biệt, Đại đức Kim Hải Toàn, trụ trì chùa Âng Kol cho biết: Các sư luôn trú đến nội dung để lên lớp, thay vì đưa một câu vu vơ vào để dịch sang tiếng Khmer, thì các sư thường đưa một câu về đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để các em học sinh và đồng bào hiểu trong quá trình học luôn. 

“Sư và Ban quản trị chùa thường xuyên động viên phật tử tham gia lớp học khmer của chùa, không phân biệt lứa tuổi chỉ phân biệt trình độ để dạy cho dễ hiểu thôi. Các lớp học tại chùa lúc nào cũng có cán bộ trên xã, mấy chú bộ đội Biên phòng và có cả thầy cô giáo theo học, chính vì nhiều thành phần cùng học chung, không chỉ là học tiếng Khmer mà còn chia sẻ với nhau nhiều lĩnh vực trong cuộc sống”, Đại đức Kim Hải Toàn chia sẻ

Chia sẻ về những hoạt động, việc làm ý nghĩa của các chùa Khmer, ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh nhìn nhận, không chỉ là bảo tồn phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, việc các vị sư, các chùa Khmer dạy tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào “Xây dựng xã hội học tập” trong vùng đồng bào Khmer, theo đó đang ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận thức và tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài...