Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tổ ấm của những cư dân “rốn lũ” Hà Tĩnh

Nguyễn Thanh - 06:58, 31/10/2023

Đó là những căn nhà nhỏ, có thể tự nổi lên khi có nước, nhờ những thùng phuy rỗng được cột chặt phía dưới. Trong mái nhà ấy, cả gia đình quây quần đầm ấm, an toàn suốt những ngày mưa lũ giăng tứ bề. Sáng kiến độc đáo này đã và đang là giải pháp khả thi giúp người dân vùng rốn lũ ở Hà Tĩnh vững tin hơn khi mùa lũ về.

Nhà phao tránh lũ của gia đình anh Lê Văn Đề ở thôn Trung Tiến xã Điền Mỹ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh)
Nhà phao tránh lũ của gia đình anh Lê Văn Đề ở thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê

An toàn khi lũ về

Không phải mất công “bỏ của chạy người” như trước, càng không còn hốt hoảng khi con nước lên…; bao người dân vùng lũ Hà Tĩnh đã đón lũ đầy bình tĩnh. Tất cả là nhờ sáng kiến sống thích ứng, an toàn với mưa lũ bằng căn nhà nổi. Một trong những lão nông tiên phong với mô hình nhà nổi chống lũ, là ông Dương Kim Thành (thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê).

Ông Thành kể: Năm 2018, ông đã tìm hiểu học hỏi và tự tay làm nhà phao tránh lũ với diện tích 35m2, chiều cao 3m. Nhà phao được thiết kế bằng 4 - 6 thùng phuy trở lên tùy lớn hay nhỏ. Các thùng phuy này được cố định ở 4 góc bằng sắt hoặc thanh thép. "Lúc đầu tôi nghĩ là làm tạm nên dùng vật liệu từ gỗ hoặc tre nứa để làm sàn và mái che. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang sắt thép thì thấy phù hợp hơn nên dùng làm nhà cố định. Cái này là tôi lấy ý tưởng từ chiếc lồng bè nuôi cá trên sông", ông Thành chia sẻ về sáng kiến của mình.

Ông Thành cho biết, từ khi có nhà nổi tránh lũ, gia đình ông không còn lo lắng, vất vả như trước. Nước dâng đến đâu, nhà nổi đến đó. Trên căn nhà nhỏ ấy, ngoài vợ chồng con cái quây quần còn là những nhu yếu phẩm, vật dụng quan trọng cho cuộc sống hàng ngày như gạo, mắm, muối, nước sạch, quần áo… để mấy miệng ăn tá túc qua ngày.

Nhà phao tránh lũ của ông Dương Kim Thành (thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê)
Nhà phao tránh lũ của ông Dương Kim Thành (thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê)

Học theo ông Thành, người dân vùng lũ ở Hà Tĩnh như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang… đã đầu tư tiền của làm nhà nổi để phòng thân khi lũ đến. Ông Trần Thanh Hải (thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê) chia sẻ: Nhà phao có tác dụng chống lũ rất lớn, có thể xây dựng theo nhu cầu của người sử dụng. Khi lũ lên, nhà phao giúp người và tài sản tránh lũ; khi khô ráo lại có thể sử dụng như nhà kho cất trữ đồ đạc, lương thực.

Ưu thế của loại nhà này là nhẹ và dưới “móng” có gắn những thùng phuy đủ sức nâng nhà lên mặt nước. Có hai loại nhà phao tránh lũ mà bà con nơi đây đang áp dụng, là nhà phao di động và nhà phao cố định. Đối với loại nhà phao di động, khi hết lũ, bà con có thể tháo rời từng bộ phận, cất gọn vào vị trí thuận lợi, không chiếm diện tích đất vườn và có thể lắp ghép dễ dàng. Còn nhà phao được cố định thì được cố định bằng 2 cây cọc cắm xuống đất để không bị xô lệch hoặc nước cuốn trôi. Sau khi hoàn thiện, nhà phao sẽ hoạt động theo nguyên lý nước lên thì nhà lên, nước xuống thì nhà cũng xuống.

Ông Trần Tiến Chương, Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê cho biết: Sáng kiến hữu hiệu làm nhà phao nổi này, cũng đã giúp đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. Chi phí cũng không quá lớn nên thời gian tới, địa phương sẽ động viên người dân làm nhà phao để sống chung với lũ một cách an toàn.

Trong nhà phao, ông Thành chất đủ thứ lương thực phòng khi lũ về
Trong nhà phao, ông Thành chất đủ thứ lương thực phòng khi lũ về

Toàn xã Điền Mỹ hiện có chừng 150 nhà tránh lũ được xây dựng kiên cố, riêng hơn 1.200 hộ dân còn lại, bà con đều chuẩn bị cho mình những nhà phao tránh lũ phù hợp điều kiện kinh tế và địa hình của mỗi gia đình. Với chi phí xây dựng không quá lớn, đang là lựa chọn phù hợp nhất để sống an toàn khi lũ về.

Sống thích ứng với lũ

Đó chính là phương châm sống hợp lý, hữu hiệu nhất mà bà con các xã vùng rốn lũ ở Hà Tĩnh áp dụng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ, địa phương đang tích cực động viên, hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình nhà phao tránh lũ; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ. Ông Kỳ nói: Nguồn lực xây dựng được thực hiện trên cơ sở xã hội hóa như, huy động nguồn nội lực của Nhân dân. Đã có những công trình nhà văn hóa kết hợp với nhà tránh lũ hoàn thành, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân mỗi mùa mưa lũ.

So với các tỉnh vùng Trung Bộ, Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, với nhiều trận lũ lịch sử đã để lại hậu quả hết sức nặng nề cho người dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Đặng Ngọc Sơn trao đổi: Từ thực tiễn công tác ứng phó với thiên tai và hiệu quả của các mô hình nhà tránh lũ, vượt lũ, tỉnh đã thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, kết hợp với nhà tránh lũ và xây dựng nhà ở kiên cố (có tính đến phương án tránh lũ) cho các gia đình chính sách, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Khánh thành nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ ở xã Cẩm Thành huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)
Khánh thành nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ ở xã Cẩm Thành huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)

Qua tìm hiểu của chúng tôi, mỗi nhà văn hóa kết hợp với nhà tránh lũ được thiết kế với quy mô hai tầng, diện tích sàn 400m2, với cơ cấu tầng 1 để trống phục vụ nhu cầu vui chơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên; tầng 2 gồm phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh trú bão lũ, sân khấu, bếp, kho và khu vệ sinh chung, với tổng mức đầu tư hai tỷ đồng. Đó là “cơ ngơi” kín trên, bền dưới để bao người dân rốn lũ sống an toàn suốt những ngày làng, xã bị nước lũ bủa vây.

Không chỉ những căn nhà, người dân vùng lũ còn tậu cho mình một chiếc thuyền con gác mái để phòng cơ sự. Khi nước nổi, đó chính là phương tiện đi lại duy nhất, tiện lợi nhất để người dân cứu hộ lẫn nhau, cứu hộ cho gia đình mình…

Đi khắp các xã vùng “rốn lũ” ở Hà Tĩnh, không khó để bắt gặp một căn nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ, không khó để nhìn tận mắt thấy những nhà phao của người dân cất công xây dựng nên để đối phó với mưa bão. Sáng kiến độc đáo ấy, người dân quê lũ vẫn hằng đùa nhau mà thật rằng, trong cái khó ló cái khôn, là vậy.