Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hợp tác xã giúp người nông dân Sơn La vươn lên làm giàu

Hồng Phúc - 19:56, 02/11/2021

Những năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Sơn La không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhờ các hoạt động có hiệu quả, HTX đã mang lại thu nhập cho các xã viên là bà con nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Các HTX nông nghiệp tại Mộc Châu đang có xu hướng xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Các HTX nông nghiệp tại Mộc Châu đang đi theo xu hướng xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Tại huyện Mộc Châu, hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn đều hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho các xã viên. Nhiều HTX đã mạnh dạn tìm cho mình hướng đi mới, qua đó khai thác được tiềm năng, lợi thế của huyện. Nhiều HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh như: ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính vào sản xuất rau và cây ăn quả; sử dụng tem điện tử QR-CODE truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Nhờ vậy, huyện đã có 7 HTX được cấp mã số vùng trồng đối với các cây ăn quả như: nhãn, xoài, mận hậu, bơ, chuối để xuất khẩu.

Còn tại huyện Mai Sơn, HTX Quỳnh Nghĩa cũng đã thu được “trái ngọt” khi đi tiên phong trồng cây chanh leo ở xã Chiềng Sung. HTX được thành lập năm 2015 với 10 thành viên với tổng diện tích sản xuất 10 ha ngô và bí. Đến năm 2019, HTX chuyển sang trồng chanh leo. Anh Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc HTX cho biết, trong năm đầu tiên, năng suất đạt 40 tấn/ha, thu nhập 200 triệu đồng/ha, hiệu quả hơn các cây trồng khác. Đến tháng 6/2021, HTX phát triển lên 20 thành viên với quy mô sản xuất 20 ha chanh leo. Hiện, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã ký hợp đồng với HTX để bao tiêu sản phẩm với giá cam kết thấp nhất là 5.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, HTX Quỳnh Nghĩa đang là cầu nối trong chuỗi sản xuất kết nối người dân với doanh nghiệp, vận động người dân tham gia HTX để cùng sản xuất chanh leo phục vụ các hợp đồng chế biến và xuất khẩu. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho thành viên HTX trả trước 50% số tiền mua giống, 50% còn lại sẽ thanh toán cho công ty sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho mọi người nên cây chanh leo phát triển rất tốt.

Nói về những lợi ích của HTX trong sản xuất nông nghiệp, anh Bùi Văn Tế (ở bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã) cho biết, gia đình anh có 1,2 ha trồng các loại cây ăn quả như nhãn, bưởi, cam. Khi chưa có HTX, nhà anh cũng như nhiều hộ nông dân ở đây chỉ trồng cây ăn quả theo hướng tự phát. Vì vậy, cây trồng cho năng suất thấp, phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, đầu ra sản phẩm rất bấp bênh và thường bị thương lái ép giá. Từ năm 2017, gia đình anh Tế cùng 9 hộ gia đình đã liên kết thành lập HTX Bảo Minh. HTX tập trung áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tạo ra các sản phẩm cây ăn quả có múi đạt năng xuất, chất lượng tốt và an toàn nên có sức cạnh tranh cao. Việc quảng bá, tìm đầu ra cho phẩm cũng được HTX tăng cường. Từ đó việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi với giá cả ổn định.

Cây chanh leo mang lại thu nhập cao cho các xã viên.
Cây chanh leo mang lại thu nhập cao cho các xã viên.

“Từ khi vào HTX, cách làm cho cây ra quả, cách chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật luôn tuân theo một quy trình nên năng xuất cây trái cũng tăng lên. Đầu ra sản phẩm cũng dễ hơn vì có nhiều mối tiêu thụ hơn, khác với trước kia cứ mạnh ai người ấy bán nên thường bị thương lái ép giá”, anh Tế tâm sự.

Là một tỉnh miền núi của vùng Tây Bắc, trong những năm gần đây, các mô hình HTX tại tỉnh Sơn La đã và đang từng bước phát triển và khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong phát triển kinh tế. Tính đến tháng 7/2021, toàn tỉnh có 714 HTX, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước, xây dựng, quỹ tín dụng nhân dân, thương mại, dịch vụ và du lịch, quản lý chợ và vận tải.

Trong nông nghiệp, sự phát triển của các mô hình HTX đã khắc phục được những tồn tại như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản. Các HTX đã triển khai nhiều dịch vụ hỗ trợ như: tạo điều kiện cho những xã viên nghèo ứng trước giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm; trang bị thông tin nông lịch gieo cấy, vay vốn sản xuất,... đến vụ thu hoạch sẽ trả cho HTX. Nhờ vậy các xã viên luôn đảm bảo mùa vụ, có việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập.

Tham gia HTX, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận lợi hơn với giá cả ổn định.
Tham gia HTX, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận lợi hơn với giá cả ổn định.

Điều được nhất trong kinh tế tập thể HTX chính là người nông dân biết hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất theo kế hoạch, theo vùng quy hoạch, đặc sản, lợi thế vùng miền. Vì vậy, tỉnh Sơn La ngoài tiếp tục phát triển các mô HTX nông nghiệp cũng sẽ phát triển các HTX dịch vụ, vận tải và một số dịch vụ khác để hỗ trợ cho các HTX sản xuất phát triển.

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tích cực như tập trung tuyên truyền người dân nâng cao việc sản xuất nông sản số lượng lớn theo chuỗi giá trị, chất lượng cao; vận động, hướng dẫn các HTX áp dụng tiến bộ khoa học và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực cho tỉnh. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn nguồn nhân lực cho các HTX, gắn với tham quan học tập kinh nghiệm và kết nối các doanh nghiệp, nhà máy để tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Qua đó, nâng cao thu nhập cho các thành viên, cũng như khẳng định vị thế kinh tế HTX trong nền kinh tế của tỉnh.