Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tìm giải pháp tạo sinh kế bền vững cho đồng bào

PV - 15:02, 27/04/2018

Lâu nay, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn là vấn đề nan giải, gây nhiều bất ổn ở các địa phương. Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã tìm kiếm nhiều giải pháp để huy động mọi nguồn vốn để giải quyết vấn đề này, nhằm đáp ứng điều kiện sống tối thiểu, tiến tới tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Nỗ lực thực hiện chính sách

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, thực hiện Quyết định 1592/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS số nghèo, đời sống khó khăn, trong giai đoạn 2009-2012, toàn tỉnh có 823 hộ dân được giải quyết đất sản xuất với tổng diện tích 229ha, tổng kinh phí gần 86 tỷ đồng.

Áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng là một biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất. (Trong ảnh: Cán bộ khuyến nông hướng dẫn đồng bào DTTS trồng mì (sắn) cao sản) Áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng là một biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất. (Trong ảnh: Cán bộ khuyến nông hướng dẫn đồng bào DTTS trồng mì (sắn) cao sản)

 

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 755/QĐ-TTg phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo xã, thôn đặc biệt khó khăn, để thay thế Quyết định 1592 đã hết hiệu lực. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, Phú Yên có 179 hộ được hỗ trợ gần 2,7 tỷ đồng để mua đất, khai hoang phục hóa đất hoang phục vụ sản xuất.

Đối với đất ở, thực hiện chính sách định canh định cư cho đồng bào DTTS, từ năm 2013 đến nay, tỉnh được giải ngân 38,5 tỷ đồng để triển khai 9 dự án định canh định cư, trong đó 6 dự án định canh định cư tập trung và 3 dự án định canh định cư xen ghép. Kết quả, hơn 800 hộ không có chỗ ở được đưa về các điểm định canh định cư và hơn 200 hộ phát sinh mới cũng được bố trí ổn định chỗ ở.

Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng qua khảo sát thực tế cho thấy nhu cầu về đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS và hộ nghèo miền núi của Phú Yên từ nay đến năm 2020 vẫn còn rất nhiều. Ông La Văn Tỷ, Phó Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên cho biết: “Toàn tỉnh có 1.544 hộ có nhu cầu hỗ trợ về đất sản xuất trên diện tích hơn 707ha; trong đó, huyện Đồng Xuân 580 hộ, huyện Sông Hinh 298 hộ, huyện Sơn Hòa 654 hộ, huyện Tây Hòa 7 hộ, TX. Sông Cầu 4 hộ và huyện Phú Hòa 1 hộ. Về đất ở có 1.252 hộ có nhu cầu với diện tích trên 41ha tập trung ở 3 huyện miền núi là Đồng Xuân 401 hộ, Sông Hinh 379 hộ và Sơn Hòa 472 hộ…”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất như dân số ngày càng tăng, quy hoạch rừng phòng hộ, xây dựng các nhà máy thủy điện... Ông Ma So, Trưởng thôn Thống Nhất, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: “Từ khi công trình thủy điện Sông Ba Hạ khởi công khiến cho diện tích đất sản xuất trong thôn từ 500ha giảm xuống còn 382ha. Mỗi hộ dân từ chỗ sở hữu ít nhất 1,5-5ha đất nay cũng chỉ còn 5 sào đến 2,5ha. Đến nay, tiền đền bù người dân cũng đã tiêu hết nên số hộ nghèo trong thôn từ 21 hộ tăng lên hơn 100 hộ nghèo sau 7 năm. Để giúp bà con trong thôn, chính quyền đã hỗ trợ đất ở cho 2 hộ được 8 sào đất (4 sào/hộ). Tuy nhiên, hơn 50 hộ có nhu cầu với từ 70-90ha đất sản xuất.

Tính tới giải pháp bền vững

Trước thực trạng nhu cầu của người dân ngày càng nhiều mà quỹ đất thì không thay đổi, thậm chí ít đi, tỉnh Phú Yên đã bổ sung thêm mục hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Đồng thời, các hộ thiếu đất sản xuất, đất ở còn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi phục vụ cho phát triển sản xuất”, ông La Văn Tỷ, Phó Ban Dân tộc tỉnh, cho hay.

Giải pháp này đã được một số huyện miền núi triển khai, đạt được những kết quả khả quan. Đơn cử như tại huyện Đồng Xuân, theo ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương đang thực hiện giải pháp tạo việc làm mới và xuất khẩu lao động cho hộ nghèo không có đất sản xuất. Giải pháp này sẽ hạn chế nhu cầu được cấp đất sản xuất trực tiếp như hiện nay. Trong năm qua, địa phương đã giúp 7 người đi xuất khẩu lao động, tạo việc làm mới cho hơn 1.400 người thông qua việc mở các lớp đào tạo về chăn nuôi. Có việc làm, có thu nhập, hộ nghèo sẽ thoát nghèo và có điều kiện mua đất xây nhà, có chỗ ở ổn định.

Ngoài ra, các đơn vị chuyên ngành cũng đã tập trung nâng cao kỹ thuật canh tác cho đồng bào; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa tăng sản lượng nông sản; đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả kinh tế trong điều kiện diện tích đất sản xuất ít.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, cho biết: Thời gian qua, đơn vị phối hợp với các địa phương, triển khai nhiều mô hình sản xuất ở các thôn, buôn có đông đồng bào DTTS. Trong đó, thành công nhất phải kể tới mô hình lúa lai, mô hình mía tưới nước. Từ đây đã thay đổi từ tập quán canh tác sử dụng lúa thịt và thói quen làm lúa rẫy sang sử dụng giống lúa lai nguyên chủng và làm lúa nước. Trong trồng mía, từ thụ động chờ nước trời chuyển sang chủ động tạo nguồn nước tưới để mía đạt sản lượng cao…

LÊ PHƯƠNG