Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bắc Kạn: Đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã

Mạnh Hà - 17:17, 16/11/2021

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Hợp tác xã Hồng Hà (xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) có hơn 15ha sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ_Ảnh: TTXVN
Hợp tác xã Hồng Hà (xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) có hơn 15ha sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ - Ảnh: TTXVN

Sinh ra từ làng, hiểu được nỗi vất vả, khó nhọc của người dân miền núi, hàng ngày chỉ biết làm bạn với chiếc cày, chiếc cuốc, đeo dao lên rừng mới có cái ăn, cái mặc, chị Nông Thị Biệt (sinh năm 1976, dân tộc Tày) đã nỗ lực, tự tìm tòi kiến thức, mạnh dạn thành lập và trở thành Giám đốc HTX Minh Anh (phường Xuất Hóa, TP. Bắc Kạn) chuyên trồng nấm sạch.

Nguyên liệu trồng nấm của xưởng khá đa dạng, là các phụ phẩm nông - lâm nghiệp tự nhiên như mùn cưa và các loại cây thân gỗ… Cùng với các loại nấm truyền thống, HTX phát triển trồng thêm một số loại nấm mới mang thương hiệu HTX như: mộc nhĩ Minh Anh thái chỉ, bonsai linh chi Minh Anh, trà túi lọc linh chi Minh Anh…

Hiện tại, HTX đã xây dựng thành công 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: nấm sò tươi Minh Anh, nấm mộc nhĩ khô, mộc nhĩ Minh Anh thái chỉ, nấm linh chi nguyên tai, bonsai linh chi Minh Anh, trà túi lọc linh chi Minh Anh.

Sản xuất sạch, được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh nên đầu ra cho sản phẩm khá tốt. Ngoài cung cấp cho người dân địa phương, các đại lý tiêu thụ sản phẩm OCOP Bắc Kạn, HTX Minh Anh còn cung cấp cho các đại lý ngoài tỉnh như: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên… Hiện, HTX có 12 thành viên chính thức và 16 thành viên liên kết.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng HTX vẫn duy trì doanh thu trồng nấm đạt 1,5 tỷ đồng, thu nhập của mỗi thành viên đạt từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, sự kiên trì và cũng đầy nhạy bén của phụ nữ, chị đã thành công với nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, mang lại thu nhập khá và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Giống như chị Biệt, hàng chục người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã mạnh dạn tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình HTX. Trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh Bắc Kạn có 39 HTX thành lập mới, đạt 130% kế hoạch, tăng 23 HTX so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số HTX trên địa bàn hiện nay là 270 HTX, tăng 68 HTX so với cùng kỳ năm 2020, với tổng vốn điều lệ 267 tỷ đồng và 2.300 thành viên, trong đó có 188 HTX nông nghiệp và 82 HTX phi nông nghiệp.

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Bắc Kạn thực hiện chính sách mỗi HTX, được hỗ trợ thuê 1 lao động có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc tại HTX, thời hạn hỗ trợ tối đa 30 tháng. Tỉnh đã hỗ trợ cho 43 HTX, với tổng kinh phí đã thực hiện 3,8 tỷ đồng; trong đó, có 22% số HTX được hỗ trợ cán bộ quản lý; 63,4% số HTX được hỗ trợ kế toán; 12,2% số HTX được hỗ trợ cán bộ kỹ thuật và 2,4% số HTX hỗ trợ cán bộ maketing.

Cơ bản các HTX sử dụng nguồn nhân lực đúng mục đích, hoạt động đúng quy định của pháp luật, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng có hiệu quả, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trư­ớc, tổ chức phân phối lợi nhuận theo quy định, góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho thành viên, người lao động. Đặc biệt, trong số 43 HTX được hỗ trợ nguồn nhân lực, đã có 18 HTX có sản phẩm “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh.

UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2022. Trong đó, có 222 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; thành lập mới từ 35 HTX trở lên; tuyên truyền kiến thức về kinh tế tập thể, HTX từ 20 lớp trở lên; giảm tỷ lệ HTX hoạt động yếu kém xuống dưới 10%; vận động các HTX tham gia thành viên của Liên minh HTX tỉnh đạt từ 90% tổng số HTX trên địa bàn trở lên; có 395 tổ hợp tác, trong đó thành lập mới từ 26 tổ hợp tác trở lên, phấn đấu thành lập mới 01 liên hiệp HTX.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX; tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX; nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước, quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể; phát huy mạnh mẽ vai trò của Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể...