Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trà Vinh: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp đồng bào DTTS tạo sinh kế thoát nghèo bền vững

Như Tâm - 07:08, 15/12/2023

Dù là tỉnh đã đạt tỷ lệ 100% xã xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng đời sống đồng bào DTTS, nhất là đồng bào Khmer ở Trà Vinh vẫn còn khó khăn, nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ (Nghị định 28) về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đối với việc tạo sinh kế cho đồng bào có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững và từng bước làm giàu.

Vợ chồng anh Thạch Tiên ( người thứ 2 và 3 bên trái qua) ngụ ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú ( Trà Vinh) cùng đoàn công tác Phòng giao dịch NHCSXH và cán bộ xã bên căn nhà mới
Vợ chồng anh Thạch Tiên (người thứ 2 và 3 bên trái qua), ngụ ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú cùng đoàn công tác Phòng giao dịch NHCSXH và cán bộ xã bên căn nhà mới

Hỗ trợ tạo sinh kế

Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Duyên Hải, thời gian qua đơn vị đã tích cực phối hợp với hội, đoàn thể các cấp và chính quyền địa phương nhằm triển khai sâu rộng đến từng ấp, khóm để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Duyên Hải đã giải ngân nguồn vốn cho 3.143 lượt hộ, với số tiền 106.736 triệu đồng. Trong đó, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo là 574 lượt, số tiền là 30.261 triệu đồng; cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho hơn 1.500 lượt hộ với số tiền là 22.998 triệu đồng...

Là một trong những hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, chị Thạch Thị Chính, dân tộc Khmer ở ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang cho biết, chị được bình xét vay vốn chuyển đổi nghề đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau hơn một năm, đàn bò sinh sản được 2 con, chị bán bê con được 15 triệu đồng. Sau khi đợt vay vốn đầu tiên hiệu quả, chị Chính được xét cho vay đợt 2 để mở rộng sản xuất.

 “Tôi mạnh dạn thuê đất nuôi tôm, cứ 6 tháng tôi thu hoạch bán dần con tôm lớn và mua con tôm giống thả tiếp theo để xoay vòng thu hoạch. Hiện tại tôi đang sửa lại nhà để đón tết, năm sau mới xây nhà kiên cố khi thu nhập ổn định để trả các khoản vay theo qui định”, chị Chính chia sẻ.

Còn trường hợp anh Thạch Nhứt Ngụ ấp Sóc Tro Giữa, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú thì, gia đình anh rất khó khăn vì không có đất sản xuất mà hai vợ chồng phải thay nhau chăm sóc cho đứa con đã 13 tuổi bị bệnh bẩm sinh từ nhỏ không biết ngồi và thiếu khả năng nhận thức. Cả nhà chỉ chông chờ vào tiền làm thuê thời vụ để lo chi phí cho gia đình, nhà ở chỉ che tạm cho con nằm mà lúc nào cũng lo mưa ướt, nắng che. Nhờ chú Tổ trưởng Kim Hơi giới thiệu, tổ vay vốn xét cho vay 40 triệu làm nhà, rồi được vay thêm vốn để nuôi bò.

 “Bây giờ dù hai vợ chồng được thuê đi làm cùng lúc không lo bỏ con ở nhà, vì đã có nhà kiên cố không lo mưa ước nữa. Tết này quê tôi đón huyện NTM, còn gia đình cũng sẽ đón năm mới trong căn nhà mới. Gia đình bây giờ chỉ lo lao động sản xuất, góp phần xây dựng phum sóc đổi mới và xứng tầm với huyện NTM mà Đảng, Nhà nước mình lo cho dân”, anh Nhứt phấn khởi chia sẻ.

Từ triển khai Nghị định 28, anh Thạch Tiên ngụ ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, được xét cho vay với số tiền 50 triệu đồng để nuôi bò, đồng thời được hỗ trợ cho vay 40 triệu để xây nhà. Đến nay, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định, dự kiến sẽ tích lũy để trả nợ tiền gốc cho Ngân hàng.

Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trà Cú, thực hiện cho vay từ đầu năm 2023 đến nay đã giải ngân được 4.599 lượt hộ, tổng số tiền 156.453 tỷ đồng. Riêng cho vay nhà ở, đất ở, chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 có 306 hộ, với số tiền 12 tỷ 390 triệu đồng.

Cán bộ NHCSXH và Tổ trưởng vay vốn Kim Hơi ( người thứ 2 bên phải qua) đến thăm đàn bò của anh Thạch Nhứt Ngụ ấp Sóc Tro Giữa, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, Trà Vinh
Cán bộ NHCSXH và Tổ trưởng vay vốn Kim Hơi ( người thứ 2 bên phải qua) thăm mô hình nuôi bò của gia đình anh Thạch Nhứt, ngụ ấp Sóc Tro Giữa, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú

Đúng đối tượng, đúng mục đích 

Để bảo đảm nguồn vốn vay ưu đãi đến đúng nơi, đúng người cần và sử dụng hiệu quả, các phòng giao dịch đã luôn phối hợp chặt chẽ với hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay để có hướng hỗ trợ kịp thời, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư tạo tính lan tỏa giúp các hộ khác làm theo. 

Bên cạnh đó, các phòng giao dịch chủ động phối hợp với Phòng kinh tế ở các huyện, mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt cho bà con là hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo vay vốn. Từ đó, đồng vốn vay luôn được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.

Thực hiện kế hạoch giải ngân năm 2023 theo Nghị định 28, NHCSXH chi nhánh Trà Vinh đã giải ngân cho 674 hộ, với số tiền 27 tỷ 185 triệu đồng, thu nợ 886 triệu đồng, nâng tổng số dư nợ đến nay hơn 47 tỷ đồng, với 1.036 hộ vay, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao. 

Ông Dương Huy Phong, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh cho biết, ngay từ đầu năm, chúng tôi xác định việc thực hiện Nghị định 28 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, NHCSXH chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các Phòng giao dịch cấp huyện tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo rà soát đối tượng thụ hưởng và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị định.  

Để đạt được kết quả như trên, khi bắt tay vào thực hiện chính sách, Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh để tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung theo Nghị định số 28 về cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề. "Tôi tin rằng, với đồng vốn từ Chương trình, sẽ có thêm nhiều hộ DTTS thoát nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội tỉnh Trà Vinh ngày càng phát triển ổn định.”, ông Phong nhìn nhận.