Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Tiếp sức” cho các HTX

Nhật Minh - 10:37, 09/12/2021

Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ra đời nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về vốn cho các HTX trên cả nước, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt mục tiêu tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Nhờ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, HTX sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương đã mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.
Nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, HTX sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương đã mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.

Quảng Bình là một trong 51 tỉnh, thành phố trên cả nước, đã xây dựng được Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, từ đó cùng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam chung tay hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các HTX tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

HTX sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương (Quảng Trạch, Quảng Bình), từng rơi vào cảnh khó khăn do thiếu vốn để đầu tư máy móc, mua nguyên liệu, phát triển thành viên, tìm đầu ra cho sản phẩm… Từ năm 2012 đến nay, HTX đã được tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ HTX tỉnh Quảng Bình 2 lần, tổng số tiền 150 triệu đồng với lãi suất ưu đãi nhằm phát triển sản xuất.

Từ nguồn vốn này, HTX đầu tư mua sắm máy móc, tìm được thị trường mua nguyên liệu và thị trường đầu ra ổn định. HTX cũng kết nối với các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề mây xiên cho người dân, từ đó có thể kết nạp thêm các thành viên và số lượng sản phẩm làm ra hàng năm tăng lên. 

Theo tính toán, doanh thu của HTX đạt trung bình khoảng 2,1 tỷ đồng/năm. Qua mô hình của HTX Quảng Phương có thể thấy, nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, đã giúp HTX duy trì và phát triển sản xuất, thích ứng với thị trường, tránh được nguy cơ giải thể vì thiếu vốn sản xuất.

Giống như HTX sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương, hàng nghìn HTX trên cả nước đã được “tiếp sức” để phát triển như vậy. Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ các HTX chủ yếu đến từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam, và 55 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trực thuộc Liên minh HTX cấp tỉnh, do ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ để hoạt động. Tuy nhiên, thống kê sơ bộ đến hết năm 2020, tổng vốn hoạt động của các Quỹ là khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trên các tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình thành lập mới các tổ hợp tác, các HTX; khuyến khích các HTX mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, đổi mới sản phẩm, mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề mới, duy trì và phát huy các ngành nghề truyền thống. 

Đồng thời, mở rộng thị trường, tăng quy mô, doanh thu, lợi nhuận, sức cạnh tranh; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động; góp phần đẩy mạnh sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; xây dựng và nhân rộng các mô hình mới, mô hình điển hình tiên tiến; tăng cường sự gắn kết giữa Liên minh HTX với HTX và giữa HTX với thành viên.

Có thể nói, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đang trở thành một kênh vốn hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với HTX, liên hiệp HTX; thực hiện quy định tại Điều 6 Luật HTX năm 2012, từ đó đã tạo lòng tin trong nhân dân với Đảng và Nhà nước. 

Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, việc cho vay vốn cho những lĩnh vực cần ưu tiên theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước như, cho vay các HTX xây dựng nông thôn mới, các HTX xây dựng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp,... chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, không đáng kể so với nhu cầu phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, Liên minh HTX đã đề xuất Chính phủ bổ sung vốn theo lộ trình; cũng như đề ra phương án làm sao sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX sẽ phát huy hết vai trò, là kênh hỗ trợ cho các HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giảm tình trạng vay nặng lãi; tạo nền tảng, mở rộng đối tượng vay và đáp ứng nhu cầu vốn lớn của các HTX ngay cả ngắn hạn và trung hạn để khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển mạnh và bền vững.